Khu trượt tuyết Nhật Bản lao đao vì thiếu tuyết

Nhiều khu trượt tuyết tại Nhật Bản phải tuyên bố đóng cửa do tuyết rơi ít hơn và chi phí bảo dưỡng 'khổng lồ'.

 Hoạt động trượt tuyết thu hút đông đảo du khách đến Nhật Bản mỗi năm. Ảnh: Tiffany Bui/ Pexels.

Hoạt động trượt tuyết thu hút đông đảo du khách đến Nhật Bản mỗi năm. Ảnh: Tiffany Bui/ Pexels.

Mùa đông năm 1990-1991, khu trượt tuyết Murakami Budo (tỉnh Niigata, Nhật Bản) đón 20.000 lượt khách. Nhưng đến mùa 2022-2023, khu nghỉ dưỡng mở cửa từ năm 1988 này chỉ có 5.000 lượt khách đến vui chơi. Tuyết rơi ít được cho là nguyên nhân chính, khiến khu nghỉ dưỡng không đủ điều kiện mở cửa trong nhiều ngày.

Theo Nikkei Asia, mùa trượt tuyết thường bắt đầu từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau tại Nhật Bản, giúp các khu trượt tuyết "bội thu" cả về lượng khách và lợi nhuận. Nhưng năm nay, "đói khách" là tình cảnh chung của nhiều đơn vị tại tỉnh Niigata. Tuyết ít, trong khi chi phí vận hành, bảo dưỡng cáp treo "khổng lồ", nhiều điểm phải tuyên bố đóng cửa.

Như tại Murakami Budo, năm 2023, khu trượt tuyết này báo lỗ 33 triệu yen (tương đương 219.000 USD). Ngoài ra, hệ thống cáp treo trượt tuyết xuống cấp nhưng không đủ kinh phí bảo trì khiến đơn vị này quyết định đóng cửa sau mùa 2024-2025.

Dữ liệu của tỉnh Niigata cho thấy vào năm 1992, số lượng khu nghỉ dưỡng trượt tuyết của tỉnh đạt 82 cơ sở và lượng du khách đạt 15,97 triệu lượt. Kể từ đó, các chỉ số đều sụt giảm, một phần được cho do dân số Nhật Bản đang già hóa và người dân có các lựa chọn giải trí đa dạng hơn.

Đến năm 2023, số lượng du khách của tỉnh giảm xuống còn 3,73 triệu. Số lượng khu nghỉ dưỡng trượt tuyết cũng giảm 34% xuống còn 54 địa điểm.

Đáng nói, không phải 54 điểm trượt tuyết còn lại đều đang hoạt động. 6 điểm không thể mở cửa trong năm 2023 do lượng tuyết rơi không đủ và tình hình kinh doanh kém. Một số khu nghỉ dưỡng đã đóng cửa trong nhiều năm.

 Khu nghỉ dưỡng trượt tuyết Murakami Budo ở tỉnh Niigata sẽ ngừng hoạt động sau mùa 2024-2025. Ảnh: Nikkei.

Khu nghỉ dưỡng trượt tuyết Murakami Budo ở tỉnh Niigata sẽ ngừng hoạt động sau mùa 2024-2025. Ảnh: Nikkei.

Ví dụ, các khu nghỉ dưỡng trượt tuyết có nghĩa vụ phải thông báo cho Cục Giao thông Hokuriku Shinetsu nếu họ có ý định ngừng hoạt động các thang máy trượt tuyết của mình. Tuy nhiên, khu nghỉ dưỡng trượt tuyết Ludens Yuzawa không có thông báo. Về mặt lý thuyết, khu nghỉ dưỡng này được phân loại là đang hoạt động.

Nếu thông báo dừng hoạt động, chủ khu nghỉ dưỡng sẽ phải tháo dỡ các cáp treo trượt tuyết và dọn dẹp cơ sở hạ tầng, trả về cho cảnh quan trạng thái tự nhiên. Chi phí khôi phục này có thể lên tới hàng trăm triệu yen, gây gánh nặng cho các nhà điều hành.

"Ở một số khu vực, các sườn trượt tuyết bị bỏ quên có thể bị xói mòn đất, làm tăng nguy cơ sạt lở đất", Shotaro Nakai, Tổng giám đốc điều hành của Green Foresters, một công ty về lâm nghiệp có trụ sở tại Tokyo, cho biết.

Nhiều khu nghỉ dưỡng trượt tuyết nằm ở vùng núi nên việc tái phát triển thường phải đối mặt với nhiều thách thức về môi trường. Cuộc khảo sát của Teikoku Databank cho thấy năm 2023, có đến 7 khu nghỉ dưỡng trượt tuyết tuyên bố phá sản. Đây là lần thứ ba kể từ năm 2013 có nhiều khu nghỉ dưỡng cho biết dừng hoạt động.

Quỳnh Trang

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/khu-truot-tuyet-nhat-ban-lao-dao-vi-thieu-tuyet-post1518411.html
Zalo