Phát triển ổn định vùng trồng mía theo hướng liên kết

Từ năm 2002 - 2003, cây mía được xem là cây trồng chủ lực của huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng). Nhưng giá mía thời điểm đó giảm mạnh, không đảm bảo nguồn thu nhập cho hộ dân nên ngành Nông nghiệp huyện Cù Lao Dung đã khuyến khích hộ dân chuyển sang cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, trong các niên vụ mía từ 2022 - 2023 đến nay, các hộ trồng mía được công ty thu mua mía nguyên liệu bao tiêu đầu ra sau thu hoạch. Nhờ đó, mía có lợi nhuận tốt nên các địa phương trên địa bàn huyện Cù Lao Dung đang mở rộng diện tích trồng.

Ông Trần Tuấn An, xã Đại Ân 1, huyện Cù Lao Dung cho biết: "Trước đây, có lúc giá mía thấp, nên tôi đã chuyển trồng mía sang trồng một số loại rau màu khác. Tuy nhiên, kể từ năm 2022 đến nay, tôi đã chuyển từ cây màu sang trồng lại cây mía, vì mía được công ty mía đường ở Sóc Trăng bao tiêu đầu ra sau thu hoạch, giá hợp đồng liên kết tiêu thụ tốt, hộ có lợi nhuận từ 50 - 60 triệu đồng/ha. Với tổng diện tích trồng mía của gia đình là 3ha, mỗi năm tôi có thu nhập hơn 150 triệu đồng", ông Tuấn An chia sẻ.

Ông Trần Tuấn An, xã Đại Ân 1, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) bên ruộng mía 3ha của gia đình cho thu nhập hơn 150 triệu đồng/năm/vụ. Ảnh: THÚY LIỄU

Ông Trần Tuấn An, xã Đại Ân 1, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) bên ruộng mía 3ha của gia đình cho thu nhập hơn 150 triệu đồng/năm/vụ. Ảnh: THÚY LIỄU

Cũng là hộ trồng mía nhiều năm trên vùng đất Cù Lao Dung, bà Trần Thị Luyến, xã Đại Ân 1 bộc bạch: "Trong các niên vụ mía 2022 - 2023, 2023 - 2024, trồng mía đều cho lợi nhuận tốt, tất cả là nhờ có sự bao tiêu đầu ra của công ty mía đường và hiện tại với niên vụ mía 2024 - 2025 này, tôi được công ty hỗ trợ tiền thuê đất trồng 1ha mía, tiền mua giống mía, tiền mua phân bón cho mía… Số tiền đó công ty cho mượn không tính lãi suất mà trừ lại tiền mía thu mua. Diện tích mía 1ha, năng suất thu hoạch hằng năm 125 - 130 tấn/ha, giá mía 1.320 đồng/kg (mía 10 chữ đường), trừ chi phí tôi thu hơn 60 triệu đồng/ha/năm. Kể từ khi thực hiện hợp đồng liên kết tiêu thụ mía với công ty, tôi yên tâm canh tác mía, không còn thấp thỏm nỗi lo khi đến mùa thu hoạch mía đi tìm thương lái bán như trước nữa".

“Niên vụ mía 2023 - 2024, diện tích mía toàn xã là 700ha, nhưng trong niên vụ mía 2024 - 2025 này, diện tích mía trên địa bàn xã đã tăng thêm 300ha. Nguyên nhân diện tích mía tăng nhiều là do giá mía nguyên liệu tăng, kèm theo đó là có công ty mía đường liên kết bao tiêu đầu ra nên nông dân đã phát triển diện tích trồng mía tại hộ. So với các loại cây trồng khác thì cây mía và cây dừa là 2 loại cây trồng mà xã đang định hướng xây dựng phát triển trồng, bởi thích ứng tốt với điều kiện biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp. Trong số diện tích 1.000ha mía trên địa bàn xã, có hơn 70% diện tích mía đã được công ty bao tiêu đầu ra; số còn lại hộ dân vẫn tiêu thụ tốt thông qua thương lái đến tận ruộng thu mua khi đến mùa vụ thu hoạch", Chủ tịch UBND xã Đại Ân 1 Trần Trung Ngoan cho biết.

