Ký ức tuổi thơ trong trẻo

Những ngày này, trừ học sinh năm cuối chuẩn bị cho kỳ thi vượt cấp, còn lại học sinh phổ thông trong cả nước gần như đã kết thúc năm học 2024-2025. Sau khi có kết quả cả năm học, các lớp tổ chức họp phụ huynh… Học sinh đến trường (chưa bế giảng) trong không khí vui vẻ hơn và gánh nặng trên vai các em cũng đã nhẹ đi rất nhiều. Không khí ở nhà trường như thế, nhưng ở nhiều gia đình thì lại không.

Trên cơ sở điểm số, hiện nay học sinh từ tiểu học đến THPT có thể chia làm 3 nhóm, gồm nhóm xuất sắc, nhóm giỏi và nhóm khá. Còn lại rất ít, nếu không muốn nói ra rất hiếm học sinh có điểm trung bình, thấp hơn là học sinh yếu. Lớp càng thấp, học sinh điểm càng cao. Tiểu học điểm 8 xem như… “học kém”, “học dốt”. Tương tự như vậy, bậc THCS là điểm 7, THPT điểm 6 có thể bị xem làm ảnh hưởng đến thành tích của lớp, của trường. Thế nên, với bậc tiểu học, tìm học sinh xếp loại khá, khó gấp nhiều lần so với tìm học sinh xuất sắc. Tương tự như vậy với bậc THCS, THPT tìm học sinh trung bình, học sinh yếu…

Chính vì thế, cuối tuần vừa qua, sau khi đi họp phụ huynh cho con về, khác với không khí vui vẻ, nhẹ nhõm ở trường, trong nhiều gia đình, lại là một không khí nặng nề.

“Toán 7,5, Văn 7,5, Tiếng Anh 7,5. Còn lại 5 môn đều được trên 8 điểm, các yêu cầu khác cũng đạt, nhưng không đạt học sinh giỏi, vì không đạt yêu cầu 6 môn từ 8,0 điểm trở lên. Toán, Văn, Tiếng Anh là 3 môn quan trọng nhất, chỉ được điểm như vậy thì sao sau này học lên cấp 3 được, thi vào đại học được? Hai cha con anh tự kiểm điểm đi. Rồi chuẩn bị dần cho con cái bao bì cũ, sau này chỉ có thể lượm ve chai kiếm sống”.

Sau khi họp phụ huynh cho con học lớp 7 ở Trường THCS Tân Phú, TP. Đồng Xoài, người mẹ về nhà đã bức xúc với kết quả học của con. Sự bức xúc của cô ấy không chỉ với kết quả học của con, mà còn với cả quan điểm của chồng mình lâu nay luôn cho rằng nhà trường bệnh thành tích, xem nhẹ việc cuối cùng học sinh đạt được điều gì về tư duy và nhận thức, cũng như ít quan tâm đến trang bị kỹ năng sống cho các em.

“Nặng hình thức, chạy đua điểm số, học vẹt, nhồi nhét trí nhớ, thui chột sáng tạo, hủy hoại sự đam mê khám phá. Điểm cao chưa chắc phản ánh học tốt vì tất cả đều điểm cao nên không có hằng số để so sánh, khẳng định được đó là kết quả tốt”…

Và cuộc chiến trong nhiều căn nhà nhỏ không phải chỉ trong năm học này, thời điểm này, mà con em họ đi học bao nhiêu năm là đã diễn ra bấy nhiêu năm, bấy nhiêu tháng. Cuộc chiến bắt đầu từ mâu thuẫn quan điểm có cho con mình học thêm, có cần luyện thi để vào lớp… 1 hay không.

Năm học 2024-2025 đã kết thúc với hầu hết học sinh. Và sau một vài ngày, xung đột trong những căn nhà nhỏ cũng lắng xuống. Thế nhưng, có lẽ sự lắng xuống ấy sẽ không lâu. Với học sinh, chiếc ba lô trên vai cũng sẽ nhanh chóng nặng trở lại. Vì trước mắt, 3 tháng hè tới, các em không chỉ có một kỳ nghỉ hè, mà hầu hết các em còn có một kỳ học hè cũng không kém phần “nghiêm trọng” như học chính khóa.

Em nằm em nhớ/ Một ngày trong veo/ Một mùa nghiêng nghiêng/ Cánh đồng xa mờ/ Cánh cò nghiêng cuối trời… Và gió theo em trôi về con đường/ Và nắng theo em bên dòng sông vắng/ Mùa đã trôi đi những miền xanh thẳm/ Người đã quên đi những lần em buồn… (Giấc mơ trưa).

Khoa học và lịch sử hàng ngàn năm qua cho thấy, đam mê với những phép toán, con số, đoạn mã, hay sự bay bổng với khoa học nhân văn luôn gắn với ký ức tuổi thơ trong trẻo như thế. Càng trong trẻo bao nhiêu, niềm đam mê càng lớn bấy nhiêu, càng đam mê bao nhiêu, thành công càng lớn bấy nhiêu.

Trần Phương

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/173003/ky-uc-tuoi-tho-trong-treo
Zalo