Hiện thực hóa giấc mơ

Tuyến metro số 1 khởi đầu cho một hành trình mới, tạo tiền đề để phát triển hệ thống đường sắt đô thị cho TP HCM trong 10 năm tới

Tại cuộc họp với Ban Quản lý đường sắt đô thị TP HCM vào chiều 27-12, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết Bộ Chính trị đã thông qua Đề án phát triển đường sắt đô thị TP HCM đến năm 2035. Theo đó, trong 10 năm tới, TP HCM sẽ phát triển thêm 355 km metro.

Sẽ có thêm 7 tuyến

Chủ tịch Phan Văn Mãi nhấn mạnh đây là nhiệm vụ nặng nề, nhiều thách thức nhưng nếu quyết tâm, có cách làm thì TP HCM sẽ thực hiện được. Đặc biệt, sự kiện tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) chính thức vận hành thương mại là dấu mốc quan trọng, đánh dấu bước ngoặt trong sự phát triển giao thông của TP HCM, tạo đà cho sự phát triển tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) cũng như các tuyến metro khác.

Nhận định hệ thống đường sắt đô thị là trục "xương sống" của hạ tầng giao thông TP HCM, ông Phan Công Bằng, Trưởng Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP HCM (MAUR), cho biết theo kế hoạch, đến năm 2035, loại hình này sẽ đảm nhận 40%-50% thị phần vận tải hành khách công cộng, tăng lên 50%-60% vào 10 năm sau đó.

Cụ thể, sau tuyến metro số 1, thành phố sẽ xây dựng 7 tuyến metro gồm: Tuyến 1 (depot Long Bình - Bến Thành - An Hạ) dài 40,8 km; tuyến 2 (Củ Chi - Quốc lộ 22 - An Sương - Bến Thành - Thủ Thiêm) dài 62,2 km; tuyến 3 (Hiệp Bình Phước - Bình Triệu - Ngã 6 Cộng Hòa - Tân Kiên - An Hạ) dài 45,8 km; tuyến 4 (Đông Thạnh - sân bay Tân Sơn Nhất - Bến Thành - Nguyễn Hữu Thọ - Khu đô thị Hiệp Phước) dài 47,3 km; tuyến 5 (Long Trường - xa lộ Hà Nội - cầu Sài Gòn - Bảy Hiền - depot Đa Phước) dài 53,9 km; tuyến 6 Vành đai trong dài 53,8 km; tuyến 7 (Tân Kiên - Nguyễn Văn Linh - Thủ Thiêm - Thảo Điền - Thanh Đa - Khu CNC- Vinhomes Grand Park) dài 51,2 km.

"Để thực hiện mục tiêu này thì phải thay đổi cách làm, thay đổi quy trình khác với tuyến metro số 1. Đặc biệt, với đề án này, TP HCM đề ra 43 cơ chế đặc thù thuộc nhiều nhóm liên quan tới quy hoạch; chính sách huy động nguồn vốn; trình tự, thủ tục; giải phóng mặt bằng; quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ; quản lý, khai thác… cũng như tính đến phương án thành lập Tập đoàn Đường sắt đô thị với các chức năng huy động vốn, quản lý đầu tư dự án metro... Với cách làm mới, chủ động hy vọng sẽ rút ngắn thời gian xây dựng 7 tuyến metro đến năm 2035 như mục tiêu đề ra" - ông Phan Công Bằng thông tin.

Theo ông Bằng, trước mắt, trong năm 2024-2025, MAUR gấp rút hoàn thành các thủ tục triển khai khởi công tuyến metro số 2, dự kiến cuối năm 2024 hoàn thành giải phóng mặt bằng và trong quý II/2025 hoàn thành di dời hạ tầng kỹ thuật.

Trong 10 năm tới, TP HCM sẽ phát triển thêm 7 tuyến metro với tổng chiều dài 355 km

Trong 10 năm tới, TP HCM sẽ phát triển thêm 7 tuyến metro với tổng chiều dài 355 km

Hệ thông đường sắt đô thị sẽ là trục “xương sống” của hạ tầng giao thông TP HCMẢnh: Hoàng Triều

Hệ thông đường sắt đô thị sẽ là trục “xương sống” của hạ tầng giao thông TP HCMẢnh: Hoàng Triều

Phát triển metro gắn với TOD

TSKH-KTS Ngô Viết Nam Sơn nhận định gần 20 năm xây dựng với nhiều khó khăn thử thách, tuyến metro đầu tiên của TP HCM đã vận hành, đánh dấu mốc quan trọng trong lịch sử phát triển giao thông công cộng tại TP HCM. Đây chỉ là khởi đầu cho một hành trình mới, dài hơn, sắp tới làm sao khai thác tuyến đường sắt này hiệu quả, trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, kết nối không gian đô thị và định hình lối sống mới.

