7 hành động thiết thực để phòng chống tăng huyết áp

Hôm nay (17.5), Ngày thế giới phòng chống tăng huyết áp, Sở Y tế TP.HCM đã đưa ra 7 hành động thiết thực để phòng chống tăng huyết áp, và kêu gọi mọi người chủ động kiểm tra huyết áp định kỳ, duy trì lối sống lành mạnh.

Theo đó, 7 hành động đơn giản nhưng thiết thực để phòng chống tăng huyết áp gồm: Đo huyết áp định kỳ, đặc biệt người từ 40 tuổi trở lên; ghi nhớ chỉ số huyết áp như số tuổi của mình; giảm muối trong khẩu phần ăn hằng ngày; đọc nhãn thực phẩm, tránh sản phẩm nhiều muối, đường, chất béo bão hòa; ăn ít nhất 400g rau củ/ngày, tăng chất xơ; hạn chế đồ ăn nhanh, nước ngọt, thức ăn nhiều dầu mỡ; duy trì vận động ít nhất 150 phút mỗi tuần, phù hợp với thể trạng.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống tăng huyết áp (17.5) năm 2025 này, Sở Y tế TP.HCM cũng phát động chiến dịch truyền thông cộng đồng với thông điệp: “Ăn uống lành mạnh – vận động đều – kiểm soát huyết áp tốt”. Ngành y tế TP kêu gọi người dân chủ động kiểm tra huyết áp định kỳ, duy trì lối sống lành mạnh, tuân thủ điều trị nếu đã được chẩn đoán bệnh, và đến trạm y tế gần nhất để được sàng lọc, tư vấn và chăm sóc liên tục.

Theo Sở Y tế TP.HCM, tăng huyết áp là bệnh phổ biến nhưng dễ bị bỏ sót. Kết quả khảo sát STEPS 2021 cho thấy có 26,2% người trưởng thành ở Việt Nam (18 - 69 tuổi) mắc bệnh tăng huyết áp nhưng chỉ 40,2% biết tình trạng của mình, và chỉ 24,7% được điều trị tại cơ sở y tế.

Trong nỗ lực chủ động kiểm soát hiệu quả bệnh tăng huyết áp – một yếu tố nguy cơ hàng đầu gây đột quỵ, nhồi máu cơ tim và suy thận, ngành y tế TP đã triển khai nhiều hoạt động tại tuyến y tế cơ sở nhằm phát hiện sớm, điều trị và quản lý bệnh tại cộng đồng.

Từ cuối năm 2022, TP.HCM triển khai thí điểm chương trình WHO PEN (gói can thiệp thiết yếu phòng chống bệnh không lây nhiễm tại tuyến y tế cơ sở của Tổ chức Y tế thế giới) kết hợp với cải tiến chất lượng (QI) tại 43 trạm y tế. Đến năm 2024, chương trình đã mở rộng ra 181 trạm y tế phường, xã trên toàn TP với các hoạt động như: sàng lọc phát hiện sớm tăng huyết áp ở người trên 40 tuổi; áp dụng phác đồ điều trị đơn giản theo Quyết định 5904/QĐ-BYT để chuẩn hóa và nâng cao hiệu quả điều trị; quản lý bệnh nhân tăng huyết áp thông qua phần mềm bệnh không lây; tư vấn thay đổi lối sống, hướng dẫn dùng thuốc đúng cách; theo dõi chỉ số huyết áp và cung cấp thuốc ngay tại trạm y tế…

Đến nay chương trình WHO PEN đã giúp 78,6% bệnh nhân được kiểm soát huyết áp tại các trạm y tế.

Năm 2025, ngành y tế TP đặt mục tiêu phấn đấu ít nhất 90% trạm y tế phường, xã, thị trấn trên địa bàn có khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu; phấn đấu 100% trạm y tế phường, xã, thị trấn trên địa bàn đang triển khai khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế đều tham gia chương trình WHO PEN; 100% trạm y tế triển khai chương trình WHO PEN đều có đầy đủ thuốc điều trị tăng huyết áp, đái tháo đường; ít nhất 50% người bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường được phát hiện mới đều được quản lý điều trị tại trạm y tế theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế; ít nhất 80% người bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường đang quản lý điều trị tại trạm y tế đạt mục tiêu điều trị; ít nhất 70% người bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường duy trì đến trạm y tế khám bệnh, chữa bệnh sau 3 tháng.

Bình Thuận

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/7-hanh-dong-thiet-thuc-de-phong-chong-tang-huyet-ap-232715.html
Zalo