Đề xuất giảm thuế VAT đến hết năm 2026: Tác động lan tỏa mạnh mẽ đến nền kinh tế

Theo chuyên gia kinh tế, việc giảm thuế VAT 2% có tác dụng tích cực cho cả cung-cầu của thị trường. Trong đó, một mặt giúp giảm giá thành hàng hóa, tạo cho người dân kích thích khả năng tiêu dùng, từ đó, tăng tổng cầu xã hội và tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thêm động lực đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh.

Đề xuất giảm trên 121.000 tỷ đồng thuế giá trị gia tăng

Mới đây, Bộ Tài chính đã có công văn gửi các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố..., xin ý kiến về dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (VAT). Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế VAT 2% từ 1/7/2025 đến hết 31/12/2026 đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ như: viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản phẩm kim loại, sản phẩm khai khoáng (trừ than), sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (trừ xăng).

Cùng đó, Bộ Tài chính đề xuất mở rộng đối tượng được giảm thuế suất thuế VAT 2%, bao gồm: sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin (như máy giặt, lò vi sóng, dịch vụ xử lý dữ liệu, cho thuê và các hoạt động liên quan, cổng thông tin...), sản phẩm từ kim loại đúc sẵn như: thùng, bể chứa và dụng cụ chứa đựng bằng kim loại, nồi hơi...; than cốc, dầu mỏ tinh chế như: than cốc, nhiên liệu dầu và xăng, dầu mỡ bôi trơn…; sản phẩm hóa chất như: phân bón và hợp chất ni tơ, plastic và cao su tổng hợp dạng nguyên sinh…; than ở khâu nhập khẩu và than bán ra ở khâu kinh doanh thương mại; xăng, dầu.

Giảm thuế VAT giúp giảm giá thành hàng hóa, kích thích khả năng tiêu dùng, từ đó, tăng tổng cầu xã hội

Giảm thuế VAT giúp giảm giá thành hàng hóa, kích thích khả năng tiêu dùng, từ đó, tăng tổng cầu xã hội

Lý giải cho đề xuất mở rộng đối tượng được giảm thuế suất thuế VAT 2%, Bộ Tài chính cho biết, đây là những hàng hóa, nguyên liệu đầu vào sản xuất các hàng hóa tiêu dùng trực tiếp cho người dân. Đối với xăng, dầu, mặc dù mặt hàng xăng thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và mặt hàng dầu thuộc danh mục sản phẩm khai khoáng, nhưng đây là những mặt hàng quan trọng đối với nhiều ngành sản xuất, kinh doanh cũng như đời sống người dân và giá xăng, dầu nói chung, tăng hoặc giảm sẽ tác động trực tiếp đến sản xuất, tiêu dùng trong nước và ổn định kinh tế vĩ mô.

Do đó, việc bổ sung những nhóm hàng hóa, dịch vụ này được giảm thuế VAT 2% sẽ góp phần quan trọng vào việc hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Đánh giá tác động của việc giảm thuế suất thuế VAT 2% đến thu ngân sách nhà nước (NSNN), Bộ Tài chính cho biết, dự kiến số giảm thu trong 6 tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026 tương đương khoảng 121.740 tỷ đồng (trong đó: 6 tháng cuối năm 2025 giảm khoảng 39.540 tỷ đồng, năm 2026 giảm khoảng 82.200 tỷ đồng).

Theo Bộ Tài chính, việc giảm thuế VAT tác động làm giảm thu NSNN, nhưng cũng có tác động kích thích sản xuất, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó cũng góp phần tạo thêm nguồn thu cho NSNN.

Tác dụng tích cực cho cả cung - cầu của thị trường

Theo TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, việc giảm thuế VAT 2% có tác dụng tích cực cho cả cung - cầu của thị trường, đặc biệt cho doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng. Trong đó, một mặt giúp giảm giá thành hàng hóa, tạo cho người dân kích thích khả năng tiêu dùng, từ đó, tăng tổng cầu xã hội và tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thêm động lực đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh.

TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế

“Giảm thuế VAT giúp giảm giá thành sản phẩm, giúp doanh nghiệp cũng bớt đi chi phí và những nghĩa vụ tài chính cần thiết, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp. Quan trọng hơn đó là góp phần tiêu thụ sản phẩm, cũng như duy trì được động lực đầu tư, duy trì dòng tiền và việc làm, qua đó thực hiện đầy đủ những nghĩa vụ tài chính khác cho cả ngân hàng và ngân sách nhà nước. Về lâu dài thì việc giảm thuế này còn giúp cho cộng đồng doanh nghiệp duy trì được nguồn lực cho phát triển”, TS. Nguyễn Minh Phong đánh giá.

Cũng theo TS. Nguyễn Minh Phong, trong vòng 2 năm gần đây, những tháng đầu năm thường là thời điểm doanh nghiệp gặp khó khăn, thể hiện thông qua con số các doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động thấp so với doanh nghiệp dừng hoặc rút khỏi thị trường. Cụ thể, theo Cục Thống kê, tính chung 2 tháng đầu năm 2025, cả nước có hơn 49.800 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, nhưng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là hơn 67.000 doanh nghiệp, tăng 6,9% so với cùng kỳ.

“Trong 2 tháng đầu năm, doanh nghiệp rút khỏi thị trường nhiều hơn hẳn doanh nghiệp thành lập mới và cả doanh nghiệp quay lại hoạt động, cho nên những động thái giảm thuế ngay từ đầu năm để kích cầu tiêu dùng trong nước rất cần thiết”, TS. Nguyễn Minh Phong nhận định.

Cùng quan điểm, PGS. TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, việc tiếp tục giảm 2% thuế suất thuế VAT, áp dụng từ ngày 1/7/2025 đến hết ngày 31/12/2026, cùng với việc đề xuất bổ sung một số nhóm hàng hóa, dịch vụ vào diện được giảm thuế sẽ làm giảm thu ngân sách, nhưng cũng được kỳ vọng sẽ kích thích sản xuất, thúc đẩy hoạt động kinh doanh, qua đó tạo thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

PGS. TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính)

“Việc mở rộng nhóm hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế VAT cho thấy Chính phủ đang thực hiện chính sách tài khóa linh hoạt để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Nếu được triển khai hiệu quả, chính sách này sẽ không chỉ giúp kích thích nền kinh tế trong ngắn hạn mà còn tạo động lực tăng trưởng bền vững trong dài hạn”, PGS. TS. Ngô Trí Long nhận định.

Các chính sách hỗ trợ về thuế nếu được áp dụng sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong việc giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó kích thích tiêu dùng của người dân, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động và đạt được mục tiêu kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.

Việc tiếp tục giảm thuế VAT không chỉ là tin vui cho doanh nghiệp, mà còn cho cả người dân. Chị Vũ Thu Trang (ở Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội) bày tỏ vui mừng khi biết Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất giảm thuế VAT 2% trong 6 tháng cuối năm nay và năm 2026.

“Giảm thuế VAT thì chi phí bỏ ra khi mua sắm hàng hóa hàng ngày của gia đình tôi cũng sẽ giảm đi. Cùng một lượng tiền, tôi có thể mua thêm được nhiều hàng hóa phục vụ cho đời sống sinh hoạt hàng ngày hơn, bây giờ kinh tế khó khăn nên giảm được đồng nào hay đồng ấy”, chị Trang chia sẻ.

Được biết, việc giảm 2% thuế suất VAT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế 10% đã mang lại tác động tích cực cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Cụ thể, năm 2022, chính sách giảm thuế VAT đã giúp doanh nghiệp và người dân tiết kiệm 51.400 tỷ đồng, góp phần tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 19,8% so với năm 2021. Năm 2023, việc tiếp tục giảm thuế trong 6 tháng cuối năm đã giúp tiết kiệm thêm 23.400 tỷ đồng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,6% so với năm trước.

Đến năm 2024, chính sách giảm thuế tiếp tục hỗ trợ 49.000 tỷ đồng, giúp tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9% so với năm 2023; Và chỉ tính riêng hai tháng đầu năm 2025, số thuế VAT được giảm ước đạt 8.300 tỷ đồng, kéo theo tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,4% so cùng kỳ năm trước.

Diệp Diệp/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/de-xuat-giam-thue-vat-den-het-nam-2026-tac-dong-lan-toa-manh-me-den-nen-kinh-te-post1188863.vov
Zalo