Hiệu quả từ việc phát triển tốt mạng lưới y tế cơ sở tại An Giang

Thời gian qua, Ngành Y tế tỉnh An Giang đã đặc biệt quan tâm đầu tư mạng lưới y tế cơ sở, nâng cao chất lượng dịch vụ, giúp bà con được tiếp cận các dịch vụ chất lượng tại cơ sở, không phải đi lên tuyến trên, đồng thời tiết kiệm chi phí rất lớn và giảm tải các bệnh viện khu vực.

Để đáp ứng nhu cầu khám, điều trị bệnh tại chỗ cho người dân địa phương, Trạm Y tế xã Quốc Thái (huyện An Phú, tỉnh An Giang), đã được đầu tư nâng cấp các phòng chức năng, với tổng số tiền hơn 3 tỷ đồng. Hiện Trạm Y tế này có 8 nhân sự gồm: 1 bác sĩ, 2 dược sĩ đại học, 1 cao đẳng hộ sinh, 4 y sĩ đa khoa. Trung bình mỗi tháng, Trạm Y tế này có khoảng 500 lượt người đến khám và điều trị bệnh.

Trạm y tế xã Nhơn Hội

Trạm y tế xã Nhơn Hội

Bác sĩ Lương Mỹ Ngọc, Trưởng trạm y tế xã Nhơn Hội, huyện An Phú chia sẻ: "Cũng như Trạm y tế xã Quốc Thái, Trạm y tế xã Nhơn Hội, có 7 biên chế gồm 1 bác sĩ, 1 dược sĩ đại học, 1 y sĩ sản nhi, 2 điều dưỡng và 2 y sĩ đa khoa. Mạng lưới hoạt động theo một chuỗi, nối liền từ xã đến ấp. Các cộng tác viên ở địa bàn chịu trách nhiệm chuyển tải thông tin chương trình mục tiêu y tế quốc gia đến người dân, dưới sự giám sát, hỗ trợ của ban lãnh đạo trạm. Các y, bác sĩ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, quản lý và điều trị một số bệnh mạn tính, như bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường,…qua đó, chất lượng việc chẩn đoán và điều trị bệnh ngày được nâng cao, từng bước đáp ứng được yêu cầu khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe của người dân nơi đây".

Bác sĩ Ngọc, Trưởng trạm y tế xã Nhơn Hội, huyện An Phú, tỉnh An Giang chia sẻ: “Thời gian qua, nhờ việc đầu tư trang thiết bị y tế và đưa cán bộ đi đào tạo nâng cao chất lượng chuyên môn lên, vì vậy đã làm tốt công tác chăm lo sức khỏe cho người dân; công tác khám, trị bệnh cho nhân dân cũng được nâng cao; từ đó thu hút người dân đến bệnh xá khám và điều trị bệnh nhiều hơn; từ đó giảm tải cho tuyến trung tâm y tế huyện; giảm chi phí đi lại cho người dân mỗi khi đi khám bệnh. Bên cạnh việc khám và điều trị bệnh, Trạm y tế xã còn chú trọng việc phòng chống dịch; hàng tuần trạm y tế kết hợp với các ấp giám sát điểm nóng xảy ra dịch bệnh để phòng ngừa từ xa. Ngoài ra, công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, công tác dân số cũng được quan tâm”.

Các Trạm Y tế tại huyện An Phú, mỗi tháng có khoảng 500 lượt người đến khám và điều trị bệnh

Các Trạm Y tế tại huyện An Phú, mỗi tháng có khoảng 500 lượt người đến khám và điều trị bệnh

An Phú là một huyện biên giới, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, những năm gần đây, mạng lưới y tế ở 14 xã, thị trấn trong huyện được đầu tư cải tạo rất lớn về cơ sở vật chất, mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động chăm sóc sức khỏe, để bà con yên tâm điều trị tại tuyến cơ sở. Để nâng cao hiệu quả trong việc khám và điều trị bệnh cho người dân tại cơ sở, tất cả các trạm y tế xã trên địa bàn huyện đã vận dụng hiệu quả phương pháp khám chữa bệnh bằng y học hiện đại kết hợp với Y học cổ truyền. Hiện nay, trên địa bàn huyện An Phú nói riêng, tỉnh An Giang nói chung, Trạm Y tế xã đã trở thành địa chỉ tin cậy để mỗi người dân an tâm đến thăm khám và điều trị bệnh.

