Hiệu quả tuyên truyền về giới trong trường học

Thực hiện mô hình câu lạc bộ (CLB) 'Thủ lĩnh của sự thay đổi' tại một số trường học trên địa bàn tỉnh đã trang bị cho học sinh dân tộc thiểu số nhiều kiến thức, kỹ năng hữu ích về giới, góp phần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở vùng cao.

Mô hình CLB "Thủ lĩnh của sự thay đổi" là 1 trong 4 mô hình cơ bản của dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Dù mới được thành lập nhưng các CLB đã trang bị cho học sinh dân tộc thiểu số nhiều kiến thức, kỹ năng hữu ích áp dụng trong cuộc sống và góp phần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở vùng cao.

Sau hơn một năm thành lập, các CLB trên địa bàn huyện Điện Biên Đông đã có nhiều hình thức đa dạng, cách tiếp cận vấn đề giới, bình đẳng giới phù hợp từng địa bàn như đàm thoại, trao đổi nhóm, sân khấu hóa… Qua các hình thức tuyên truyền đã tạo chuyển biến tích cực về kiến thức, nhận thức của học sinh.

Một buổi sinh hoạt CLB "Thủ lĩnh của sự thay đổi" tại Trường PTDTBT TH và THCS Mường Luân.

Một buổi sinh hoạt CLB "Thủ lĩnh của sự thay đổi" tại Trường PTDTBT TH và THCS Mường Luân.

Bà Nguyễn Thị Hồng Phương, cán bộ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Điện Biên Đông cho biết: Mỗi năm Phòng Giáo dục và Đào tạo phối hợp tổ chức 6 - 8 buổi truyền thông rộng tới các nhóm CLB "Thủ lĩnh của sự thay đổi" trong trường học. Nội dung truyền thông tập trung vấn đề, chủ đề liên quan tới quyền phụ nữ và trẻ em, giới, bình đẳng giới như: Phòng ngừa ứng phó với bạo lực, xâm hại trẻ em đặc biệt là vấn đề xâm hại tình dục, vấn đề về sinh sản, tảo hôn… Qua đó thay đổi cách nghĩ cố hữu của học sinh vùng cao về các tập quán lạc hậu, giảm thiểu vấn nạn trong học đường, đặc biệt đối với phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Mỗi CLB được thành lập có từ 25 - 35 thành viên, gồm giáo viên phụ trách và học sinh. Sau các buổi sinh hoạt, mỗi thành viên trong CLB là những tuyên truyền viên, truyền tải thông điệp tới đông đảo học sinh, các bạn đồng trang lứa.

Thành viên CLB thảo luận, đóng góp ý kiến về vấn đề “bạo lực trên cơ sở giới”.

Thành viên CLB thảo luận, đóng góp ý kiến về vấn đề “bạo lực trên cơ sở giới”.

Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Na Son có gần 400 học sinh, đa số là học sinh bán trú. Trong môi trường sinh hoạt tập thể, việc truyền thông, trang bị kiến thức, kĩ năng cho học sinh vô cùng quan trọng. Mô hình CLB "Thủ lĩnh của sự thay đổi" được thành lập cuối năm 2023. Để các hoạt động triển khai có hiệu quả, CLB do 2 giáo viên trực tiếp chịu trách nhiệm hướng dẫn, cùng học sinh xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai, lồng ghép truyền thông trong các chương trình sinh hoạt, ngoại khóa tại trường học.

Cô Ly Thị Hoa, giáo viên âm nhạc Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Na Son chia sẻ: Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của CLB là góp phần trang bị cho trẻ kỹ năng sống. Thông qua các buổi sinh hoạt CLB giúp các em tự tin, có cái nhìn đúng đắn, dám nói, dám làm; biết phòng ngừa, ứng phó với các tình huống, hành vi thiếu chuẩn mực. Tham gia sinh hoạt, các em được hướng dẫn, khuyến khích trình bày, phát biểu ý kiến riêng của mình, dần hình thành thái độ, nhận thức và ứng xử đúng mực. Nhờ thực hiện tốt công tác truyền thông, trong năm 2024, Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Na Son không xảy ra tình trạng học sinh tảo hôn, bạo lực học đường.

Sân khấu hóa các thông điệp truyền thông về giới, bình đẳng giới.

Sân khấu hóa các thông điệp truyền thông về giới, bình đẳng giới.

Em Hạng Thị Mai Hoa, lớp 8C3, Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Na Son - người dân tộc Mông, bản Trung Phu, xã Na Son chia sẻ: Tham gia CLB em được trang bị nhiều kiến thức, đặc biệt là về giới và bình đẳng giới để có thể tự bảo vệ bản thân. Em cảm thấy tự tin hơn trong việc đưa ra ý kiến cá nhân về giới tính, các tập tục cũ, tình trạng tảo hôn và vấn đề sức khỏe sinh sản… Ngoài thảo luận nhóm, CLB còn xây dựng các hoạt động như biểu diễn văn nghệ, xây dựng tiểu phẩm trong các buổi sinh hoạt ngoại khóa tại trường, giúp em và các thành viên CLB chung tay đẩy lùi hủ tục, góp phần xây dựng môi trường sống, học tập an toàn và bình đẳng.

Lồng ghép truyền thông trong trường học tại các buổi sinh hoạt ngoại khóa.

Lồng ghép truyền thông trong trường học tại các buổi sinh hoạt ngoại khóa.

Trong năm 2023, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Điện Biên Đông phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện triển khai, xây dựng và đưa vào hoạt động 12 CLB trong trường học trên địa bàn. Các CLB được kỳ vọng là giải pháp mang tính lâu dài, là sân chơi bổ ích góp phần thay đổi nhận thức về giới của thế hệ trẻ vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngay trên ghế nhà trường. Để các em là nhân tố, lực lượng xung kích từ cơ sở thôn bản, giúp cộng đồng của mình dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu.

Bài, ảnh: Trần Nhâm

Nguồn Điện Biên Phủ: https://baodienbienphu.com.vn/bai-thuong/xa-hoi/hieu-qua-tuyen-truyen-ve-gioi-trong-truong-hoc
Zalo