Phát triển đội ngũ nhà giáo là vấn đề cấp bách, có tính chiến lược lâu dài

Chiều tối 20/11, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì cuộc gặp mặt của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với đại biểu Quốc hội là nhà giáo, nguyên là nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nhân kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam. Tham dự cuộc gặp có Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; các Phó Chủ tịch Quốc hội; Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo và Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố...

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn với các đại biểu tại cuộc gặp mặt. Ảnh: DUY LINH

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn với các đại biểu tại cuộc gặp mặt. Ảnh: DUY LINH

Giáo dục là quốc sách hàng đầu

Phát biểu ý kiến tại cuộc gặp, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Người Thầy đã là biểu tượng của tri thức, trí tuệ và đạo đức, là nhân tố quyết định sự nghiệp giáo dục và đào tạo nhân tài cho đất nước; và nhắc lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang"; “không có thầy giáo thì không có giáo dục. Không có giáo dục-không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế-văn hóa”.

Nhấn mạnh dân tộc ta có truyền thống hiếu học, tôn sư-trọng đạo, truyền thống ấy được gìn giữ, trao truyền, vun đắp qua các thế hệ, trở thành đạo lý tốt đẹp, nét văn hóa đặc sắc; Chủ tịch Quốc hội cũng đề cập, ông cha ta đã đúc kết: “một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”, “công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy”…

Chủ tịch Quốc hội cho biết: thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, khẳng định trong các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo: giáo dục là quốc sách hàng đầu, lực lượng nhà giáo nhân tố quyết định chất lượng giáo dục và đào tạo.

Nhiều chủ trương, chính sách chăm lo, phát triển đội ngũ nhà giáo đã được ban hành và tổ chức thực hiện trong thực tế.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại cuộc gặp mặt. (Ảnh: DUY LINH)

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại cuộc gặp mặt. (Ảnh: DUY LINH)

Qua lắng nghe các ý kiến phát biểu, chia sẻ của các đại biểu và lãnh đạo ngành Giáo dục-Đào tạo, phát biểu Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tin tưởng: Với kinh nghiệm thực tiễn, tinh thần trách nhiệm và lòng yêu nghề, các đại biểu Quốc hội là nhà giáo, nguyên là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục sẽ tiếp tục đóng góp hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về giáo dục, đào tạo; giám sát việc tổ chức thực hiện của hệ thống chính quyền các cấp cũng như đóng góp vào các quyết định quan trọng của đất nước.

Nhấn mạnh trong giai đoạn tới, chất lượng của nguồn nhân lực tiếp tục đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: chăm lo, phát triển đội ngũ nhà giáo đáp ứng về số lượng, chất lượng và cơ cấu là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, đòi hỏi các biện pháp vừa cấp bách, vừa có tính chiến lược lâu dài.

Tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích sáng tạo

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tặng hoa chúc mừng các đại biểu Quốc hội là nhà giáo, nguyên là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Ảnh: DUY LINH

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tặng hoa chúc mừng các đại biểu Quốc hội là nhà giáo, nguyên là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Ảnh: DUY LINH

Tại cuộc gặp mặt thân tình, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ: Tự hào về những đóng góp to lớn của đội ngũ nhà giáo, chúng ta cũng không khỏi trăn trở, suy tư: việc thể chế hóa một số chủ trương của Đảng về nhà giáo chậm được ban hành; hệ thống pháp luật có liên quan tới nhà giáo còn rườm rà, phức tạp.

Theo đó, có đến 248 văn bản quy phạm pháp luật có liên quan tới nhà giáo đã được ban hành và đang có hiệu lực pháp lý.

“Chính sách chăm lo, phát triển cho đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên công tác ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn còn nhiều bất cập”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Bên cạnh đề cập cơ cấu, số lượng đội ngũ nhà giáo chưa hợp lý, chất lượng chưa đồng đều, Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, tình trạng, thừa thiếu giáo viên diễn ra ở nhiều nơi, chưa được giải quyết căn cơ, và nêu những số liệu thống kê cả nước còn thiếu 62.877 giáo viên phổ thông; thừa cục bộ 5.091 giáo viên.

