Hiệu quả những đồng vốn nghĩa tình trên đất Tây Đô (Bài 1)
Chủ trương xuyên suốt, nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước là tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Mọi người dân đều được thụ hưởng với tinh thần tất cả cùng phát triển, không một ai bị bỏ lại phía sau. Hiện nay, thành phố Cần Thơ có 9 đơn vị hành chính cấp huyện với 369.974 hộ dân, trong đó tỷ lệ hộ nghèo chiếm 0,21%; hộ cận nghèo chiếm 1,59%. Có được kết quả này, không thể không nói tới hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội, đã và đang làm thay đổi cuộc sống các hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Nguồn vốn chính sách đã thực sự trở thành 'điểm tựa' giúp các hộ khó khăn vươn lên.
Bài 1: Không để ai bị bỏ lại phía sau
Tiếp sức những hoàn cảnh khó khăn
Về thăm huyện Cờ Đỏ, Cần Thơ vào một ngày mưa tháng 10, chúng tôi rất xúc động khi lắng nghe chia sẻ mộc mạc của chị Đào Thị Huyền (dân tộc Khmer) ngụ ấp Đông Thắng, xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ. Chị nói :“Nhờ được Nhà nước hỗ trợ xây nhà tình thương, được vay vốn từ NHCSXH để phát triển sản xuất, chính sách cùng với hỗ trợ của đoàn thể, cuộc sống gia đình tui giờ dễ thở nhiều rồi“.
Hơn 10 năm trước, gia đình chị Huyền là một trong những hộ dân tộc Khmer thuộc diện hộ nghèo. Không có đất sản xuất, vợ chồng chị phải đi làm thuê để trang trải cuộc sống, nuôi 5 con ăn học. Được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà tình thương, NHCSXH hỗ trợ vốn vay cho hộ nghèo, vợ chồng chị đã thuê 7.000 m2 đất để trồng mướp. Nhờ chăm chỉ, siêng năng trồng trọt, mướp cho trái quanh năm và có “đầu ra“ tiêu thụ sản phẩm, mỗi năm gia đình chị Huyền thu lãi khoảng 100 triệu đồng từ trồng mướp.
Hiện gia đình chị Huyền không còn thuộc diện hộ nghèo song vẫn tiếp tục được Phòng giao dịch NHCSXH sách huyện Cờ Đỏ cho vay 50 triệu đồng theo Chương trình giải quyết việc làm. Với số tiền này chị mua vật tư nông nghiệp, trả tiền thuê đất trồng mướp. Có thu nhập ổn định từ trồng mướp, các con lớn đi làm, lao động trang trải cuộc sống được nên chị Huyền dự kiến năm 2025 sẽ không vay vốn tín dụng chính sách nữa.
Còn gia đình ông Huỳnh Hữu Lợi, ở phường An Bình, quận Ninh Kiều, dù trước đây đã có nghề làm sợi hủ tiếu và bán hủ tiếu buổi sáng, song do không có đủ vốn khiến "cái khó bó cái khôn“, không thể mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, kinh tế gia đình khá eo hẹp.
Từ lúc chính quyền địa phương vận động phát triển kinh tế đối với những hộ dân sinh sống xung quanh khu vực Chợ nổi Cái Răng, góp phần phát triển du lịch, ông Lợi và vợ có ý tưởng phát triển nghề làm hủ tiếu, thu hút du khách. Nhưng, muốn làm phải có tiền sửa chữa, nâng cấp mặt bằng cho sạch sẽ, thông thoáng, phục vụ khách hàng được chu đáo.
Ông Lợi cho biết: Vợ chồng ông được sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương, thông qua Hội Liên hiệp Phụ nữ phường An Bình tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn từ NHCSXH. Ban đầu gia đình ông được vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay giải quyết việc làm. Với số tiền này ông và vợ tiến hành sửa chữa, nâng cao nền sân phơi sợi hủ tiếu cho cao ráo, sạch sẽ, đảm bảo an toàn thực phẩm phục vụ khách du lịch.
