Hiện vật - thông điệp từ quá khứ

Với tấm lòng trân trọng lịch sử, năm 2023, ông Hoàng Thế Đoàn và gia đình đã trao tặng hiện vật thanh sắt của bệ máy và cối nghiền thuốc súng cho Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế (nay Bảo tàng Lịch sử thành phố Huế). Đây là những hiện vật tìm thấy tại công binh xưởng quân giới Phú Lâm, làng An Đô, phường Hương Chữ, thị xã Hương Trà.

 Thanh sắt của bệ máy và cối nghiền thuốc súng - những hiện vật tìm thấy tại công binh xưởng quân giới Phú Lâm

Thanh sắt của bệ máy và cối nghiền thuốc súng - những hiện vật tìm thấy tại công binh xưởng quân giới Phú Lâm

Được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2005, công binh xưởng quân giới Phú Lâm là nơi ghi dấu sự kiện ngành Quân giới tỉnh Thừa Thiên Huế đã vượt lên mọi khó khăn, gian khổ để sửa chữa và sản xuất ra các loại vũ khí cung cấp cho bộ đội và dân quân, du kích địa phương thời kỳ đầu kháng chiến chống thực dân Pháp.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, việc trang bị và cung cấp vũ khí cho lực lượng vũ trang còn rất thiếu, chỉ có một số đơn vị được trang bị bằng vũ khí thu được của Bảo an binh và quân Nhật - Pháp. Trước tình hình đó, Bộ Tổng tham mưu ra đời, trực tiếp chỉ huy lực lượng vũ trang cả nước và chỉ đạo về công tác bảo đảm chiến đấu, trong đó có tổ chức cơ sở sản xuất vũ khí. Theo đó, hầu khắp các địa phương trên cả nước hàng trăm công binh xưởng, xưởng quân giới được thành lập.

Tại Huế, vào ngày 18/9/1945, Ủy ban cách mạng Thừa Thiên Huế quyết định thành lập Ban chế tạo vũ khí do đồng chí Lê Đình Tạo làm Trưởng ban. Ông Võ Sum và một hàng binh người Nhật Bản, thường quen gọi là Võ Hoàng, làm cố vấn kỹ thuật và một số đồng chí khác được đào tạo cơ bản trong Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế, như Phan Lục, Nguyễn Văn Thanh, Đoàn Ngật... được điều qua ngành quân giới trong những ngày đầu thành lập công binh xưởng Phú Lâm tại làng An Đô, phường Hương Chữ, thị xã Hương Trà.

Nhiệm vụ của công binh xưởng Phú Lâm là sản xuất đạn dược, vũ khí, sửa chữa các loại súng bộ binh từ súng trường đến trung liên, đại liên, đạn tiểu liên, mìn và nghiên cứu sản xuất các loại vũ khí mới. Súng hỏng được sửa chữa kịp thời, đạn nhồi xong được cung cấp ngay cho đơn vị, với phương châm "Không một quả lựu đạn nào không nổ, không một khẩu súng nào thiếu đạn, tiến lên chế tạo những vũ khí tối tân chuẩn bị cho bộ đội đánh những trận tiêu diệt lớn". Với nỗ lực không mệt mỏi, các cán bộ, công nhân xưởng quân giới Phú Lâm đã chế tạo thành công bom ba càng - một thứ vũ khí chống tăng cảm tử được thiết kế với kíp kích nổ bằng va chạm.

Bom rất dễ chế tạo nên phù hợp với lối đánh du kích thời điểm đó. Bom được lắp vào một cây gậy gỗ dài khoảng 1,2m, phải lắp 3 điểm chạm (3 kíp) để đề phòng có cái kíp nào "xịt" vì không có nhiều cơ hội cho chiến sĩ cảm tử tiếp cận với xe tăng. Bom ba càng có khả năng xuyên thủng lớp thép dày khoảng 150mm ở góc chạm 90 độ, đủ để xuyên thủng giáp trước xe tăng hạng trung (thời đó, Pháp chỉ đưa sang Việt Nam xe tăng hạng nhẹ và hạng trung nên bom ba càng đủ sức diệt được các loại xe tăng này).

Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, công binh xưởng Phú Lâm luôn thay đổi tên gọi và vị trí đóng quân, khi chuyển về Nam Đông đổi tên là xưởng quân giới Phạm Hồng Thái, khi chuyển về Khe Trái lấy tên là xưởng quân giới Văn Thăng, sau này chuyển về Dương Hòa có tên gọi xưởng vũ khí Thừa Thiên Huế. Trong lúc phải vận chuyển cơ xưởng lên địa điểm mới, những phần vật liệu nặng, có kích thước lớn như bệ máy, cối nghiền thuốc súng… được các công nhân tại xưởng tiến hành thả xuống các ao hồ, giếng sâu hoặc được đem chôn cất nhằm không cho quân địch phát hiện và tái sử dụng. Đến năm 2016, người dân làng An Đô tiến hành múc hồ trong khu vực thì phát hiện được thanh sắt và bệ kê máy. Hiện vật thanh sắt có kích thước dài 100cm, cao 9cm, có 2 rãnh hình chữ V, mỗi rãnh rộng 8cm, góc rãnh dài 4,5cm.

Những đóng góp của xưởng quân giới Phú Lâm những ngày đầu kháng chiến chống Pháp đã từng bước đáp ứng nhu cầu trang bị vũ khí chiến đấu cho lực lượng vũ trang địa phương, làm rạng rỡ thêm truyền thống anh hùng của ngành quân giới Việt Nam, góp phần vào thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp của Nhân dân Thừa Thiên Huế (nay là thành phố Huế).

Bài, ảnh: MAI AN - ĐỨC LỘC

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/van-hoa-nghe-thuat/hien-vat-thong-diep-tu-qua-khu-153160.html
Zalo