Nhiều kênh tài sản sẽ bước vào chu kỳ đầu tư mới?
Dưới sức ép thay đổi từ thế giới bên ngoài, triển vọng các kênh đầu tư sẽ phụ thuộc nhiều vào sự phục hồi từ bên trong, bao gồm cả đầu tư công, tiêu dùng và thị trường bất động sản. Tại Việt Nam, chứng khoán và bất động sản đang khởi động cho chu kỳ đầu tư mới với nhiều thay đổi về pháp lý.
Việt Nam trải qua một năm với nhiều sự kiện lớn và khép lại với kết quả tương đối khả quan khi xét đến các chỉ báo vĩ mô như tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, giữ mặt bằng lãi suất và ổn định tỷ giá.
Báo cáo cuối năm của các chỉ số tài sản đều ở mức tương đối cao khi so với lãi suất tiết kiệm. Tuy nhiên trên thị trường đầu tư xuất hiện nhiều yếu tố gây “nhiễu động” và không phải nhà đầu tư nào cũng có lợi nhuận.
Giá vàng tuy gây sốt trong năm ngoái, nhưng vẫn kém hấp dẫn về thanh khoản, khiến cổ phiếu vẫn là kênh đầu tư được nhiêu người lựa chọn. Chỉ số VN-Index tăng hơn 12% trong năm qua, nhưng một số quỹ mở lại có mức tăng trưởng ấn tượng hơn.
Theo thống kê của Fmarket, nền tảng phân phối nhiều quỹ mở tại Việt Nam, hiện tại có 13 quỹ cổ phiếu có mức sinh lợi lớn hơn 20% trong năm 2024 và 19 quỹ có mức lợi nhuận cao hơn VN-Index. Nổi bật trong số này là chứng chỉ quỹ V-MEEF của VinaCapital tăng đến 34%.
“Nhiều nhà đầu tư chứng khoán vẫn thua lỗ nặng, chỉ có những quỹ đầu tư lựa chọn được những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt và nắm giữ trong dài hạn mới đạt được hiệu suất lợi nhuận tốt”, báo cáo của Fmarket đánh giá.
Trong khi chứng khoán Việt giảm về cuối năm, sự đối nghịch nằm ở các loại tài sản khác như vàng hay bitcoin trong bối cảnh đồng đô la Mỹ liên tục đi lên.
Bà Đỗ Minh Trang, Giám đốc Trung tâm Phân tích Công ty chứng khoán ACBS, tại tọa đàm trực tuyến chủ đề “Đầu tư gì trong năm 2025?” cho rằng, diễn biến giảm lãi suất đô la Mỹ chưa đi đúng như kỳ vọng hồi đầu năm. Kết quả chung là dòng tiền từ các thị trường cận biên, mới nổi đã rút về Mỹ.
“Việc Fed chậm hạ lãi suất đã ảnh hưởng đến việc hầu hết thị trường chứng khoán thế giới không đạt mức tăng trưởng như kỳ vọng, trừ Mỹ. Tài sản tài chính tăng mạnh trong năm như bitcoin, vàng, chứng khoán Mỹ. Đâu đó là sự phục hồi của thị trường chứng khoán Trung Quốc khi đã quá bán”, bà Trang bình luận.
Kỳ vọng gì năm 2025?
Tâm lý các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán vào đầu 2025 vẫn đang bất ổn, khi thanh khoản xuống thấp trong thời điểm sát Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, chứng khoán vẫn là kênh đầu tư được nhắc đến nhiều nhất trong bối cảnh thị trường còn nhiều yếu tố bất định.
Theo bà Trang, các kênh đầu tư hiện nay có thể nhắc đến là trái phiếu doanh nghiệp, cổ phiếu và vàng, tiền số và bất động sản. Trong đó, đầu tư cổ phiếu phù hợp với quy mô vốn và khẩu vị rủi ro của phần lớn các nhà đầu tư trẻ tuổi, trong khi kỳ vọng chỉ số VN-Index năm nay tăng 15%. Tiếp theo là kênh trái phiếu doanh nghiệp với lãi suất 8-10%, cao hơn lãi suất tiết kiệm.