Ông Trần Văn To, xã Nhơn Hội, huyện An Phú chia sẻ: “Tôi thường xuyên tới đây khám, trị bệnh ở trạm này. Trạm y tế này lúc trước cũng rất khó khăn, eo hẹp; sau này thấy trạm có thuốc men đầy đủ, máy siêu âm và thiết bị đầy đủ…rất là tiện lợi cho bà con vùng quê, vùng sâu vùng xa này, vì mỗi lần phải đi xuống huyện rất là xa xôi, mỗi lần đi khám là mỗi lần khó. Đội ngũ y, bác sĩ ở đây cũng nhiệt tình khám, điều trị và tư vấn sức khỏe chu đáo với bà con tại địa phương này. Bây giờ bà con an tâm điều trị ở đây nhiều hơn đi xuống tuyến huyện”.

Hội viên Trung tâm Đông y - Châm cứu An Giang bốc thuốc cho bệnh nhân điều trị bằng phương pháp Y học cổ truyền

Hội viên Trung tâm Đông y - Châm cứu An Giang bốc thuốc cho bệnh nhân điều trị bằng phương pháp Y học cổ truyền

Bác sĩ, Chuyên khoa II, Trần Văn Sang, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện An Phú cho biết: thời gian qua, hiệu quả mạng lưới y tế cơ sở, đã góp phần làm giảm tải 50% cho tuyến huyện; đồng thời giảm thời gian và chi phí cho người dân đi khám, và điều trị bệnh; nhất là các loại mãn tính có thể điều trị tại cơ sở. Hiện ngành y tế huyện An Phú đã và đang tập trung duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí thuộc bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã, đồng thời tăng cường các dịch vụ y tế dự phòng để tầm soát, nâng cao chất lượng dân số, góp phần quan trọng trong việc theo dõi, chăm sóc sức khỏe liên tục, lâu dài và nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.

Bác sĩ, Chuyên khoa II, Trần Văn Sang cho biết thêm: “Phát triển tốt tuyến y tế cơ sở, để vừa phục vụ quản lý tốt chương trình y tế quốc gia, vừa trong phòng chống dịch, cũng như công tác phục vụ. Đối với cơ sở vật chất, chúng tôi đã đề nghị và được UBND huyện và Sở y tế duyệt xét cho một lộ trình từ năm 2024-2026, cho xây dựng mới 2 trạm y tế và cải tạo, nâng cấp 4 trạm y tế khác…Đây là điều kiện cơ bản để phát triển tuyến y tế cơ sở, để thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn. Trong năm 2024 này Ban giám đốc cũng có hướng cải thiện, hoàn thiện bộ máy tổ chức của các trạm y tế để cho hoàn chỉnh hơn”.

Người dân huyện An Phú sơ chế, phơi thuốc nam

Người dân huyện An Phú sơ chế, phơi thuốc nam

Theo ông Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế An Giang, đến thời điểm này, không chỉ An Phú, mà tất cả các địa phương khác trên địa bàn tỉnh đã triển khai và phát triển hiệu quả tuyến y tế cơ sở. Tất cả các Trạm y tế xã đều có bác sĩ; trong đó có 70% Trạm y tế đã có bác sĩ cơ hữu; cơ sở vật chất, thuốc men, thiết bị y tế được đầu tư cơ bản, đáp ứng điều kiện khám, chữa bệnh ban đầu và chăm sóc sức khỏe cho người dân. Ngoài việc đầu tư và cơ sở vật chất, Ngành y tế An Giang đã và đang tiếp tục nâng cao đội ngũ y, bác sĩ cho tuyến cơ sở; hướng đến mạng lưới y tế cơ sở gắn với mô hình bác sĩ gia đình, để việc khám, chữa bệnh cho người dân ngày càng tốt hơn.

Phan Ánh/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/hieu-qua-tu-viec-phat-trien-tot-mang-luoi-y-te-co-so-tai-an-giang-post1117345.vov
Zalo