Mặt khác, các điều kiện bảo đảm cho nhà giáo thực hiện nhiệm vụ chuyên môn còn hạn chế; đến nay tỉ lệ phòng học chưa kiên cố hóa còn cao, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn thiếu, nhất là ở khu vực miền núi, khu công nghiệp, khu vực đông dân cư.

Theo báo cáo, tính riêng trong giáo dục phổ thông, cả nước còn hơn 59.500 phòng học chưa được kiên cố hóa; thiếu 63.920 phòng học bộ môn...

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan có liên quan, các địa phương tập trung xây dựng và ban hành Luật Nhà giáo với chất lượng cao nhất, thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng; có chính sách đặc thù, vượt trội để tôn vinh, bảo vệ nhà giáo; tạo môi trường thuận lợi để nhà giáo làm việc, khuyến khích sự sáng tạo trong hoạt động nghề nghiệp, phát triển chuyên môn nghiệp vụ; bảo đảm đời sống để nhà giáo yên tâm công tác, toàn tâm toàn ý cống hiến cho nghề.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về nhà giáo, chăm lo phát triển đội ngũ nhà giáo, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, công bằng.

Chủ tịch Quốc hội mong muốn mỗi thầy giáo, cô giáo sẽ luôn là tấm gương sáng về đạo đức, ứng xử văn hóa; nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, tâm huyết, trách nhiệm, yêu nghề, thương trò; không ngừng nỗ lực trau dồi nâng cao trình độ chuyên môn.

Báo cáo tại cuộc gặp mặt, thay mặt toàn ngành Giáo dục và lực lượng các nhà giáo, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trân trọng cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức cuộc gặp mặt thân tình, ấm áp.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại cuộc gặp mặt. (Ảnh: DUY LINH)

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại cuộc gặp mặt. (Ảnh: DUY LINH)

"Đây là sự kiện có ý nghĩa khích lệ, động viên rất lớn đối các đại biểu Quốc hội là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đại diện cho khoảng 1,6 triệu nhà giáo, đồng thời thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Quốc hội đối với đội ngũ nhà giáo và ngành Giáo dục nói chung"- Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cho biết: Để đáp ứng được kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân theo quan điểm “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”, trong những năm qua, ngành giáo dục đã không ngừng nỗ lực, vượt qua các khó khăn, thách thức, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần tích cực vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển và bảo vệ đất nước.

Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội luôn quan tâm và ngày càng quan tâm thiết thực hơn tới phát triển giáo dục nói chung và phát triển lực lượng nhà giáo nói riêng. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, sáng nay, đúng ngày 20/11, tại phiên thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Nhà giáo đã có rất nhiều ý kiến góp ý, trao đổi, thảo luận của đại biểu Quốc hội.

"Điều này thể hiện sự quan tâm sâu sắc, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội đại diện cho cử tri và nhân dân cả nước tới dự án Luật có ý nghĩa thiết thực, quan trọng đối nhà giáo và sẽ tác động sâu sắc tới đội ngũ nhà giáo khi được thông qua và ban hành".

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp thu và nghiên cứu kỹ lưỡng ý kiến của tất cả các đại biểu để có những điều chỉnh phù hợp theo hướng Luật nếu được ban hành sẽ đạt được những mục tiêu tích cực mà dự án Luật đang hướng tới về phát triển lực lượng nhà giáo; đáp ứng được kỳ vọng, mong mỏi của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của các đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước.

Box:

Quốc hội nhiều khóa luôn có nhiều đại biểu Quốc hội là nhà giáo, nguyên là nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15 này có 115 đại biểu Quốc hội là nhà giáo, nguyên là nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục).

Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan, các địa phương quán triệt tinh thần phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại cuộc gặp mặt các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục ngày 18/11/2024 là mục tiêu cao nhất hiện nay phải tập trung thực hiện bằng được "hoàn thành sự nghiệp đổi mới giáo dục đào tạo, hoàn thành mục tiêu tạo nguồn nhân lực cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc trong nhiệm kỳ Đại hội XIV của Đảng".

(Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn)

VĂN CHÚC-DUY LINH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/phat-trien-doi-ngu-nha-giao-la-van-de-cap-bach-co-tinh-chien-luoc-lau-dai-post846002.html
Zalo