Hộ kinh doanh 'không chịu lớn', vì đâu?
Hộ kinh doanh dù có doanh thu lớn vẫn 'không muốn lớn, không chịu lớn' để tránh các quy định ràng buộc, thủ tục phức tạp.
E ngại thủ tục
Ông Nguyễn Tùng (Long Biên, Hà Nội), chủ của 3 cửa hàng phở Nam Định cho hay, dù được nhiều người động viên thành lập doanh nghiệp để mở rộng kinh doanh nhưng ông không mặn mà.

Nhiều hộ kinh doanh không muốn lên doanh nghiệp vì e ngại phải ràng buộc bởi nhiều quy định (ảnh minh họa).
"Mô hình hiện nay với tôi là phù hợp. Tôi chỉ phải nộp thuế khoán vài triệu đồng mỗi tháng mà không cần thuê kế toán chuyên trách lo chuyện hóa đơn, kê khai thuế và báo cáo doanh thu.
Nhờ đó, tôi không phải tiếp các đoàn thanh tra, cũng không chịu trách nhiệm về quản lý lao động", ông Tùng lý giải.
Tương tự, chị Lan Anh, chủ 2 tiệm hoa tươi doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi tháng tại Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội cũng bày tỏ: "Nếu là doanh nghiệp, tôi sẽ được tham gia đấu thầu cung cấp hoa cho các doanh nghiệp lớn, doanh thu sẽ tốt. Nhưng xét thiệt hơn, nhất là với các thủ tục phải chấp hành, tôi chọn hộ kinh doanh cho nhẹ đầu".
Ông Tùng, hay chị Lan Anh đều là những trường hợp điển hình khi chọn mô hình hộ kinh doanh thay vì doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho biết, qua nhiều khảo sát cho thấy, xu hướng hộ kinh doanh "không chịu lớn" diễn ra nhiều năm nay mà chưa có giải pháp thúc đẩy. Thậm chí, có một bộ phận doanh nghiệp còn chuyển xuống thành hộ kinh doanh.
Cần giảm chi phí tuân thủ pháp luật
Phân tích rõ hơn về góc độ hành chính, ông Lê Duy Bình, chuyên gia kinh tế, giám đốc Economica Việt Nam cho hay, trước hết, nếu nâng cấp lên doanh nghiệp, hộ kinh doanh sẽ phải chấp hành nhiều quy định không phù hợp với họ, tức là tăng chi phí tuân thủ pháp luật.
Ngoài việc không chịu ràng buộc những quy định hành chính khắt khe của pháp luật về doanh nghiệp thì hộ kinh doanh chỉ phải nộp mức thuế rất thấp. Như đối với ngành hàng kinh doanh buôn bán thương mại, mức thuế đối với hộ kinh doanh chỉ 1,5%, trong đó 0,5% thuế thu nhập cá nhân và 1% thuế giá trị gia tăng (VAT).
Trong khi đó, doanh nghiệp kinh doanh hàng tươi sống như hải sản không có đầu vào thì thuế VAT đã 5% rồi, chưa kể phải nộp các loại thuế khác nữa…
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam
Ngoài việc nhiều thủ tục vẫn phải đến tận nơi để đăng ký, theo quy định, doanh nghiệp nào cũng phải có trụ sở riêng, có tổ chức bộ máy, giám đốc, có kế toán hoặc thuê kế toán bên ngoài…
Muốn khuyến khích hộ kinh doanh lên doanh nghiệp, cần xác định rõ họ là loại hình gì, chi phí tuân thủ cũng phải phù hợp và thủ tục đơn giản hơn.
Đồng thời, bổ sung thêm mô hình doanh nghiệp một chủ hoặc gọi là doanh nghiệp cá thể, có chi phí vận hành thấp, thuận tiện.
"Luật Doanh nghiệp hiện hành đã quy định về doanh nghiệp tư nhân, tuy nhiên quy định chung cho cùng loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần… Việc này là "quá sức chịu đựng" với mô hình như hộ kinh doanh", ông Bình đưa ra nhận định.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chúng ta từng đặt mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 và tăng lên 1,5 triệu vào năm nay. Song, hiện tại cả nước mới có gần 1 triệu doanh nghiệp, bằng khoảng 2/3 mục tiêu đề ra.
Doanh thu dưới 1 tỷ/năm mới áp dụng thuế khoán?
Ông Tuấn cho rằng, để khuyến khích hơn 5 triệu hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp, nên miễn thuế trong khoảng 3 năm. Việc này sẽ giúp hộ kinh doanh nâng cao tính chuyên nghiệp và cạnh tranh", ông Tuấn nói.
Đồng tình, ông Nguyễn Văn Được, Tổng giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn Thuế Trọng Tín cho rằng, miễn thuế có thời hạn để khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi lên thành doanh nghiệp siêu nhỏ là điều tốt. Tuy nhiên, cần cân nhắc chính sách đồng bộ, dài hơi để đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng.
Ông Được đề xuất, nên miễn giảm thuế 3 năm đầu đối với doanh nghiệp siêu nhỏ cả thành lập mới lẫn chuyển đổi. Đồng thời, hạ thấp thuế suất đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ theo đúng tinh thần của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ năm 2018.
Để công bằng và không còn tình trạng nhập nhèm doanh thu của hộ kinh doanh nhằm hưởng thuế khoán, thay vì chịu thuế như doanh nghiệp, cần quy định chặt chẽ hơn về hóa đơn để biết chính xác doanh thu.
Lúc đó, việc đăng ký doanh nghiệp sẽ trở thành xu hướng tất yếu, môi trường kinh doanh sẽ minh bạch hơn.
Chung quan điểm, bà Nguyễn Thị Cúc đề xuất, những hộ kinh doanh có doanh thu từ 1 tỷ đồng/năm trở xuống có thể áp dụng thuế khoán.
"Đây là những hộ kinh doanh buôn bán nhỏ, chủ yếu để giải quyết công việc làm, thu nhập cho chính bản thân họ và gia đình. Với hộ có doanh thu trên mức này thì thực hiện theo phương pháp kê khai với mức thuế nộp tương đương như doanh nghiệp.
Thực tế, nhiều hộ kinh doanh hàng điện tử có doanh thu hàng tỷ đồng nhưng mỗi năm họ nộp thuế khoán chỉ mấy triệu đồng là xong", bà Cúc lý giải.
Hiện, cả nước có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh, trong đó 3,5 triệu hộ kinh doanh được cấp mã số thuế và trên 2 triệu hộ sản xuất nhỏ lẻ.
Theo quy định hiện hành, thuế khoán với hộ kinh doanh bán lẻ là 1,5% (trong đó 0,5% là thuế thu nhập cá nhân, 1% là thuế giá trị gia tăng). Từ ngày 1/1/2026, các hộ kinh doanh có doanh thu dưới 200 triệu không phải chịu thuế VAT, thay vì mức 100 triệu đồng như hiện nay.