Hiểu hơn về những loại hoa ăn được trong ẩm thực

Trong ẩm thực, các loại hoa ăn được (Edible Flowers) không chỉ giúp tăng tính thẩm mỹ cho món ăn mà nó còn mang lại dinh dưỡng, hương vị đặc sắc. Từ thời xưa, người La Mã đã sử dụng hoa trong nấu nướng. Hay tại châu Á, hoa thường xuất hiện trong ẩm thực truyền thống ở Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ.

Hoa hồng (Rosa): Hương thơm ngọt nhẹ, có thể làm mứt, trà hay trang trí bánh.
Hoa oải hương (Lavender): Hương thơm đặc trưng, thường dùng trong bánh quy, kem, và trà.
Hoa dâm bụt (Hibiscus): Vị chua nhẹ, thường dùng trong trà hoặc cocktail.
Hoa sen (Lotus): Cánh hoa sen có vị thanh mát nên thường dùng trong các món gỏi.
Hoa đậu biếc (Butterfly Pea Flower): Dùng làm màu tự nhiên cho đồ uống hay tráng miệng, có vị nhẹ.
Hoa cúc (Chrysanthemum): Vị hơi đắng, thường dùng trong trà hoặc món súp, là loại đa dạng nhiều chủng loại dùng nhiều nhất.
Hoa cúc vạn thọ (Marigold): Hương vị cay nhẹ, thường được sử dụng trong salad hoặc trang trí món ăn.

Lợi ích, cách sử dụng hoa ăn được

Lợi ích, dinh dưỡng hoa ăn được: Có thể kể đến như giàu chất chống oxy hóa giúp bảo vệ tế bào khỏi tổn thương; cung cấp vitamin A, C và các khoáng chất vi lượng. Một số loài hoa như hoa cúc và hoa oải hương có tác dụng an thần và giảm căng thẳng. Hoa sen hỗ trợ hệ tiêu hóa và làm mát cơ thể.
Cách sử dụng hoa ăn được: Trang trí món ăn như salad, bánh ngọt, cocktail. Làm trà thảo mộc hoặc gia vị trong món ăn. Làm nguyên liệu cho các loại nước ép, siro.

Ảnh minh họa: Intuitive Food

Ảnh minh họa: Intuitive Food

Một số lưu ý: Không phải tất cả các loại hoa đều ăn được bởi một số có thể chứa độc tố. Tránh hoa có thuốc trừ sâu hoặc hóa chất bảo quản. Nên mua hoa ăn được từ nguồn uy tín hoặc tự trồng tại nhà.

Ý nghĩa văn hóa: Tại Trung Quốc hoa cúc biểu tượng cho trường thọ. Người Nhật Bản xem hoa cúc là biểu tượng của Hoàng gia và sự hoàn hảo. Còn ở Việt Nam, hoa cúc thường được sử dụng trong các dịp lễ, tết để trang trí nhà cửa, mang ý nghĩa may mắn và thịnh vượng.

Phân loại hoa cúc:

Cúc trắng (White Chrysanthemum): Thường được dùng làm trà hoa cúc giúp thanh nhiệt, giải độc.
Cúc vàng (Yellow Chrysanthemum): Có hương vị đậm hơn, cũng được dùng trong trà hoặc món ăn.
Cúc đại đóa (Large-flowered Chrysanthemum): Loài hoa lớn, thường được dùng trang trí hoặc làm dược liệu.
Cúc tím (Purple Chrysanthemum): Ít phổ biến, thường được dùng trang trí hơn là ăn.

Giá trị dinh dưỡng, lợi ích: Hoa cúc giàu chất chống oxy hóa nên có thể giúp bảo vệ tế bào khỏi tác động xấu của các gốc tự do. Trà hoa cúc có tác dụng an thần, giúp ngủ ngon. Hoa cúc có đặc tính kháng viêm, giảm đau đầu. Đặc biệt, trà hoa cúc là thức uống lý tưởng trong những ngày tiết trời oi bức.

Ảnh minh họa: HealthyFood

Ảnh minh họa: HealthyFood

Ứng dụng trong ẩm thực, y học: Trà hoa cúc là một trong những loại trà thảo mộc phổ biến nhất thế giới. Hoa cúc có thể được sử dụng trong súp hoặc món hầm. Hoa cúc được dùng trong Đông y để điều trị đau đầu, sốt và cao huyết áp. Hay trong ngành mỹ phẩm nó còn được chiết xuất trong kem dưỡng và các sản phẩm chăm sóc da.

Lưu ý: Không nên sử dụng quá nhiều hoa cúc trong một ngày vì có thể gây hạ huyết áp. Phụ nữ mang thai nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi uống trà hoa cúc. Chọn hoa sạch, không thuốc trừ sâu để đảm bảo an toàn.

Chef Nguyễn Đinh Phong

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://sgtt.thesaigontimes.vn/hieu-hon-ve-nhung-loai-hoa-an-duoc-trong-am-thuc/
Zalo