Hiện thực tăng trưởng xanh từ những hành động nhỏ

Mặc dù là xu thế tất yếu của sản xuất, nhưng không ít doanh nghiệp cho rằng quá trình chuyển đổi xanh theo hướng phát triển bền vững là một hành trình không ít khó khăn.

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 44/CT-TTg về triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm đẩy mạnh thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.

Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam tham gia sâu rộng vào các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với các yêu cầu bảo vệ môi trường, giảm phát thải… đều được cam kết ở mức độ cao. Lợi ích sản xuất xanh mang lại là rất lớn, nhưng để áp dụng vào thực tế thì lại không dễ dàng...

Phóng viên TTXVN đã trao đổi với ông Nguyễn Trung Anh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ sinh học Mùa xuân (BIOSpring), Giám đốc Phát triển bền vững và Đổi mới sáng tạo Tập đoàn PAN Group về cơ chế và nguồn lực để khuyến khích doanh nghiệp thực hiện mô hình sản xuất xanh, góp phần đẩy mạnh thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.

Ông Nguyễn Trung Anh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ sinh học Mùa xuân (BIOSpring), Giám đốc Phát triển bền vững và Đổi mới sáng tạo Tập đoàn PAN Group. Ảnh: BNEWS phát

Ông Nguyễn Trung Anh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ sinh học Mùa xuân (BIOSpring), Giám đốc Phát triển bền vững và Đổi mới sáng tạo Tập đoàn PAN Group. Ảnh: BNEWS phát

Phóng viên: Là một trong những tập đoàn hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm, cung cấp nhiều giải pháp sản xuất xanh giảm phát thải, ông có thể chia sẻ hành trình và kết quả của việc thực hiện định hướng tăng trưởng xanh của Tập đoàn?

Ông Nguyễn Trung Anh:

Đối với Tập đoàn PAN Group, ngay từ ngày đầu mới thành lập, định hướng phát triển bền vững đã được Tập đoàn lựa chọn là chiến lược xuyên suốt. Từ hơn chục năm trước đây, khi mà nhắc tới phát triển bền vững còn chưa ai hiểu nhiều thì chúng tôi đã rất may mắn có được sự đồng hành của nhiều đối tác lớn. Đồng thời, Tập đoàn cũng có những lãnh đạo, quản lý từng nhiều năm làm việc tại các công ty đa quốc gia nên đã có nhận thức về phát triển bền vững từ rất sớm. Vì vậy, ngay từ đầu doanh nghiệp đã thiết lập một cơ cấu quản trị về phát triển bền vững, từ cấp hội đồng quản trị cho đến các tiểu ban, sau đó tổ chức thành các bộ phận chuyên trách về phát triển bền vững.

Sau khi thiết lập được hệ thống quản trị, đơn vị cũng xây dựng các chính sách thực thi và triển khai xuyên suốt các mục tiêu phát triển bền vững, thống nhất từ tập đoàn tới các công ty; tổ chức các hoạt động đào tạo.

Song song đó, PAN Group còn có thêm hoạt động giám sát hàng năm để xem xét việc thực hành phát triển bền vững tại các đơn vị để có những điều chỉnh, thay đổi phù hợp với định hướng của Chính phủ và thị trường, nhưng cũng phù hợp với thực tế sản xuất tại Việt Nam.

Tập đoàn cũng làm việc với các đơn vị tư vấn để xây dựng các báo cáo phát triển bền vững độc lập hàng năm. Đến nay là năm thứ 9, Tập đoàn đã cho ra đời các báo cáo gồm cả tiếng Anh, lẫn tiếng Việt theo tiêu chuẩn quốc tế để minh bạch thông tin và công bố với đại chúng, nhưng cũng là hướng dẫn để các đơn vị nội bộ, các công ty thành viên thuộc tập đoàn nhìn vào để chuẩn hóa hoạt động được tốt hơn.

Phóng viên: Mặc dù là xu thế tất yếu của sản xuất, nhưng không ít doanh nghiệp cho rằng quá trình chuyển đổi xanh theo hướng phát triển bền vững là một hành trình không ít khó khăn. Quan điểm của ông về nhận định này như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Trung Anh: Cũng như số đông doanh nghiệp hiện nay, PAN Group nói chung hay BIOSpring nói riêng cũng từng trải qua những giai đoạn gặp nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình chuyển đổi để xanh hóa quy trình sản xuất.

