Him Lam Land tháo chạy khỏi SGN sau gần 1,5 tháng mua lượng lớn cổ phiếu

CTCP Kinh doanh Địa ốc Him Lam (Him Lam Land) vừa rút khỏi danh sách cổ đông lớn của CTCP Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (SAGS, HoSE: SGN) sau gần 1,5 tháng mua vào cổ phiếu.

Cụ thể, Him Lam Land đã bán 980.000 cổ phiếu SGN trong ngày 7/7, giảm sở hữu xuống còn 1,57 triệu cổ phiếu, tương ứng 4,7% vốn và chính thức không còn là cổ đông lớn của SGN chỉ trong vòng 1,5 tháng.

Điều đáng nói, Him Lam Land chỉ vừa mới mua gần 2,56 triệu cổ phiếu SGN trong phiên giao dịch ngày 1/6, chiếm tỷ lệ 7,6% vốn và chính thức trở thành cổ đông lớn của SGN.

Điều đáng nói là kết phiên ngày 1/6, cổ phiếu SGN không ghi nhận bất kỳ giao dịch khớp lệnh hay thỏa thuận nào. Tuy nhiên, số cổ phiếu Him Lam Land mua vào đúng bằng lượng mua bán ra của CTCP Đầu tư Khai thác Cảng và giao dịch trong cùng ngày. Đồng nghĩa với việc Đầu tư Khai thác Cảng đã sang tay số cổ phiếu SGN trên cho Him Lam Land.

Trong khi đó, kết phiên ngày 7/7, cổ phiếu SGN đóng cửa tại mức 74.000 đồng/cp, ghi nhận mức giá bằng với phiên Him Lam Land trở thành cổ đông lớn.

Nếu tính theo giá đóng cửa trên, ước tính Him Lam Land đã bỏ ra số tiền 189,24 tỷ đồng để mua vào 7,6% vốn điều lệ tại SGN và trở thành cổ đông lớn.

Theo cơ cấu cổ đông của SNG tại thời điểm cuối quý 1/2023, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) là cổ đông lớn nhất với hơn 16,1 triệu cổ phiếu, chiếm 48,03% vốn. Các cổ đông lớn còn lại gồm CTCP Đầu tư Khai thác Cảng (IMP Corp) với gần 2,6 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 7,61%; SSI nắm 7,61% và Vietjet Air (VJC) sở hữu 9,11%.

Về tình hình kinh doanh của SGN, quý 1/2023, SGN đạt doanh thu thuần hơn 329 tỷ đồng, tăng 95% so cùng kỳ. Tương ứng lợi nhuận sau thuế thu về cũng vọt 83% khi đạt hơn 55 tỷ đồng.

Theo SGN, tình hình dịch bệnh trong nước và thế giới những tháng đầu năm tiếp tục được kiểm soát tốt, giúp sản lượng khai thác của các hãng hàng không, đặc biệt là các chuyến bay quốc nội, tăng cao trong tháng 1, đầu tháng 2, sau đó giảm dần và ổn định. Trong khi đó, cùng kỳ năm 2022 là giai đoạn đầu Chính phủ Việt Nam cho phép mở cửa du lịch, thích ứng với tình hình mới nên sản lượng khai thác chưa phục hồi nhiều, do đó doanh thu quý 1/2023 tăng cao so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, quý 1/2023, công ty con của SGN là SAGS-CXR đã có lãi nhẹ trở lại.

Trong khi đó, năm 2023, SGN đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất .280 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 205 tỷ đồng, lần lượt tăng hơn 35% và 46% so với thực hiện năm 2022.

Tính đến ngày 31/3, tổng tài sản của SGN tăng 7% so với đầu năm, lên gần 1.153 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu là đầu tư tài chính ngắn hạn 485 tỷ đồng, phải thu ngắn hạn gần 319 tỷ đồng và tài sản cố định hơn 235 tỷ đồng. SGN không không có vay nợ tài chính.

Còn Him Lam Land thành lập từ năm 2008 hoạt động trong các lĩnh vực: Đầu tư bất động sản, Phát triển dự án bất động sản, Kinh doanh và Phân phối dự án bất động sản, Quản lý vận hành bất động sản... Trải qua hơn 14 năm, hiện Him Lam Land có vốn điều lệ 1.700 tỷ đồng, người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Ngọc Thủy, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc.

Về tình hình kinh doanh năm 2022, Him Lam Land báo lãi sau thuế lên tới 2.379 tỷ đồng, gấp gần 14 lần năm 2021.

Tuy nhiên vốn chủ sở hữu kỳ này của Him Lam lại giảm nhẹ từ 2.294 tỷ của năm 2021 xuống mức 2.144 tỷ đồng. Tương ứng tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sổ hữu (ROE) tăng từ 7,47% của năm trước lên tới 110,96% trong kỳ này.

Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của Him Lam cũng giảm từ 9,55 lần xuống còn 6,9 lần, còn dư nợ trái phiếu đã về 0.

Minh An

Nguồn Vietnamdaily: http://vietnamdaily.trithuccuocsong.vn/doanh-nghiep/him-lam-land-thao-chay-khoi-sgn-sau-gan-15-thang-mua-luong-lon-co-phieu-178984.html
Zalo