Đột phá tái cơ cấu nông nghiệp - Giảm rủi ro, phát triển bền vững: Bài 2 - Khoa học kỹ thuật mở đường cho thành công
Trong mỗi bước chuyển mình của nông nghiệp Bắc Giang, khoa học kỹ thuật luôn là động lực chính. Việc ứng dụng công nghệ trong mọi khâu từ sản xuất, thu hoạch đến chế biến, tiêu thụ đã nâng tầm nông sản. Các mô hình ứng dụng VietGAP, GlobalGAP và nông nghiệp hữu cơ không chỉ bảo đảm chất lượng mà còn gia tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm.
“Cú hích” cho nông sản trái vụ và năng suất vượt trội
“Tốt giống, tốt má, tốt mạ, tốt lúa”, trong lĩnh vực sản xuất giống, nhờ công nghệ nhân giống hiện đại đã tạo ra những bộ giống năng suất, chất lượng cao, ngày càng thích ứng với biến đổi khí hậu. Khoa học kỹ thuật còn cho nhiều loại sản phẩm trái vụ. Trước đây, người dân xã Bảo Sơn (Lục Nam) để dứa ra quả tự nhiên vào tháng 5, tháng 6 dương lịch, trùng vào thời điểm thu hoạch nhiều loại quả khác nên khó bán, giá thấp.
Để tăng hiệu quả kinh tế, một số nhà vườn áp dụng thành công kỹ thuật cho dứa ra quả trái vụ. Đến nay, hơn 200 ha dứa của xã đều được xử lý cho quả vào dịp Tết và những tháng mùa xuân, thu nhập cao gấp 2-3 lần so với chính vụ, doanh thu đạt hàng chục tỷ đồng/năm. Tương tự, người trồng na ở các xã Nghĩa Phương, Huyền Sơn của huyện Lục Nam đã điều chỉnh, cho na ra quả nghịch vụ. Thay vì quả chín vào mùa Thu, người dân đã tỉa cành, áp dụng kỹ thuật cho quả chín vào đầu Đông, giá bán cao gấp nhiều lần na chính vụ, có thời điểm bán tại vườn từ 70-80 nghìn đồng/kg.
Nông sản trái vụ là cách làm sáng tạo với phương châm “bán sản phẩm thị trường cần chứ không phải cái mình có”, giải bài toán “đầu ra” thuận lợi, vấn đề mấu chốt để làm nông sản trái vụ chính là việc thành thục ứng dụng khoa học kỹ thuật của người sản xuất.
Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật còn làm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tránh rủi ro như “đánh bạc với trời”. Hơn 30 năm chưa vụ nào bị mất mùa vải thiều là câu chuyện của gia đình bà Diệp Thị Sênh, thôn Trại 1, xã Phượng Sơn (Lục Ngạn). Bà Sênh ví cây vải thiều như người bạn của mình, nắm chắc từng cây để chăm cây phù hợp. Nếu như năm 2024, vải thiều mất mùa nặng nhất trong nhiều năm qua thì gia đình bà Sênh vẫn thu được hơn 8 tấn quả, được thương nhân Trung Quốc bao tiêu cả vườn với giá 70 nghìn đồng/kg, trừ chi phí lãi hơn 400 triệu đồng, gấp đôi năm trước.
Bà Sênh nói: “Chưa năm nào tiền vải thu được nhiều như năm 2024, lại không phải vất vả chở đến điểm cân. Người mua, người bán đều phấn khởi”. Giống như bà Sênh, nhiều nông dân ở Lục Ngạn cũng được ví như “nghệ nhân làm vườn”. Đó là ông Lưu Văn Sáng, thôn Trại 3, xã Quý Sơn có 2 ha chuyên canh cam ngọt. Điều đặc biệt là toàn bộ vườn cam cho quả sai trĩu nhờ được ghép trên gốc bưởi, có cây thu về gần 2 tạ quả, tính cả vụ nhà vườn thu về gần 120 tấn quả.
