Đòn thuế mới của Mỹ gây lo ngại

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 2-4 (giờ địa phương) áp thuế quan sâu rộng đối với hàng nhập khẩu

Động thái này dẫn đến cảnh báo từ các chuyên gia rằng nếu các đối tác thương mại của Washington đáp trả bằng biện pháp tương tự, một cuộc chiến thương mại toàn cầu có thể đẩy lạm phát lên cao và khiến tăng trưởng kinh tế chậm lại.

Ông Donald Trump gọi thuế quan mới là thuế "đối ứng", được áp dụng cho mọi quốc gia. Dù vậy, ông để ngỏ khả năng đạt được thỏa thuận với các nước nhằm tránh bước đi này. Thông điệp cốt lõi của ông Donald Trump cho đến nay vẫn nhất quán. Nhà lãnh đạo này từ lâu cáo buộc các quốc gia khác lợi dụng Mỹ trong thương mại, đồng thời cho rằng chương trình nghị sự bảo hộ là cần thiết để khôi phục ngành sản xuất trong nước và đưa việc làm trở lại Mỹ. Ngoài ra, theo đài Al Jazeera, ông còn muốn sử dụng thuế quan để tài trợ cho các đợt cắt giảm thuế trong tương lai.

Theo Nhà Trắng, các mức thuế "có đi có lại" nói trên được áp dụng ngay sau khi công bố. Ngoài ra, mức thuế 25% đối với ô tô và xe tải nhẹ nhập khẩu vào Mỹ có hiệu lực từ ngày 3-4. Nhiều nước đã có phản ứng mạnh trước đòn thuế quan mới nhất của ông Donald Trump. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết Liên minh châu Âu có kế hoạch mạnh mẽ để trả đũa Washington nhưng kêu gọi hai bên thương thảo để tìm kiếm giải pháp giúp giảm căng thẳng. Trong khi đó, Thủ tướng Canada Mark Carney và Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum nhấn mạnh điều quan trọng là bảo vệ năng lực cạnh tranh của Bắc Mỹ trong khi vẫn tôn trọng chủ quyền của mỗi quốc gia. Thủ tướng Carney nói thêm Canada có kế hoạch để đối phó các biện pháp thương mại "vô lý" từ Mỹ.

Tàu container tại cảng ở TP Elizabeth, bang New Jersey - Mỹ Ảnh: AP

Tàu container tại cảng ở TP Elizabeth, bang New Jersey - Mỹ Ảnh: AP

Ông Donald Trump nhấn mạnh kế hoạch thương mại của mình mang lại nhiều lợi ích cho Mỹ. Theo AP, Cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro ngày 30-3 ước tính các mức thuế mới sẽ mang lại 600 tỉ USD/năm. Ngoài ra, thuế quan đối với ô tô mang thêm 100 tỉ USD/năm.

Tuy nhiên, theo đài CNBC, nhiều chuyên gia cho rằng số tiền thu về từ chính sách thuế quan nói trên thấp hơn nhiều so với những gì ông Navarro đưa ra, chỉ từ 100-200 tỉ USD. Bên cạnh đó, các nhà kinh tế và doanh nhân còn lo ngại về tác động của chính sách thuế quan lên giá cả hàng tiêu dùng ở Mỹ. Khoảng một nửa tổng số hàng tiêu dùng của Mỹ được nhập từ nước ngoài. Các nhà kinh tế lo ngại rằng việc áp thuế đối với hàng nhập khẩu sẽ đẩy lạm phát lên cao khi các nhà nhập khẩu chuyển chi phí sang người tiêu dùng.

Theo một số chuyên gia, các thị trường tài chính sẽ có phản ứng tiêu cực đáng kể hơn nữa một khi thuế quan bắt đầu gây thiệt hại thực sự cho nền kinh tế Mỹ, chẳng hạn như làm tăng tỉ lệ thất nghiệp. Ông Dario Perkins, chuyên gia tại Công ty nghiên cứu tài chính TS Lombard, cho rằng vấn đề nằm ở việc thuế quan kết hợp với chính sách cắt giảm chi tiêu của Bộ Hiệu quả chính phủ (DOGE). Tỉ phú Elon Musk, người đứng đầu DOGE, từng tuyên bố mục tiêu chung là nỗ lực cắt giảm khoảng 1.000 tỉ USD thâm hụt ngân sách. Tuy nhiên, ông Perkins chỉ ra rằng Cục Dự trữ Liên bang (FED) khó có thể tiếp tục cắt giảm lãi suất do tác động lạm phát từ chính sách thương mại của ông Donald Trump. Theo chuyên gia này, hệ quả là nền kinh tế Mỹ đang đối mặt một loạt áp lực "nguy hiểm".

Hoàng Phương

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/don-thue-moi-cua-my-gay-lo-ngai-196250402213758818.htm
Zalo