Highlands Coffee và Simexco Đắk Lắk hợp lực phát triển chuỗi giá trị cà phê Việt
Hai doanh nghiệp ký kết hợp tác chiến lược nhằm nâng cao chất lượng, truy xuất nguồn gốc và xây dựng thương hiệu cà phê robusta Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Nhà máy rang xay cà phê Highlands Cái Mép tại KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3, tỉnh Bà Rịa ‐ Vũng Tàu.
Ngày 15/4, tại Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 (Bà Rịa - Vũng Tàu), Highlands Coffee chính thức khánh thành Nhà máy rang xay Highlands Cái Mép, diện tích gần 24.000m², tổng vốn đầu tư gần 500 tỷ đồng.
Nhà máy được trang bị dây chuyền PROBAT hiện đại nhập khẩu từ Đức, vận hành tự động hóa theo tiêu chuẩn quốc tế. Giai đoạn đầu, công suất đạt khoảng 10.000 tấn cà phê/năm, có thể mở rộng lên đến 75.000 tấn/năm khi hoạt động ổn định, đưa nơi đây trở thành một trong những nhà máy rang xay cà phê lớn nhất cả nước.
Nằm ngay sát cảng nước sâu Cái Mép, cửa ngõ chiến lược của Việt Nam ra thế giới, nhà máy được kỳ vọng sẽ giúp Highlands Coffee nâng cao năng lực sản xuất, tối ưu logistics và đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm cà phê có giá trị gia tăng cao.

Highlands Coffee và Simexco Đắk Lắk hợp lực phát triển chuỗi giá trị cà phê Việt
“Nhà máy rang xay này là lời cam kết của chúng tôi dành cho tinh hoa cà phê Việt,” ông David Thái, Nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc Highlands Coffee, chia sẻ.
Đây là bước ngoặt cho thấy Highlands đang chuyển mình từ thương hiệu chuỗi F&B thành doanh nghiệp sản xuất – xuất khẩu hiện đại, trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu tái cấu trúc và xu hướng “tại chỗ hóa” sản xuất ngày càng rõ nét.
Bên cạnh đầu tư hạ tầng và công nghệ hiện đại, Highlands Coffee cũng hướng tới xây dựng chuỗi giá trị bền vững, bắt đầu từ vùng nguyên liệu.
Liên kết chiến lược nâng tầm chuỗi giá trị cà phê robusta
Cũng trong khuôn khổ sự kiện, Highlands Coffee và Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco Đắk Lắk) đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác, đánh dấu cột mốc quan trọng trong việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa hai doanh nghiệp trong chuỗi giá trị cà phê robusta Việt Nam.
Theo thỏa thuận, Simexco Đắk Lắk sẽ cung cấp cà phê nhân robusta thương mại và đặc sản chất lượng cao theo tiêu chuẩn Highlands. Đồng thời phát triển vùng nguyên liệu chuyên biệt để đảm bảo truy xuất nguồn gốc và nâng cao chất lượng qua mô hình canh tác bền vững.
Hai bên cũng sẽ hợp tác thành lập các trang trại mẫu, thử nghiệm nông nghiệp tái tạo và áp dụng phương pháp chế biến sau thu hoạch sáng tạo. Các sản phẩm từ mô hình này sẽ được Highlands Coffee Roastery mua độc quyền, sử dụng như thành phần cốt lõi trong việc xây dựng thương hiệu và quảng bá cà phê robusta Việt Nam ra thị trường quốc tế.
Trao đổi với Mekong ASEAN, ông Lê Đức Huy, Chủ tịch Simexco cho biết: “Chỉ khi có sự liên kết chặt chẽ từ vùng nguyên liệu đến chế biến và tiêu dùng cuối cùng, chuỗi giá trị cà phê mới có thể đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao về chất lượng, truy xuất nguồn gốc và phát triển bền vững.”

Highlands Coffee và Simexco Đắk Lắk ký Biên bản ghi nhớ hợp tác
Ông Huy chia sẻ, đây là bước đi mang nhiều ý nghĩa, không chỉ phản ánh cam kết phát triển bền vững mà còn mở ra cơ hội nâng tầm robusta Việt Nam trên bản đồ cà phê thế giới. Sự hợp tác này cũng thể hiện doanh nghiệp Việt Nam không chỉ chủ động ứng phó trước các biến động toàn cầu, mà còn đang từng bước khẳng định vai trò là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng nông sản – thực phẩm thế giới. "Việc đầu tư vào vùng nguyên liệu, công nghệ chế biến và liên kết thị trường là nền tảng để hiện thực hóa mục tiêu trở thành ‘bếp ăn của thế giới’,” ông Huy cho biết.
Thông qua sự hợp tác này, cà phê Việt Nam, đặc biệt là robusta, được nâng tầm không chỉ về chất lượng mà còn về giá trị thương hiệu. "Đây là bước tiến quan trọng trong hành trình khẳng định cà phê Việt không chỉ là sản phẩm xuất khẩu thô, mà là một biểu tượng văn hóa và chất lượng, sánh vai cùng các quốc gia sản xuất cà phê hàng đầu thế giới,” Chủ tịch Simexco Đắk Lắk nói thêm.
Việc Highlands Coffee bắt tay Simexco Đắk Lắk không chỉ mang tính thương mại đơn thuần, mà còn là minh chứng cho tư duy phát triển theo chuỗi, tích hợp giá trị từ nông hộ tới thương hiệu cuối cùng. Trong bối cảnh ngành cà phê Việt Nam đang đứng trước áp lực chuyển đổi mô hình phát triển, đây có thể là hình mẫu hợp tác mới, giàu tiềm năng nhân rộng cho các lĩnh vực nông nghiệp chủ lực khác của Việt Nam.
Thương hiệu F&B đi tìm ‘chất riêng’ từ văn hóa địa phương Katinat Saigon Kafe: Thương hiệu 'sinh sau đẻ muộn' dấn thân tại thị trường Hà Nội Giá cà phê Robusta lao dốc, rời khỏi mốc 5.000 USD Giá cà phê quay đầu tăng mạnh Giá cà phê Robusta quốc tế phục hồi trong phiên cuối tuần