Hiệu quả chuyên đề 'Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm' ở TX Phú Thọ
Hiệu quả tích cực sau 5 năm thực hiện chuyên đề 'Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm' giai đoạn 2021 - 2025 ở TX Phú Thọ (Phú Thọ).

Trường Mầm non Phong Châu tổ chức hoạt động trải nghiệm "Bé tập làm chiến sỹ".
Môi trường học tập tích cực
Sau 5 năm triển khai thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2021 - 2025, các trường Mầm non ở TX Phú Thọ (tỉnh Phú Thọ) đã ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực.
Bà Lê Thị Bích Thủy - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hùng Vương, trưởng khối các trường Mầm non ở TX Phú Thọ (tỉnh Phú Thọ) cho biết: Xác định rõ tầm quan trọng của chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, những năm qua các trường Mầm non ở TX Phú Thọ đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tạo môi trường học tập tích cực, phát huy tính chủ động và sáng tạo của trẻ.

Cảnh quan môi trường sư phạm Trường mầm non Hùng Vương sáng, xanh, sạch, đẹp.
Theo đó, các trường đã tích cực đổi mới phương pháp tổ chức hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ; thiết kế môi trường giáo dục nhằm khuyến khích trẻ hoạt động tích cực; tăng cường tổ chức hoạt động ngoại khóa…
Đẩy mạnh ứng dụng phương pháp giáo dục tiên tiến STEAM; tích cực lồng ghép các hoạt động STEAM vào chương trình học, giúp trẻ phát triển tư duy sáng tạo, kỹ năng làm việc nhóm và khả năng giải quyết vấn đề.
Các trường đã chú trọng bồi dưỡng nâng cao chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên về nội dung, mục đích, yêu cầu của mô hình giáo dục “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” và năng lực tổ chức các hoạt động trải nghiệm thú vị giúp học sinh “vừa học, vừa chơi”.

Góc vui chơi ngoài lớp của trẻ trường Mầm non Thanh Minh.
Hàng năm, hàng trăm lượt giáo viên được tập huấn, dự giờ, sinh hoạt chuyên môn theo hướng đổi mới, tập trung vào phương pháp tổ chức hoạt động giáo dục dựa trên nhu cầu, hứng thú, khả năng và tốc độ phát triển riêng của từng trẻ.
Các trường nỗ lực xây dựng môi trường học tập thân thiện, an toàn; không gian học tập linh hoạt. Môi trường học tập trong và ngoài lớp học với các góc chơi được bố trí gọn gàng, ngăn nắp, thẩm mỹ, khoa học, phù hợp với từng lứa tuổi, tạo điều kiện cho trẻ dễ dàng tự lựa chọn và sử dụng đồ dùng, đồ chơi để thực hành, trải nghiệm .
Cùng với đó, các trường tổ chức hoạt động trải nghiệm đa dạng hoạt động ngoài trời và kỹ năng sống cho trẻ, giáo dục dựa trên sở thích, đam mê, thế mạnh và sự quan tâm của từng trẻ; giáo dục nhằm mang lại sự thấu hiểu, tiến bộ và thành công của mỗi trẻ.

Các bé trường Mầm non Phú Hộ 2 hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.
Có thể thấy, những giải pháp trên đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mầm non tại TX Phú Thọ, tạo môi trường học tập tích cực, giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ và kỹ năng xã hội.
Đa dạng hoạt động trải nghiệm
Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt - Hiệu trưởng Trường Mầm non Phong Châu (TX Phú Thọ) cho rằng: Sự thành công của chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2021 - 2025 không thể thiếu vai trò đồng hành của phụ huynh.
Các trường mầm non ở TX Phú Thọ đã tích cực phối hợp, gắn kết giữa Gia đình - Nhà trường - Cộng đồng, chủ động tuyên truyền, phổ biến quan điểm giáo dục mới tới cha mẹ học sinh; mời phụ huynh tham gia thiết kế góc lớp, làm đồ dùng học tập và đồng hành trong các hoạt động ngoại khóa.
Từ đó, mối quan hệ giữa nhà trường và gia đình ngày càng khăng khít, tạo nên nền tảng vững chắc cho sự phát triển toàn diện của trẻ về “Đức - Trí - Thể - Mĩ”.

Hoạt động góc của các bé trường Mầm non Hà Lộc.
Bên cạnh đó, một trong những thành quả nổi bật là sự thay đổi trong thiết kế và tổ chức môi trường học tập trong và ngoài lớp học. Các trường đã đầu tư xây dựng các góc học tập mở, linh hoạt, đảm bảo tính an toàn, thẩm mỹ, sáng tạo và thân thiện.
Trẻ được quyền lựa chọn hoạt động, phát huy tối đa khả năng tự lập và hợp tác. Không gian lớp học được sắp xếp khoa học, sử dụng nguyên vật liệu gần gũi, thân thiện với môi trường, tận dụng tối đa nguồn tài nguyên địa phương.
Nhiều sản phẩm đồ dùng, đồ chơi do giáo viên và phụ huynh cùng sáng tạo đã tạo nên môi trường giàu tính tương tác, kích thích tư duy và khả năng khám phá của trẻ.

Trường Mầm non Văn Lung tổ chức Hội thi Rung chuông vàng cho các bé.
Nhiều trường mạnh dạn ứng dụng phương pháp giáo dục STEAM, tổ chức các hoạt động trải nghiệm như “Bé làm nông dân”, “Ngày hội ẩm thực”, “Khám phá thiên nhiên”... giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm và kỹ năng xã hội.
Đặc biệt, giáo dục kỹ năng sống được lồng ghép linh hoạt, phù hợp với từng độ tuổi. Trẻ được tham gia các hoạt động thực hành như rửa tay, dọn bàn ăn, chăm sóc cây xanh, từ đó hình thành các thói quen tốt, tinh thần trách nhiệm và khả năng tự phục vụ.
Qua 5 năm thực hiện, chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Nhiều trường được Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ ghi nhận là mô hình điểm, điển hình tiên tiến.

Hoạt động trải nghiệm của bé trường Mầm non Phú Hộ.
Cùng với đó, trẻ em được học tập trong môi trường an toàn, thân thiện, tích cực; giáo viên nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ; phụ huynh an tâm và tin tưởng vào sự đổi mới trong giáo dục mầm non của địa phương.
Trong thời gian tới, các trường Mầm non ở TX Phú Thọ sẽ tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả các kết quả đạt được. Nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ; từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng môi trường học tập thân thiện, tích cực, phát huy vai trò trung tâm của trẻ trong quá trình học tập và phát triển.

Lớp học trường Mầm non Thanh Vinh sạch, đẹp.

Nhằm đánh giá công tác chăm sóc giáo dục trẻ trên các lĩnh vực phát triển của trẻ, đồng thời củng cố kiến thức và kỹ năng cho trẻ; Trường Mầm non Hà Thạch hội thi "Siêu trí tuệ nhí" cho các bé khối mẫu giáo 5-6 tuổi.

Trường Mầm non Lê đồng tổ chức hoạt động trải nghiệm cho trẻ với chủ đề "Tìm kiếm tài năng nhí".