Hiểu đúng về mức thưởng ở các giải thể thao
Giải vô địch bóng chuyền trẻ quốc gia năm 2025 vừa kết thúc ở Trà Vinh xác định chức vô địch nội dung nữ thuộc về đội Binh chủng Thông tin-Tổng công ty Đông Bắc và vô địch nội dung nam là đội SKH PearlNest Khánh Hòa. Điều khiến người hâm mộ quan tâm là mức thưởng dành cho vận động viên (VĐV) tấn công xuất sắc, phòng thủ xuất sắc và chuyền 2 xuất sắc chỉ có mức 1 triệu đồng/giải.
Dư luận cho rằng, mức thưởng trên quá thấp, thua xa so với "hội làng" và lo ngại mức thưởng đó khó có thể động viên và giữ chân tài năng. Chia sẻ về việc này, ông Lê Trí Trường, Tổng thư ký Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam (VFV) cho biết: “Những giải đấu do VFV quản lý và tổ chức như giải vô địch quốc gia thì mọi chi phí đều đến từ nhà tài trợ. Giải trẻ quốc gia nằm trong hệ thống do Cục Thể dục thể thao Việt Nam chủ trì nên mức thưởng cá nhân tuân thủ quy định chung của Nhà nước, không thể điều chỉnh tùy ý. Các danh hiệu cá nhân tại giải trẻ không có trong quy định mà do VFV hỗ trợ với ý nghĩa động viên tinh thần VĐV".

Thủ trưởng Binh chủng Thông tin liên lạc tặng thưởng đội trẻ bóng chuyền nữ Binh chủng Thông tin - Tổng công ty Đông Bắc.
Sở dĩ có sự chênh lệch lớn về mức thưởng ở giải trẻ và giải vô địch quốc gia, bởi các giải vô địch quốc gia thường vận động nguồn lực xã hội hóa nên mức thưởng sẽ tăng cao. Đơn cử như các giải bóng đá, golf, pickleball... có tổng thưởng lên tới cả tỷ đồng do huy động tốt các nhà tài trợ. Không chỉ bóng chuyền, nhiều giải trẻ trong hệ thống quốc gia hiện nay cũng gặp khó khăn tương tự, bởi chi phí tổ chức, khen thưởng dành cho các giải trẻ khá thấp.
Trên thực tế, lâu nay, các VĐV chủ yếu trông chờ vào mức thưởng từ các đơn vị địa phương và từ các nhà tài trợ. Ví dụ, sau khi giành chức vô địch giải trẻ quốc gia, đội bóng chuyền nữ Binh chủng Thông tin-Tổng công ty Đông Bắc nhận thưởng từ nhà tài trợ, từ Binh chủng Thông tin liên lạc. Đó còn chưa kể các VĐV bóng chuyền nữ Thông tin còn được thưởng theo quy định của thể thao Quân đội do có thành tích vô địch giải trẻ quốc gia.
Ông Đặng Xuân Vui, Trưởng bộ môn Bi sắt-Billiards-Snooker Hà Nội cho rằng, lâu nay, Cục Thể dục thể thao Việt Nam (trước đây là Tổng cục Thể dục thể thao) là đơn vị tổ chức chuyên môn, còn khen thưởng tùy thuộc vào Liên đoàn vận động tài trợ và thưởng từ địa phương. Bản chất việc các VĐV ở giải bóng chuyền trẻ được thưởng 1 triệu đồng là do VFV vận động tài trợ nên mức thưởng dù 1 triệu đồng hay vài trăm nghìn đồng cũng đáng quý.
Lấy ví dụ từ bộ môn bi sắt-billiards-snooker Hà Nội, ông Đặng Xuân Vui cho biết, theo quy chế khen thưởng của ngành thể thao Hà Nội, VĐV giành huy chương vàng, bạc, đồng ở các giải trẻ quốc gia được thưởng tương ứng 10 triệu đồng, 5 triệu đồng và 3 triệu đồng; VĐV giành huy chương vàng, bạc, đồng ở các giải vô địch quốc gia nhận mức thưởng 15 triệu đồng, 10 triệu đồng và 5 triệu đồng.
Từ câu chuyện của bóng chuyền và bi sắt-billiards-snooker kể trên, chúng ta có thể thấy rằng, mức độ đầu tư, chế độ đãi ngộ của các VĐV vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Bởi vậy, bộ môn nào nhận được sự quan tâm của dư luận và nhà tài trợ thì VĐV ở môn đó có mức thu nhập tốt; ngược lại, đối với những môn ít được quan tâm thì việc bảo đảm chế độ, chính sách cho VĐV còn gặp nhiều khó khăn. Thế mới thấy, việc đẩy mạnh xã hội hóa trong thể thao không chỉ giúp nâng cao thành tích mà còn góp phần cải thiện đời sống, thu nhập, để các VĐV yên tâm cống hiến, mang vinh quang về cho thể thao nước nhà.