Cho phép giảng viên làm kinh tế có ảnh hưởng đến hình ảnh người thầy?

Việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp theo hướng cho phép giảng viên, cán bộ trong các cơ sở giáo dục đại học tham gia thành lập, quản lý và điều hành doanh nghiệp đặt ra không ít băn khoăn về ranh giới giữa sứ mệnh giáo dục và mục tiêu thương mại.

Lo ngại những hệ lụy không mong muốn

Trong bối cảnh đổi mới giáo dục và thúc đẩy tự chủ đại học, việc cho phép giảng viên tham gia vào các hoạt động kinh tế đặc biệt là quản lý, điều hành doanh nghiệp được xem là một hướng đi phù hợp với xu thế hội nhập, ứng dụng tri thức vào thực tiễn. Tuy nhiên, chính sự giao thoa giữa hai tư cách pháp lý người thầy và chủ thể kinh doanh cũng đặt ra nhiều vấn đề cần được nhìn nhận thấu đáo.

Tại phiên thảo luận của Quốc hội về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp, đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) đã có những phân tích về sự cần thiết phải cân nhắc giới hạn phạm vi tham gia thương mại của giáo viên, tránh những hệ lụy không mong muốn đối với hình ảnh, vai trò và sứ mệnh cốt lõi của các cơ sở giáo dục đại học.

Theo đại biểu Hạ, khi cho phép giáo viên những người giữ vai trò trụ cột trong việc truyền bá tri thức tham gia điều hành doanh nghiệp mang tính thương mại, tức là họ đồng thời mang hai tư cách vừa là nhà giáo, vừa là chủ thể kinh doanh. Điều này làm nảy sinh nhiều vấn đề. Vì thế cần phân biệt rõ hai loại pháp nhân là pháp nhân phi thương mại và pháp nhân thương mại. Đồng thời, mức độ cho phép và phạm vi tham gia cần được quy định chặt chẽ, nhằm đảm bảo tính thống nhất giữa vai trò giáo dục và hoạt động thương mại.

Mở rộng quyền của viên chức tại cơ sở giáo dục đại học công lập

Mở rộng quyền của viên chức tại cơ sở giáo dục đại học công lập

Giáo viên là một nghề cao quý, đặc biệt đối với viên chức trong các cơ sở giáo dục công lập. Nếu họ tham gia vào pháp nhân thương mại vốn chịu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật Hình sự về các hành vi như trốn thuế, gian lận, vi phạm quy định về bảo vệ môi trường, bảo hiểm… thì rủi ro đạo đức và pháp lý sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hình ảnh người thầy. Một khi đã cho phép người thầy tham gia với tư cách pháp nhân thương mại cần phải đối mặt với bài toán cân bằng giữa trách nhiệm chuyên môn và lợi ích kinh tế, giữa lý tưởng giáo dục và mục tiêu thương mại.

Bên cạnh đó, trong môi trường kinh doanh, ranh giới giữa hiệu quả và thất bại, giữa khởi nghiệp và lừa đảo, đôi khi rất mong manh. Đã có những bài học rất rõ từ các đơn vị sự nghiệp khi lập doanh nghiệp, đặc biệt là khi doanh nghiệp không vận hành hiệu quả, đã để lại gánh nặng tài chính và tổn thất uy tín cho chính đơn vị chủ quản. Nếu các cơ sở giáo dục đại học lặp lại mô hình này với tư cách pháp nhân thương mại, rủi ro hệ thống là không nhỏ.

“Tôi tha thiết đề nghị Quốc hội, trong quá trình sửa đổi Luật Doanh nghiệp, cần cân nhắc giữ vững nguyên tắc chỉ cho phép sử dụng pháp nhân phi thương mại đối với giáo viên giảng viên là viên chức, bảo vệ đúng định hướng phát triển giáo dục, khoa học và công nghệ; đồng thời tránh tạo ra lỗ hổng pháp lý, cơ chế lợi dụng hoặc nguy cơ xung đột lợi ích trong tương lai”, ông Hạ nhấn mạnh.

Chỉ nên tham gia, quản lý doanh nghiệp khoa học công nghệ

Ông Hạ đưa ra giải pháp, nên tiếp cận theo hướng đã được đề xuất trong dự thảo Luật Nhà giáo, tức là: Chỉ cho phép giảng viên đại học tham gia thành lập, quản lý doanh nghiệp trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, hoặc trong hoạt động chuyển giao tri thức tức là những lĩnh vực có liên quan trực tiếp đến chuyên môn, sứ mệnh và bản chất học thuật của các cơ sở giáo dục đại học. Không nên mở rộng sang các lĩnh vực kinh doanh thuần túy mang tính thương mại hóa.

Ở góc nhìn khác đại biểu Trần Thị Nhị Hà (TP Hà Nội) đánh giá cao việc dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã mở rộng quyền của viên chức tại cơ sở giáo dục đại học công lập trong việc góp vốn, quản lý, điều hành doanh nghiệp nhằm thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

Tuy nhiên, đại biểu Hà cho rằng, quy định này lại đang mâu thuẫn với Điều 49 dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cũng trình Quốc hội trong kỳ họp này lại quy định rộng hơn, bao gồm viên chức tại tất cả các tổ chức khoa học và công nghệ công lập, điều này tạo ra sự thiếu thống nhất trong hệ thống pháp luật. Cũng cần lưu ý rằng không phải mọi cơ sở giáo dục đại học công lập đều là tổ chức khoa học, công nghệ và ngược lại.

Đại biểu Hà kiến nghị, dự thảo Luật Doanh nghiệp cần điều chỉnh để mở rộng đối tượng, phù hợp với dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm tránh chồng chéo, đảm bảo đồng bộ pháp luật, tạo hành lang pháp lý rõ ràng, thuận lợi cho hoạt động đổi mới sáng tạo trong khu vực công lập.

Đồng quan điểm, đại biểu Khương Thị Mai (Nam Định) cho biết, hiện nay dự thảo luật đã bổ sung đối tượng viên chức làm việc tại các cơ sở giáo dục đại học công lập được quyền góp vốn, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp cho cơ sở đó thành lập hoặc tham gia thành lập, đề nghị bổ sung thêm viên chức làm việc tại tổ chức khoa học công nghệ được góp vốn, tham gia quản lý, điều hành do cơ sở thành lập hoặc tham gia thành lập để thương mại hóa. Ở đây, Bộ Tài chính giải trình là nên sửa đổi vào Luật sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp và Luật Đổi mới sáng tạo thì tôi nghĩ với lý do Tờ trình 262 của Chính phủ về dự thảo Luật Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đã quy định nội dung bổ sung đối tượng này và nên nêu vào một luật, không nên tách ra nhiều luật để tạo sự đồng bộ.

Vân Hồng/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/cho-phep-giang-vien-lam-kinh-te-co-anh-huong-den-hinh-anh-nguoi-thay-post1200888.vov
Zalo