Tuy nhiên, các thiết bị sản xuất lúc đó vẫn chưa được thay mới, vẫn phải xay bột bằng thủ công nên năng suất chưa cao, chưa phục vụ khách hàng kịp thời. Vợ chồng ông bày tỏ mong muốn và đã được chính quyền địa phương, Hội Liên hiệp Phụ nữ phường tiếp tục hỗ trợ cho gia đình vay thêm vốn từ NHCSXH để mua sắm mới máy xay bột, máy cắt hủ tiếu, từ đó đưa ra thị trường nhiều sản phẩm mới như: pizza hủ tiếu, hủ tiếu ngũ sắc… . Gia đình ông còn mua thêm bàn ghế, xây dựng phòng nghỉ phục vụ khách du lịch lưu trú.
Tính đến nay, gia đình ông Lợi đã được vay từ NHCSXH với tổng dư nợ là 180 triệu đồng. Từ chỗ tổng thu nhập cả gia đình hàng tháng chỉ đạt khoảng 6 triệu đồng, nay gia đình ông Lợi có thu nhập bình quân 30 triệu đồng/tháng, ổn định cuộc sống và còn tạo việc làm thêm cho 6 lao động ngoài gia đình.
Tạo sức bật hiệu quả
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ khẳng định: Cấp ủy và chính quyền các cấp ở Cần Thơ luôn xem việc triển khai tín dụng chính sách là một trong các giải pháp quan trọng thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, an sinh xã hội tại địa phương, tạo sức bật xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh.
Ban Thường vụ Thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố tăng cường quán triệt, triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, chỉ đạo đẩy mạnh kiểm tra, giám sát bằng các hình thức nhằm cùng với NHCSXH tổ chức thực hiện thật hiệu quả tín dụng chính sách xã hội.
Theo Giám đốc Chi nhánh NHCSXH thành phố Cần Thơ - Lăng Chánh Huệ Thảo, 10 năm qua, Chi nhánh NHCSXH thành phố đã phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị- xã hội nhận ủy thác phát vay cho 306.110 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác ở Cần Thơ với số tiền trên 8.222 tỷ đồng, bình quân 822 tỷ đồng/năm. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 4.227 tỷ đồng. Số lượng khách hàng Chi nhánh đang theo dõi quản lý là 94.940 hộ, tương ứng với 25,7% số hộ dân của thành phố được vay vốn các chương trình tín dụng chính sách xã hội.
Đáng chú ý, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn Cần Thơ, tác động tích cực đến mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố. Qua đó, góp phần nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người tăng 50,6% so với năm 2014; hoàn thành sớm chỉ tiêu giảm nghèo theo từng giai đoạn, giảm tỷ lệ hộ nghèo tại Cần Thơ ở mức 3,95% đầu năm 2014 nay chỉ còn 0,21%. Tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 3,8% đầu năm 2014 xuống còn 3,77% vào đầu năm 2024. Bộ mặt nông thôn được cải thiện, tất cả các phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị.
Chia sẻ niềm vui trước sự phát triển của quê hương, ông Huỳnh Thanh Dương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ cho biết: Đông Thắng là xã có đông đồng bào dân tộc Khmer, đời sống người dân trước đây rất khó khăn, nhiều gia đình không có đất sản xuất.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Hội Nông dân xã thường xuyên phối hợp với Phòng giao dịch NHCSXH huyện Cờ Đỏ, cho các hội viên nông dân có nhu cầu vay vốn, với tổng dư nợ đến thời điểm này đạt trên 17 tỷ đồng, cho 450 hộ vay. Từ nguồn vốn tín dụng, nhiều hội viên nông dân đầu tư sản xuất, nâng cao thu nhập, góp phần cùng địa phương hoàn thành tiêu chí thu nhập trong Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đưa Đông Thắng trở thành xã Nông thôn mới vào năm 2017 và nâng lên xã Nông thôn mới nâng cao vào năm 2021.