Đầu tiên có lẽ là nhận thức và theo đó không chỉ nhận thức của doanh nghiệp mà kể cả nhận thức của thị trường. Xu hướng lựa chọn của người tiêu dùng, cộng đồng xã hội vẫn chưa thực sự ưu tiên, tin dùng các sản phẩm được sản xuất theo quy trình xanh.

Thêm vào đó, rào cản về việc đầu tư chuyển đổi công nghệ để có thể giảm bớt lượng phát thải khí nhà kính ra ngoài môi trường. Đơn cử như một đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn là Bibica, khi chuyển đổi việc sử dụng nhiên liệu đốt là than đá sang vật liệu khác thân thiện với môi trường thì đã phải thay đổi hoàn toàn hệ thống công nghệ và các trang thiết bị, dẫn tới phải đầu tư khoản chi phí rất lớn.

Mặc dù, đó quả là gánh nặng tài chính, song đổi lại, sản phẩm làm ra của Bibica lại có cơ hội tiếp cận được với thị trường xuất khẩu là Mỹ, xuất hiện trên các quầy kệ của hệ thống siêu thị lớn là Walmark…

Định hướng của Chính phủ và các bộ, ngành hướng tới sản xuất xanh, sản xuất sạch, giảm phát thải cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các mô hình sản xuất xanh. Đây là cơ hội lớn cho việc phát triển các sản phẩm vi sinh phục vụ sản xuất, đặc biệt là đối với ngành trồng trọt và chăn nuôi của nước ta, như hướng đi của BIOSpring hiện nay.

Tuy nhiên, thách thức và khó khăn đó là sản phẩm vi sinh phải cạnh tranh với các sản phẩm hóa học như kháng sinh, phân bón hóa học đang được sử dụng rộng rãi trong chăn nuôi và trồng trọt. Việc thay đổi tập quán, thói quen sử dụng các sản phẩm truyền thống của nông dân là một thách thức lớn. Hơn nữa, chi phí đầu tư cho sản xuất xanh, sạch cao hơn so với các phương pháp truyền thống cũng là bài toán cần giải quyết…

Phóng viên: Để vượt qua được những khó khăn đó, bài học của PAN Group nằm ở đâu, thưa ông?

Ông Nguyễn Trung Anh: Có lẽ đó là nhận thức và văn hóa bởi, thực hiện phát triển bền vững, sản xuất xanh, tăng trưởng xanh phải xuất phát từ tâm thế tự nguyện và nằm trong nhận thức của mỗi người, đặc biệt là cấp quản lý. Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững và triển khai thành công, tôi cho rằng, cần nhìn vào những việc làm, những hành động dù là rất nhỏ. Cụ thể như chỉ cần nhìn vào mỗi người lao động, mỗi nhân viên bảo vệ hay người thu dọn vệ sinh cũng hiểu và có ý thức về phát triển bền vững thì đó chính là điều làm nên thành công của Tập đoàn.

Thêm vào đó, việc minh bạch hoạt động thông qua các báo cáo phát triển bền vững thường niên mà Tập đoàn đã và đang triển khai cũng đã được Nhà nước, các cấp ngành và cộng đồng xã hội đánh giá cao, ghi nhận những nỗ lực của doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi xanh.

Với BIOSpring, hiện doanh nghiệp tập trung phát triển sản phẩm vi sinh cho chăn nuôi lợn và gia cầm; ưu tiên phát triển sản phẩm xử lý môi trường, làm sạch môi trường với mong muốn hợp tác với các bà con nông dân, doanh nghiệp và Chính phủ để cùng xây dựng một môi trường xanh, sạch nhất, nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Phóng viên: Trân trọng cám ơn ông!

Ngọc Quỳnh/BNEWS/TTXVN (Thực hiện)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/hien-thuc-tang-truong-xanh-tu-nhung-hanh-dong-nho/356831.html
Zalo