Hiệu quả từ mô hình tăng trưởng xanh ở đồng bằng sông Cửu Long

Tại vùng đất đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), những cánh đồng lúa xanh mướt đang đổi thay từng ngày. Ẩn sau vẻ đẹp bình dị của vùng nông thôn ấy là 'cuộc cách mạng' về canh tác lúa bền vững, tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng lúa, giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường. Tất cả hội tụ trong Đề án 'Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030' (gọi tắt là Đề án).

Trong việc triển khai thực hiện Đề án tại các tỉnh ĐBSCL, cơ giới hóa 100% trong khâu làm đất và thu hoạch. Ảnh: Phan Bình

Trong việc triển khai thực hiện Đề án tại các tỉnh ĐBSCL, cơ giới hóa 100% trong khâu làm đất và thu hoạch. Ảnh: Phan Bình

Canh tác lúa phát thải thấp

Trong nhiều năm qua, tình trạng thâm canh tăng vụ liên tục và tập quán canh tác lúa ở ĐBSCL vẫn áp dụng gieo sạ dày, bón phân và phun thuốc hóa học quá mức. Hệ quả là chi phí tăng cao, đất trồng bị suy thoái, gây ô nhiễm môi trường và phát thải khí nhà kính. Chính vì thế, mô hình canh tác lúa giảm phát thải ra đời như một hướng đi mới. Không chỉ là mô hình sản xuất, đây còn là một phương pháp tư duy canh tác tiên tiến, đặt yếu tố hiệu quả - bền vững - thân thiện với môi trường lên hàng đầu.

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết: “Để nâng tầm giá trị cũng như hướng tới phát triển bền vững ngành lúa gạo, ngày 27/11/2023, Chính phủ đã phê duyệt Đề án. Theo đó, Đề án được triển khai tại 12 tỉnh ĐBSCL, chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2024-2025, trồng 180.000ha lúa phát thải thấp và thí điểm cấp tín chỉ carbon cho vùng đạt chuẩn. Giai đoạn 2 từ năm 2026-2030, mở rộng ra trên 820.000ha lúa phát thải carbon thấp... Đề án được kỳ vọng sẽ giảm 30% chi phí đầu vào, góp phần giảm chi phí sản xuất lúa cho nông dân khoảng 9.500 tỷ đồng; lợi nhuận của người trồng lúa tăng 50%; góp phần giảm 10% lượng khí nhà kính phát thải”.

Hơn 1 năm qua, nhiều địa phương tại ĐBSCL đã chủ động triển khai các mô hình sản xuất lúa theo hướng giảm phát thải khí nhà kính, sử dụng tài nguyên bền vững và nâng cao giá trị gia tăng. Các mô hình này đã cho thấy nhiều kết quả tích cực, mở ra hướng đi mới cho nền sản xuất lúa gạo bền vững.

Mới đây, tại thành phố Cần Thơ đã diễn ra Hội nghị sơ kết 1 năm triển khai thực hiện Đề án. Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết: "Dấu ấn đạt được lớn nhất chính là sự chuyển biến mạnh mẽ về tư duy và nhận thức của cả hệ thống chính trị và người dân về mục tiêu phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo Việt Nam. Riêng bà con nông dân đã từng bước thay đổi tập quán canh tác truyền thống, tiếp cận và áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến như "1 phải, 5 giảm", "3 giảm, 3 tăng", quy trình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời chú trọng hơn đến quản lý nước tưới theo phương pháp ngập khô xen kẽ (AWD), quản lý phân bón hợp lý và quan tâm nhiều hơn đến việc giảm phát thải khí nhà kính"...

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang cùng 12 địa phương và Ngân hàng Thế giới (WB) hoàn thiện ý tưởng dự án vốn vay hỗ trợ hạ tầng và kỹ thuật cho lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL.

Hiệu quả bước đầu từ Đề án

Sau hơn 1 năm triển khai Đề án, các mô hình giúp giảm chi phí sản xuất từ 8,2-24,2% nhờ giảm 30-50% lượng giống, tiết kiệm 30-70kg phân bón/ha, giảm 1-4 lần phun thuốc bảo vệ thực vật và cắt giảm 30-40% lượng nước tưới; trong khi năng suất tăng 2,4-7,0%, giúp nâng cao thu nhập của nông dân thêm 12-50% (lợi nhuận tăng từ 4-7,6 triệu đồng/ha so với canh tác truyền thống). Quan trọng hơn, mô hình đã giảm phát thải khí nhà kính, với mức 2-12 tấn CO2/ha. Đặc biệt, toàn bộ sản lượng lúa thu hoạch đều được các doanh nghiệp cam kết bao tiêu với giá cao hơn 200-300 đồng/kg, tạo động lực mạnh mẽ cho nông dân tham gia.

Hợp tác xã nông nghiệp Hưng Lợi thu hoạch vụ lúa Đông Xuân năm nay theo mô hình thí điểm của Đề án. Ảnh: Phan Bình

Hợp tác xã nông nghiệp Hưng Lợi thu hoạch vụ lúa Đông Xuân năm nay theo mô hình thí điểm của Đề án. Ảnh: Phan Bình

Triển khai thí điểm Đề án, tỉnh Sóc Trăng chọn Hợp tác xã nông nghiệp Hưng Lợi (xã Long Đức, huyện Long Phú), với diện tích sản xuất thí điểm 50ha được gieo trồng bởi giống lúa ST25 - giống lúa chất lượng cao tại Sóc Trăng. Ông Trương Văn Hùng, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Hưng Lợi cho biết: Để tham gia thực hiện Đề án, 46 hộ nông dân phải thực hiện nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật canh tác từ khâu làm đất đến khi thu hoạch và sau thu hoạch (kể cả xử lý rơm rạ). Nhờ thực hiện đồng bộ các quy trình canh tác, năng suất vụ lúa Đông Xuân năm nay ước đạt trên 7 tấn/ha.

Ông Nguyễn Văn Điền, xã viên Hợp tác xã nông nghiệp Hưng Lợi chia sẻ: "Trước khi tham gia thực hiện Đề án, chúng tôi được cán bộ khuyến nông tập huấn về quy trình canh tác. Cụ thể, trước khi làm đất, ruộng không để nhập nước khoảng 30 ngày, sau đó xử lý rơm rạ, 100% cơ giới hóa trong khâu làm đất, sử dụng giống lúa ST25, lượng giống từ 70-80kg/ha; bón phân theo nguyên tắc quản lý dinh dưỡng theo vùng chuyên biệt và quản lý dịch hại theo nguyên tắc "4 đúng"; nên giảm 30% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học; giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống".

Còn tỉnh Trà Vinh tham gia thí điểm Đề án với 48,4ha tại Hợp tác xã nông nghiệp Phát Tài (xã Thanh Mỹ, huyện Châu Thành) đã cho thu hoạch với năng suất, chất lượng đều tăng. Giám đốc Hợp tác xã Trần Văn Chung cho biết: “Tham gia mô hình thí điểm, các thành viên hợp tác xã đều sử dụng lúa cấp xác nhận. Trong quá trình sản xuất, áp dụng tốt quy trình ngập khô xen kẽ, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo hướng an toàn. Khi thu hoạch, 100% lượng rơm rạ trên đồng đều được đưa ra khỏi ruộng (kể cả trong mùa mưa) dùng làm thức ăn cho gia súc. Hợp tác xã ký hợp đồng với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và hỗ trợ đầu ra nên đã tiết kiệm được chi phí".

Phan Bình

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/hieu-qua-tu-mo-hinh-tang-truong-xanh-o-dong-bang-song-cuu-long-post489185.html
Zalo