Xác định khoa học công nghệ “đi trước dẫn đường”, ngày 16/8/2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 130-NQ/TU về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2016-2020. Đến nay, Bắc Giang có hơn 1,5 nghìn mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật đã góp phần nâng cao hiệu quả trong lĩnh vực chăn nuôi và thủy sản. Tại Bắc Giang, nhiều năm liền không xảy ra dịch bệnh lớn trên đàn vật nuôi, mặc dù đây là địa phương có tổng đàn gà đứng tốp đầu cả nước.
Một số mô hình nông nghiệp tiêu biểu như: Mô hình sản xuất rau màu, hoa, nấm trong nhà lưới, nhà màng; sử dụng hệ thống tưới tự động, tưới tiết kiệm; ứng dụng phần mềm hỗ trợ công tác quản lý, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh; nuôi gà trong phòng lạnh… Nhìn chung, sản phẩm từ các mô hình đều đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; có năng suất, chất lượng cao hơn từ 2-3 lần so với sản xuất truyền thống; bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Sản phẩm OCOP chinh phục thị trường khó tính
Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã khuyến khích các hộ dân, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao, giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận diện và tin dùng các sản phẩm đặc trưng. Đến nay, toàn tỉnh có 329 sản phẩm OCOP, trong đó có 1 sản phẩm 5 sao cấp quốc gia, còn lại đạt từ 3 sao trở lên.
Một số nông sản, sản phẩm OCOP của tỉnh có khả năng đáp ứng yêu cầu sản xuất lớn và đã có hoạt động xuất khẩu trực tiếp sang các thị trường khó tính như: Sản phẩm của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu VIFOCO xuất sang thị trường Hàn Quốc; các sản phẩm của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu xuất khẩu sang thị trường EU; các sản phẩm giấm của Công ty TNHH Thương mại Ngân Giang Lục Ngạn xuất sang thị trường Trung Quốc, Cộng hòa Séc...; Bánh nông sản Bình Minh của Hợp tác xã (HTX) Bình Minh xuất sang thị trường Hàn Quốc.
Đặc biệt là các sản phẩm vải thiều Lục Ngạn, vải sớm Phúc Hòa đã được xuất khẩu sang các thị trường yêu cầu chất lượng cao như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản… Đây chính là động lực để cổ vũ, thúc đẩy các nông sản, sản phẩm OCOP khác của tỉnh tiếp tục vươn xa ra thị trường trong nước và quốc tế. Hiện nay, các HTX ở xã Liên Chung (Tân Yên) cũng đang đàm phán, thực hiện các bước để đưa sâm núi Dành xuất ngoại.
Trong những năm qua, Bắc Giang đã lồng ghép và dành nguồn lực để hỗ trợ người dân trong việc xây dựng và phát triển sản phẩm. Để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến, liên kết tiêu thụ, Bắc Giang chú trọng phê duyệt nhiều nội dung hỗ trợ cho các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Hiện nay, các đề án đang được Sở Nông nghiệp và PTNT, Hội Nông dân tỉnh, Sở Công Thương cùng các sở, ngành, UBND huyện, thị xã, TP triển khai tích cực. Theo đại diện lãnh đạo Sở Công Thương, Sở đang phối hợp tổ chức các hoạt động kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP, nông sản vào hệ thống phân phối hiện đại, các chợ đầu mối; chủ động, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng của Bộ Công Thương, các đại sứ, tham tán thương mại, thương vụ Việt Nam ở các nước để tìm kiếm, mở rộng và đa dạng hóa thị trường.
Bức tranh mới của ngành Nông nghiệp
Tái cơ cấu nông nghiệp cùng với đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ đã tạo nên bức tranh mới cho nông nghiệp Bắc Giang. Tiêu biểu là vải thiều được coi là “điển hình của nông sản Việt”, từ sản xuất thông thường đã tăng dần qua các năm về diện tích sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP. Hiện nay, vải thiều được xuất khẩu sang 30 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đáng chú ý, vải thiều Lục Ngạn là một trong số ít nông sản của Việt Nam được cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản.
