Hình thành chuỗi liên kết trong nông nghiệp
Để thúc đẩy tiêu thụ nông sản một cách tốt nhất và nâng cao giá trị cho nông sản Việt, việc phát triển chuỗi liên kết là vấn đề sống còn trong tái cơ cấu nông nghiệp hiện nay.
Hơn 4.000 hợp tác xã tham gia liên kết theo chuỗi giá trị
Nhìn lại công tác hoạt động trong 8 tháng qua, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Phùng Đức Tiến cho biết, trong gần 8 tháng đầu năm 2024, hoạt động sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản trong cả nước tiếp tục có nhiều điểm sáng, đây là lĩnh vực tạo ra tăng trưởng của ngành nông nghiệp.
Điều này phần nào khẳng định, việc tái cơ cấu nông nghiệp đang đi vào đúng quỹ đạo, trong đó có sự đóng góp cực kỳ quan trọng của khu vực kinh tế hợp tác với hơn 20.000 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp và hàng chục nghìn tổ hợp tác nông nghiệp, cùng với trên 3,8 triệu thành viên HTX là nông dân.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, trong cả nước đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất có giá trị kinh tế cao như: Các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đối với lúa, trái cây, hoa, chăn nuôi, thủy sản, lâm sản…; mô hình cánh đồng lớn; vườn cây ăn quả tập trung chuyên canh tại Cần Thơ doanh thu bình quân 500 triệu đồng/ha/năm; vùng xoài cát Hòa Lộc sản lượng 10.000 tấn/năm; nuôi tôm thẻ siêu thâm canh tại Bạc Liêu cho năng suất 80 tấn/ha/năm, doanh thu 9,2 tỷ đồng/ha.
“Thông qua liên kết, nhiều doanh nghiệp (DN) đã xác lập mối quan hệ bền vững giữa sản xuất và chế biến, tạo ra vùng nguyên liệu ổn định. Nhiều chuỗi giá trị ngành hàng được hình thành và phát triển mạnh mẽ, nhiều sản phẩm nông sản đã có mặt trên các thị trường quốc tế (kể cả thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản). Sản lượng các loại cây trồng và vật nuôi chủ lực như lúa, cà phê, cao su, trái cây, thủy sản ngày càng tăng”- Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Theo số liệu thống kê, hiện nay cả nước đang có trên 4.000 HTX tham gia liên kết theo chuỗi giá trị (chiếm gần 13% tổng số HTX) với các hình thức liên kết chuỗi giá trị phát triển đa dạng theo các công đoạn trong chuỗi giá trị nông sản.
Chuỗi liên kết vẫn mang tính “thời vụ”
Có thể nói, để thúc đẩy tiêu thụ nông sản một cách tốt nhất và nâng cao giá trị cho nông sản Việt thì việc phát triển hiệu quả và bền vững chuỗi giá trị nông sản là vấn đề sống còn trong tái cơ cấu nông nghiệp. Tuy nhiên, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân cho rằng một trong những hạn chế lớn nhất hiện nay là mối liên kết giữa các tác nhân trong cùng một khâu (liên kết ngang), cũng như giữa các khâu (liên kết dọc) trong chuỗi giá trị còn lỏng lẻo. Liên kết giữa các tổ hợp tác/HTX trong một số ngành hàng cũng chỉ nơi dừng lại ở chỗ liên kết mang tính thời vụ, chưa mang tính chia sẻ rủi ro về lợi ích, do vậy vẫn chưa đạt được tính bền vững cao.
Ở góc độ HTX, bà Bùi Thị Hải Yến - Giám đốc HTX Thương mại và Dịch vụ Bản Việt, tỉnh Thái Nguyên cho biết, liên kết với nông dân đem lại nhiều thuận lợi trong ổn định nguồn nguyên liệu. Tuy nhiên, tiêu thụ sản phẩm vẫn là bài toán lớn không chỉ đối với DN lớn mà còn là thách thức đối với các HTX quy mô vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ hiện nay.
Nhấn mạnh đến việc phát triển chuỗi giá trị nông sản hiệu quả để nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế, bà Cao Xuân Thu Vân cho rằng, trong bối cảnh nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, từ biến đổi khí hậu đến cạnh tranh trên thị trường quốc tế, việc tìm kiếm các giải pháp để phát triển chuỗi giá trị nông sản một cách hiệu quả đã trở thành nhiệm vụ cấp bách. Việc xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị từ người nông dân, HTX đến DN chế biến và xuất khẩu là một trong những giải pháp quan trọng để đạt được mục tiêu này.
“Để phát triển bền vững chuỗi giá trị nông sản trong tái cơ cấu nông nghiệp phải đẩy mạnh phát triển liên kết giữa các HTX với DN, tập đoàn kinh tế, viện nghiên cứu, chính sách. Các chính sách hỗ trợ thúc đẩy chuỗi giá trị nông sản Việt không thiếu, vấn đề còn lại chính là năng lực và việc tiếp cận của các tác nhân trong chuỗi” - bà Vân cho biết.
Đề cập đến vấn đề này, đại diện Bộ NNPTNT cũng cho rằng, phát triển nông nghiệp của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại và thách thức, nhất là trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, cạnh tranh ngày càng cao cùng với biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp. Điển hình như: Cơ cấu sản xuất nông nghiệp chưa hợp lý; Năng suất và chất lượng nhiều nông sản chưa cao trong khi xu hướng tiêu dùng xanh và đòi hỏi ngày càng cao của thị trường; Bên cạnh đó, phương thức sản xuất còn lạc hậu, phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên; Hệ thống logistics và chuỗi cung ứng còn yếu kém, dẫn đến tình trạng thất thoát sau thu hoạch và chi phí sản xuất cao…Do vậy, việc tiếp tục cơ cấu lại và phát triển bền vững chuỗi giá trị nông sản là một nhiệm vụ cấp bách và cần thiết…
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, để phát triển hiệu quả và bền vững chuỗi giá trị nông sản cần cơ cấu lại ngành nông nghiệp thực chất, hiệu quả hơn. Trong đó, đổi mới cơ cấu cây trồng và vật nuôi; chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Trong đó, cần tập trung vào các sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh. Cùng với đó, đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp (công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, tự động hóa…) từ đó sẽ giúp tăng năng suất, giảm chi phí và bảo vệ môi trường.