Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp hoàn thành trước ngày 30/6

Nghị quyết 60-NQ/TW thống nhất chủ trương sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước phục vụ việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; bảo đảm hoàn thành trước ngày 30/6/2025, có hiệu lực từ ngày 01/7/2025.

Thống nhất chủ trương sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước liên quan đến các quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; các quy định về chính quyền địa phương phục vụ việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; bảo đảm hoàn thành trước ngày 30/6/2025, có hiệu lực từ ngày 01/7/2025; quy định thời gian chuyển tiếp để bảo đảm hoạt động thông suốt, không gián đoạn, phù hợp với lộ trình dự kiến sắp xếp, sáp nhập.

Giao Bộ Chính trị chỉ đạo Đảng ủy Quốc hội lãnh đạo, chỉ đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 theo đúng quy định; ban hành các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến việc sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp theo đúng tiến độ, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khai thông điểm nghẽn, giải phóng sức sản xuất, huy động mọi nguồn lực cho phát triển; Đảng ủy Chính phủ chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể về giấy tờ, thủ tục hành chính, sử dụng con dấu... tránh xáo trộn, lãng phí.

Như vậy, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII thống nhất chủ trương sửa đổi, bổ sung Hiến pháp bảo đảm hoàn thành trước ngày 30/6/2025, có hiệu lực từ ngày 01/7/2025.

Quy định về sửa đổi Hiến pháp như thế nào?

Điều 120 Hiến pháp 2013 quy định việc sửa đổi Hiến pháp như sau:

- Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội có quyền đề nghị làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp. Quốc hội quyết định việc làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp khi có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.

- Quốc hội thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp. Thành phần, số lượng thành viên, nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy ban dự thảo Hiến pháp do Quốc hội quyết định theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

- Ủy ban dự thảo Hiến pháp soạn thảo, tổ chức lấy ý kiến Nhân dân và trình Quốc hội dự thảo Hiến pháp.

- Hiến pháp được thông qua khi có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành. Việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp do Quốc hội quyết định.

- Thời hạn công bố, thời điểm có hiệu lực của Hiến pháp do Quốc hội quyết định.

Đoàn Trang

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/hien-phap-moi-se-sua-xong-30-6-va-co-hieu-luc-tu-1-7-179250415133538844.htm
Zalo