Hiệu quả kép từ vườn cau sinh thái

Chỉ trồng cau trong vườn nhà, một hộ dân ở xã Trường Xuân (Thọ Xuân) đã thu lợi nhuận gần 200 triệu đồng mỗi năm. Không chỉ phát triển kinh tế, vườn cau còn tạo cảnh quan như một tiểu sinh thái cho XDNTM ở làng quê. Vườn cau được áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào canh tác còn gợi mở một hướng lựa chọn cây trồng mới theo hướng hàng hóa cho nhiều hộ dân địa phương...

Một góc vườn cau của gia đình bà Nguyễn Thị Vân, xã Trường Xuân (Thọ Xuân).

Một góc vườn cau của gia đình bà Nguyễn Thị Vân, xã Trường Xuân (Thọ Xuân).

Trong cái nắng nóng của những ngày đầu hè, khu vườn của gia đình bà Nguyễn Thị Vân ở thôn Thành Vinh xã Trường Xuân vẫn dịu mát. Hàng trăm tán cau lớn nhỏ trồng theo hàng lối, tỏa bóng xanh mướt một góc làng quê thanh bình. Ngay phía sau chiếc cổng ngõ đẹp mắt, từng hàng cau cao thấp vẫn quanh năm ra hoa, kết trái. Là cây có thân vươn cao, không cành nên cau ít gây rợp bóng, có thể trồng cây cách cây chỉ 2m. Những lứa cau lên cao, có thể trồng xen lứa mới dưới tầng thấp mà vẫn bảo đảm ánh sáng nên mật độ vườn cau có thể rất dày vẫn bảo đảm năng suất.

Trên thực tế, cau là cây trồng không còn xa lạ với nhiều người dân ở Thanh Hóa. Song cau truyền thống chỉ thường mỗi năm 2 vụ, đa phần được trồng quảng canh theo hướng tự nhiên mà thiếu đi sự chăm sóc khoa học nên năng suất không cao. Từ những năm 2014-2016, nghe tư vấn từ người nhà công tác tại Hà Nội, bà Vân đã cải tạo vườn tạp, trồng cau theo hướng áp dụng khoa học - kỹ thuật. Giống cau bà du nhập là cau tứ quý Xuân Đỉnh, mua giống từ Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Khác biệt với giống cau địa phương, vườn cau này ra hoa quanh năm, mỗi năm cho thu hoạch rộ thành 4 đợt chính.

Cau thân cao, không cành nên có thể trồng nhiều tầng mà vẫn bảo đảm ánh sáng.

Trồng đúng mật độ, được bón phân hữu cơ thành nhiều đợt trong năm, lắp đặt hệ thống tưới phun sương hiện đại, vườn cau cho quả chỉ sau 3 – 4 năm trồng. Khi vườn cau đầu tiên có thành quả bất ngờ, bà Vân tiếp tục huy động vốn để mua thêm một ao tù của hàng xóm kế bên, lấp đất trồng vườn thứ 2. Vườn cau thứ 3 tiếp tục được hình thành những năm gần đây khi bà cải tạo khu vườn của bố mẹ đẻ ngay giáp nhà. Dưới các tán cau, bà cho trồng một số cây tầng thấp như bưởi, rau ngót, rau thơm... để có thêm thu nhập. Đồng thời, đặt nuôi 50 thùng ong vừa lấy mật, vừa tách đàn bán giống.

3 khu vườn được nối thành một khu sản xuất tổng hợp với tổng diện tích 2.000m2. Trong vườn, từng lối đi được đổ bê tông hoặc lát gạch men chống trượt, chia thành các ô đất sản xuất với độ ẩm và dinh dưỡng màu mỡ theo đúng quy trình khoa học. Để cau cho trái to, chủ vườn sinh năm 1963 còn mua thêm đạm cá cao cấp bón cho cây.

Theo bà Vân, cau quả được các thương lái đến tận vườn thu mua, chưa bao giờ ế hàng. Những năm gần đây, cau bán giá trung bình 70 nghìn đồng/kg, có những buồng cau gần chục cân. Nhiều cây cho thu hoạch tới hơn 1 triệu đồng mỗi năm. Năm 2024, giá cao nhất, được thương lái mua tới 100 nghìn đồng/kg mà vẫn không đủ nguồn cung. Gia đình có nguồn thu gần 200 triệu đồng sau khi đã trừ đi các chi phí. Nếu tính cả đàn ong và các cây trồng khác, mỗi năm, khu vườn cho lợi nhuận khoảng 270 triệu đồng. Vụ cau đầu năm 2025 này tiếp tục sai quả, chuẩn bị cho thu hoạch.

Lều bát giác và những hạng mục trong vườn cau của bà Nguyễn Thị Vân, tạo nên khu vườn sinh thái đẹp mắt cho làng quê.

Giữa khu vườn còn có lầu bát giác, ao cá, cầu yên ngựa... tạo nên một không gian sống nên thơ, trở thành nơi lui tới của các cán bộ hưu trí và các tổ chức hội địa phương sinh hoạt. Bà Vân là cán bộ xã nghỉ hưu, cùng người chồng là bộ đội trở về địa phương, hai ông bà đảm nhiệm hoàn toàn các khâu sản xuất, không phải thuê lao động. Khi đã nắm vững được kỹ thuật trồng và chăm sóc cau, mọi khâu với ông bà đều dễ dàng.

Hơn 500 thân cau, trong đó 300 cây đã cho quả, tạo nên khu vườn theo hướng sinh thái xanh mướt quanh năm. Sự thành công của khu vườn đã được Hội Làm vườn và Trang trại huyệnThọ Xuân đúc kết, giới thiệu để nhiều hộ khác trong huyện đến học tập, triển khai những mô hình tương tự.

Bài và ảnh: Linh Trường

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/hieu-qua-kep-tu-vuon-cau-sinh-thai-249571.htm
Zalo