Trước đó, vải thiều tỉnh Bắc Giang cũng được bảo hộ thành công nhãn hiệu tại nhiều quốc gia khác như: Trung Quốc, Lào, Campuchia, Hàn Quốc, Singapore, Australia... Qua 3 năm sau khi được cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý, phía Nhật Bản đã cử các đoàn công tác sang khảo sát, đánh giá thực địa các tiêu chuẩn, mới nhất là vụ vải năm 2024. Qua thực tế, các chuyên gia Nhật Bản đều đánh giá cao quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm tại vùng vải thiều Lục Ngạn. Toàn huyện Lục Ngạn hiện có gần 16 nghìn ha vải thiều, tập trung tại các xã Hồng Giang, Tân Sơn, Quý Sơn, Giáp Sơn… Hiện nay, nông dân đang tập trung chăm sóc cây trồng để cây không ra lộc đông, đón mùa quả mới.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, Bắc Giang được biết đến với vùng gà đồi Yên Thế. Nhiều hộ nuôi quy mô hàng nghìn con mỗi lứa. Bên cạnh sản phẩm gà lông, gà thương phẩm còn được chế biến thành: Giò gà, xúc xích gà… Mỗi năm, toàn huyện Yên Thế xuất bán ra thị trường hơn 10 triệu con gà thương phẩm và các sản phẩm chế biến, giá trị sản xuất đạt hơn 1,6 nghìn tỷ đồng.
Cơ cấu nông nghiệp ở từng vùng đã tạo ra lợi thế đặc trưng cho mỗi địa phương, hỗ trợ lẫn nhau trong phát triển. Nhờ vậy, sản xuất nông nghiệp của tỉnh có bước phát triển nhanh và toàn diện, cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực, trở thành điểm sáng của cả nước; duy trì đà tăng trưởng 4 năm liên tiếp từ năm 2020 đến nay (tăng từ 2-6,7%). Năm 2023, giá trị nông, lâm, nghiệp và thủy sản đạt hơn 22,7 nghìn tỷ đồng (tính theo giá so sánh 2010), tăng hơn 2,5 nghìn tỷ đồng so với năm 2020; giá trị/ha đất nông nghiệp năm 2023 đạt 138 triệu đồng/năm, tăng 18 triệu đồng/ha so với năm 2020. Bắc Giang được đánh giá là tỉnh đứng đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc về giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp.
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT) đánh giá, Bắc Giang đã thực hiện hiệu quả định hướng của Bộ về tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị và phát triển bền vững. Hiện nay đã hình thành vùng sản xuất đặc trưng, quy mô lớn nổi tiếng trong cả nước, trong đó tổng diện tích vải thiều hơn 27 nghìn ha (lớn nhất Việt Nam). Dù công tác xây dựng thị trường nông sản hiệu quả song chưa được như kỳ vọng, cần tiếp tục xem xét, cơ cấu lại nội tại từng loại cây trồng để gia tăng giá trị.
Nông nghiệp Bắc Giang đã có những bước tiến dài nhờ việc tái cơ cấu hợp lý và ứng dụng khoa học công nghệ. Đặc biệt, khi nhìn lại những thành tựu đã đạt được, Bắc Giang không chỉ chú trọng vào nông sản, mà còn liên kết chặt chẽ với các hoạt động tiêu thụ và xuất khẩu. Các mô hình sản xuất hiện đại, từ VietGAP, GlobalGAP đến nông nghiệp hữu cơ, không chỉ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Các sản phẩm OCOP và các mô hình trồng trọt, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao đã chứng minh hiệu quả trong việc đáp ứng nhu cầu thị trường, xuất khẩu và cải thiện thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, vẫn còn những thách thức cần được khắc phục để nông nghiệp Bắc Giang phát triển bền vững và toàn diện hơn, tiếp tục giữ vững vai trò "trụ đỡ" của nền kinh tế địa phương.
(Còn nữa)
Nhóm PVKT