Nói về cây mía, đồng chí Trần Diệu Xiêm - Phó Chủ tịch UBND xã An Thạnh 3, huyện Cù Lao Dung chia sẻ: “3 năm qua, cây mía nguyên liệu có giá tăng cao nên hộ dân đã tiến hành chuyển đổi từ trồng các loại nông sản hay cây ăn trái kém hiệu quả sang trồng mía. Chính vì vậy, mặc dù chỉ tiêu của huyện giao diện tích trồng mía của xã 500ha nhưng đến thời điểm hiện tại, diện tích mía toàn xã tăng gấp đôi so chỉ tiêu huyện giao. Để đảm bảo nguồn thu nhập từ trồng mía, nông dân đã trồng xen một số loại cây khác trong vườn mía, nếu giá bán mía không tốt sẽ ngưng trồng mía để cho các loại cây trồng xen canh phát triển. Với diện tích 1.000ha mía trên toàn xã, trong đó có gần 80% diện tích đã được công ty ký kết hợp đồng bao tiêu đầu ra”.

Diện tích mía toàn huyện Cù Lao Dung thời điểm hiện tại gần 4.000ha, trong đó mía nước khoảng 250ha, còn lại là diện tích mía nguyên liệu; giống mía sản xuất chủ yếu là K95-156, KK3, ROC16; năng suất mía bình quân 100 - 120 tấn/ha. Diện tích mía thực hiện hợp đồng liên kết tiêu thụ với Công ty Cổ phần Mía đường Sóc Trăng đạt hơn 70% diện tích mía toàn huyện.

Đồng chí Nguyễn Văn Đắc - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cù Lao Dung cho biết, kế hoạch của huyện là phát triển ổn định vùng trồng mía theo hướng liên kết để nâng cao hiệu quả kinh tế cho hộ dân trồng mía. Cùng với đó, mục tiêu của huyện là đẩy mạnh tổ chức sản xuất mía theo từng vùng tập trung, ứng dụng kỹ thuật và cơ giới hóa từng khâu trong canh tác mía, nhằm nâng cao năng suất, tăng chất lượng mía, giảm chi phí, tăng thu nhập cho người trồng mía. Tạo liên kết sản xuất bền vững giữa công ty và hộ trồng mía theo chuỗi giá trị bền vững với 100% diện tích trồng mía trên địa bàn huyện được ký kết hợp đồng tiêu thụ.

Để phát triển ổn định vùng sản xuất mía nguyên liệu, huyện sẽ tuyên truyền các tổ chức kinh tế và người dân về phát triển vùng nguyên liệu mía trên địa bàn toàn huyện; hình thành các vùng sản xuất mía tập trung; đầu tư và phát triển giống mía mới; nghiên cứu ứng dụng quy trình công nghệ tổng hợp, cơ giới hóa đồng bộ trong quá trình chăm sóc, vận chuyển mía; ưu tiên ứng dụng các công nghệ an toàn tạo ra các sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường. Sử dụng các giống mía năng suất cao, phù hợp với từng vùng đất. Hỗ trợ nâng cấp hệ thống thủy lợi hiện có đảm bảo nước cho vùng mía thâm canh đạt năng suất, chất lượng; đẩy mạnh cơ giới hóa từng khâu trong sản xuất mía nguyên liệu. Thực hiện có hiệu quả việc liên kết giữa công ty với các tổ hợp tác, hợp tác xã và hộ dân trong việc đầu tư thâm canh tăng năng suất, chất lượng mía nguyên liệu.

THÚY LIỄU

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/huyen-cu-lao-dung/202411/phat-trien-on-dinh-vung-trong-mia-theo-huong-lien-ket-1e24b15/
Zalo