Hiểm họa từ những cuộc gọi 'kết nối kém'
Thời gian gần đây, Công an TP. Hà Nội đã cảnh báo về thủ đoạn sử dụng công nghệ deepfake để giả mạo video, hình ảnh và giọng nói người thân nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Dù đã được khuyến cáo, không ít người vẫn mất cảnh giác, có nạn nhân đã bị chiếm đoạt số tiền lên đến hàng tỷ đồng.
Mới đây, bà T. (Long Biên, Hà Nội) đã bị lừa hơn 1,3 tỷ đồng khi nhận được cuộc gọi chuyển tiền cho con bằng công nghệ deepfake. Sự việc bắt đầu khi bà nhận thấy cuộc gọi nhỡ từ tài khoản Viber của con gái. Khi bà gọi lại bằng video call, hình ảnh con gái hiện lên nhưng cuộc gọi đột ngột bị ngắt.
Tài khoản này sau đó nhắn tin giải thích do “sóng yếu, hình ảnh kém” nên không thể tiếp tục cuộc gọi, đồng thời đề nghị bà chuyển tiền gấp để đổi ngoại tệ với lý do “lấy phí chiết khấu”. Tin tưởng đó là con gái mình, bà T. đã chuyển khoản theo hướng dẫn mà không xác minh lại. Đến khi phát hiện toàn bộ tin nhắn trên tài khoản con gái đã bị xóa sạch, bà T. mới nhận ra mình bị lừa.
Hay trường hợp của anh B.T.C. (42 tuổi, trú tại Long Biên, Hà Nội) cũng trở thành nạn nhân của thủ đoạn lừa đảo tinh vi khi nhận được cuộc gọi video từ tài khoản messenger của một người thân. Trong vài giây ngắn ngủi, anh nhìn thấy khuôn mặt quen thuộc và nghe giọng nói thân quen. Tuy nhiên, cuộc gọi đột ngột bị ngắt với lời nhắn “sóng yếu”. Tin rằng người thân đang gặp chuyện khẩn cấp, không chút nghi ngờ, anh chuyển ngay 50 triệu đồng. Chỉ đến sau khi giao dịch hoàn tất, anh mới phát hiện mình cũng là nạn nhân của các đối tượng lừa đảo.
Hiện nay, deepfake đang trở thành công cụ nguy hiểm trong tay tội phạm mạng. Các đối tượng lợi dụng công nghệ này để tạo ra những video giả mạo với hình ảnh và giọng nói y hệt người thật, đặc biệt là trong các cuộc gọi video ngắn giả danh người thân, bạn bè hoặc đồng nghiệp của nạn nhân. Để che giấu những điểm bất thường như hình ảnh mờ nhòe, âm thanh không đồng bộ hay biểu cảm gượng gạo, chúng thường viện cớ “sóng yếu”, “kết nối kém” hoặc “bận công việc” để nhanh chóng chấm dứt cuộc gọi. Chiêu thức này khiến nạn nhân không kịp nhận ra sự giả mạo, từ đó dễ dàng bị thao túng và thực hiện các giao dịch chuyển tiền theo yêu cầu của kẻ gian.

Trước tình hình này, Bộ Công an cùng Công an TP. Hà Nội và lực lượng chức năng khuyến cáo người dân cần hạn chế tối đa việc chia sẻ hình ảnh cá nhân trên mạng, chủ động nâng cao hiểu biết về deepfake và bảo vệ tài khoản cá nhân, cảnh giác trước các ứng dụng lạ có yêu cầu cấp quyền truy cập ảnh và video. Đối với những tài khoản ngân hàng, mạng xã hội cần phải sử dụng mật khẩu mạnh, kích hoạt bảo mật nhiều lớp cho các tài khoản mạng xã hội.
Khi nhận được bất kỳ tin nhắn hoặc cuộc gọi yêu cầu chuyển tiền, đặc biệt là những trường hợp khẩn cấp, người dân cần bình tĩnh xác minh kỹ thông tin bằng cách gọi lại qua số điện thoại đã biết trước đó hoặc gặp mặt trực tiếp để kiểm chứng.
Thêm vào đó, tuyệt đối không truy cập vào các đường link lạ, kể cả khi được gửi từ người quen, vì đây có thể là chiêu thức dụ người dùng truy cập vào website giả mạo. Khi thực hiện giao dịch chuyển tiền, cần kiểm tra kỹ thông tin tài khoản ngân hàng, đảm bảo tên người nhận khớp hoàn toàn với đối tượng cần chuyển tiền để tránh trường hợp tiền bị chuyển nhầm vào tài khoản lạ.