Theo ông Ngô Viết Nam Sơn, bài học từ quá trình xây dựng metro số 1 sẽ là cơ sở quan trọng để thực hiện các tuyến tiếp theo một cách nhanh chóng, hiệu quả hơn, tránh lặp lại những chậm trễ và khó khăn trước đây nhằm thực hiện đề án xây dựng 7 tuyến metro trong 10 năm tới. Mặc dù đây là nhiệm vụ đầy thách thức nhưng chúng ta hoàn toàn có thể đạt được nếu chuẩn bị kỹ càng. Trước khi triển khai, cần dành thời gian nghiên cứu và xây dựng quy hoạch mô hình chiến lược phát triển đô thị TOD bài bản.

Với mô hình TOD, KTS Ngô Viết Nam Sơn gợi ý thành phố cần tập trung vào 2 nhiệm vụ lớn: Một là, hoàn thiện TOD trên tuyến metro số 1 vì có nhiều tiềm năng để phát triển các khu vực đô thị mới theo mô hình TOD. Hai là, rà soát lại toàn bộ quy hoạch TOD vì quy hoạch hiện tại chủ yếu dựa trên tư duy cũ chỉ tập trung vào công năng vận tải và dựa trên hệ thống giao thông đường bộ có sẵn.

Tuy nhiên, nếu áp dụng tư duy TOD, thành phố có thể kết hợp tốt hơn phát triển giao thông với phát triển các khu đô thị, giãn dân và tăng nguồn thu ngân sách, giảm chi phí đền bù, giải tỏa. Mặc dù đã được phê duyệt, thành phố cần mạnh dạn tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh lại hướng tuyến và vị trí các ga metro chưa xây dựng theo tinh thần TOD, để giúp khai thác hiệu quả hơn các tuyến metro và giảm lãng phí tài nguyên.

"Ngoài ra, hệ thống giao thông công cộng hiệu quả theo mô hình TOD không chỉ giới hạn ở metro mà cần được tổ chức đa dạng, bao gồm đường sắt tốc độ cao, Monorail, Tramway, xe buýt và cả buýt đường sông. Tất cả phải kết nối thành một mạng lưới đồng bộ, giúp người dân dễ dàng di chuyển giữa các điểm trong thành phố. Khi mỗi phương tiện công cộng được tích hợp với hệ thống metro xuyên tâm, người dân sẽ tiết kiệm thời gian, chi phí, và bảo đảm an toàn" - KTS Ngô Viết Nam Sơn đề xuất.

Phải giao quyền tự quyết, tự chủ cho TP HCM

TS Phan Hữu Duy Quốc, thành viên Hội đồng Tư vấn đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP HCM, cho rằng trong 10 năm tới, để thành phố hoàn thành cơ bản hệ thống metro như kế hoạch đặt ra, đòi hỏi phải thay đổi cách làm. Theo đó, cần giao quyền tự quyết và tự chủ cho UBND TP HCM cũng như Ban Quản lý đường sắt đô thị. Nếu quy trình xây dựng vẫn xin phép qua nhiều cơ quan và kiểm soát quá trình như hiện nay, chắc chắn không thể thực hiện kế hoạch tham vọng này.

Theo ông Quốc, cùng với giao quyền tự chủ, tự quyết trong quá trình thực hiện, chính quyền thành phố cần tự chủ trong nguồn vốn, giảm phụ thuộc vào các khoản vay ODA, tự chủ về tiêu chuẩn kỹ thuật và dần phát triển nguồn lực nội địa, từ đầu máy toa xe đến hệ thống kỹ thuật. "Chỉ khi hội tụ đủ các yếu tố này, tham vọng hoàn thành mạng lưới metro trong 10 năm mới có thể thành hiện thực" - ông Quốc nói.

Đề xuất 43 cơ chế chính sách đột phá

Theo Đề án phát triển đường sắt đô thị TP HCM, thành phố đề xuất đầu tư 7 tuyến metro dài khoảng 355 km, hoàn thành vào năm 2035, với vốn đầu tư khoảng 40,21 tỉ USD. Đến năm 2045 sẽ hoàn thành thêm 155 km, nâng tổng chiều dài lên khoảng 510 km.

Để thực hiện thành công và sớm hoàn thành mục tiêu, đề án đề xuất tổng cộng 43 cơ chế chính sách đột phá. Trong đó bao gồm 32 cơ chế chính sách thuộc thẩm quyền ban hành của Quốc hội, 13 cơ chế thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ.

Về nguồn vốn ngân sách, thành phố sẽ huy động từ kế hoạch vốn trung hạn, nguồn vượt thu, nguồn từ khai thác quỹ đất (TOD), phát hành trái phiếu chính quyền địa phương. Bên cạnh đó là huy động vốn vay, huy động từ hợp đồng BT (trả bằng ngân sách hoặc quỹ đất), vốn ngân sách trung ương hỗ trợ và các nguồn vốn hợp pháp khác.

THU HỒNG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/hien-thuc-hoa-giac-mo-19624123119252228.htm
Zalo