Trong khi đó, ba kênh còn lại đều có rủi ro riêng. Vàng hiện bị kiểm soát chặt chẽ thì kênh bất động sản đòi hỏi vốn và kiến thức, còn kênh tiền số thì nhiều rủi ro.
Vàng là kênh đầu tư gây sốt trong năm 2024 nhưng đa phần các chuyên gia cho rằng cần thận trọng. Theo báo cáo đánh giá hiệu suất đầu tư (theo thang điểm 5) của Dragon Capital, vàng xếp mức thấp nhất, thấp hơn bất động sản, chứng khoán và cả trái phiếu doanh nghiệp.
"Giá vàng có những thời điểm tăng rất mạnh, nhưng nếu tính trong quãng thời gian dài, từ 10 - 20 hay thậm chí 50 năm, vàng không thể cạnh tranh với các kênh đầu tư như cổ phiếu hoặc bất động sản", ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Đầu tư Dragon Capital bình luận.
Hiện nay, thị trường chứng khoán đang được đặt nhiều kỳ vọng trong viễn cảnh nâng hạng, sử dụng hệ thống giao dịch KRX mới cùng những chính sách thúc đẩy liên quan đến thị trường vốn. Nếu những kỳ vọng này trở thành thực tế, thị trường chứng khoán cũng sẽ bước vào chu kỳ đầu tư mới.
Một loại tài sản khác cũng được kỳ vọng sẽ có dòng tiền chảy vào tích cực hơn là bất động sản. Trong năm ngoái, thị trường có chuyển biến mới khi giá căn hộ tăng nhanh ở khu vực phía Bắc trong năm qua, cùng sự tái khởi động một số dự án vào cuối năm.
Theo bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao Bộ phận nghiên cứu và tư vấn của Savills, nếu trước đây người mua căn hộ đơn thuần là để ở hoặc đầu tư cho thuê, thì hiện nay họ còn kỳ vọng thêm vào sự tăng giá của căn hộ.
Giống như thị trường chứng khoán, bao gồm cả cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản cũng đang có những bước đi khởi đầu khi vấn đề pháp lý đang thay đổi cấu trúc thị trường, sản phẩm.
“Trong chu kỳ mới của thị trường, sự hoàn thiện của khung pháp lý sẽ tạo cạnh tranh mạnh mẽ hơn, dẫn đến cuộc thanh lọc mới về sản phẩm và các chủ đầu tư. Nếu trước kia các chủ đầu tư chỉ cần có vốn, có dự án là có thể tham gia vào thị trường, giờ đây, các chủ đầu tư phải xây dựng uy tín, kinh nghiệm và tiềm lực tài chính mới có thể phát triển dự án”, bà Hằng đánh giá.
Dù vậy, chứng khoán và bất động sản ở trên liệu có kích hoạt hiệu ứng dòng tiền FOMO hay không vẫn còn là một dấu hỏi. Nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường vẫn còn nhiều trở ngại với các yếu tố bất định.
Theo bà Nguyễn Hoài Thu, Tổng Giám đốc Khối Đầu tư chứng khoán của VinaCapital, rủi ro là tăng trưởng không như kỳ vọng vì ảnh hưởng vĩ mô quốc tế, trong khi nền kinh tế có độ mở cao. Bất kỳ thay đổi nào trong nhu cầu tiêu dùng của Mỹ đều có thể ảnh hưởng đáng kể đến xuất khẩu và tăng trưởng. Yếu tố địa chính trị cũng là rủi ro cần theo dõi.
Đại diện VinaCapital cũng cho rằng, chính quyền mới dưới thời ông Trump có thể không gây tác động tiêu cực, thậm chí hỗ trợ tích cực cho Việt Nam nhưng vẫn cần được theo dõi sát sao.
Còn ở câu chuyện nội địa, các yếu tố theo dõi sẽ là tỷ giá, lãi suất, tốc độ giải ngân đầu tư công, sự phục hồi của thị trường bất động sản và tiêu dùng nội địa. “Đây là những động lực chính cho tăng trưởng nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro nếu không được thúc đẩy kịp thời”, bà Thu bình luận.