Hết lòng vì cộng đồng

Gần 20 năm qua, chị Thị Tâm, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Chà Là, xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh luôn âm thầm gắn bó với công tác hội. Chị tận tình hướng dẫn người dân tiếp cận vốn vay, chăm sóc sức khỏe, đồng thời tích cực tuyên truyền cộng đồng gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống. Chính sự gần gũi và trách nhiệm ấy đã giúp chị trở thành điểm tựa tin cậy của bà con, góp phần làm đổi thay tích cực đời sống người dân trong ấp.

Gương mẫu, tận tụy

Gắn bó với xã Lộc Thịnh từ những ngày đầu mới thành lập, chị Thị Tâm luôn phát huy vai trò gương mẫu, tận tụy trong mọi công việc. Dù hoạt động ở cấp nhỏ nhất nhưng chị luôn có trách nhiệm và sát cánh cùng người dân. Thấu hiểu ngôn ngữ là rào cản lớn nhất trong việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách đến người dân, vì vậy, với lợi thế là người dân tộc thiểu số, chị đến từng gia đình trò chuyện, giải thích bằng tiếng mẹ đẻ để bà con hiểu và làm theo. “Mặc dù bận công việc gia đình nhưng tôi vẫn cố gắng dành thời gian cho công tác hội. Việc gì làm được cho bà con tôi đều sẵn sàng, chỉ mong góp phần giúp mọi người trong ấp có cuộc sống ổn định hơn" - chị Tâm chia sẻ.

Chị Thị Tâm may và sửa trang phục truyền thống của đồng bào Khmer - Ảnh: Ngọc Thuận

Theo chia sẻ của chị Tâm, để giúp bà con cải thiện kinh tế, người làm công tác hội phải hiểu rõ các chính sách và nắm được từng hoàn cảnh gia đình. Thấy bà con chưa tiếp cận được vốn vay ưu đãi, chị không ngại đi từng hộ dân hướng dẫn từ làm hồ sơ đến việc sử dụng nguồn vốn sao cho hiệu quả. Nhiều hộ khó khăn, không đủ điều kiện, chị trực tiếp vận động các nguồn lực từ hội phụ nữ cấp trên và tổ vay vốn để hỗ trợ.

“Cô Tâm hướng dẫn tận tình, vì vậy tôi mới mạnh dạn vay vốn chăn nuôi. Nhờ có đồng vốn để xoay vòng, cuộc sống gia đình tôi hiện đã ổn định hơn trước rất nhiều” - ông Trần Văn Hướng ở ấp Chà Là chia sẻ.

Không chỉ chăm lo làm kinh tế, chị Tâm còn tích cực trong việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Dù sáng sớm hay chiều tối, chị đều tranh thủ đến từng nhà nhắc nhở lịch tiêm chủng cho phụ nữ và trẻ em. Những trường hợp ở xa hoặc không có người đưa đi, chị sẵn sàng đến tận nơi đưa đón để đảm bảo mọi người được tiếp cận dịch vụ y tế kịp thời. Chính sự tận tình ấy nên bà con ai cũng quý mến và hết lòng tin tưởng chị như người thân trong gia đình.

“Lúc tôi mang thai, chị Tâm thường tới nhà nhắc tôi đi tiêm vắc xin. Khi tôi sinh con, chị cũng quan tâm nhắc đi lấy thuốc, tiêm phòng cho bé. Tôi rất cảm kích vì sự quan tâm của chị Tâm đối với mẹ con tôi” - chị Thị Sa Rươn ở ấp Chà Là xúc động chia sẻ.

Gìn giữ bản sắc dân tộc

Là người Khmer, chị Tâm luôn tự hào về văn hóa truyền thống của dân tộc mình và không ngừng góp phần gìn giữ. Học may từ năm 15 tuổi, chị thường xuyên giúp bà con sửa trang phục truyền thống cho vừa vặn, chỉn chu trong những dịp lễ, tết. Bên cạnh đó, chị còn tích cực vận động chị em có năng khiếu múa hát cùng tham gia luyện tập những điệu múa Khmer để biểu diễn trong các sự kiện của ấp, xã. Qua đó, không chỉ làm phong phú đời sống tinh thần mà còn khơi dậy niềm tự hào, sự gắn kết cộng đồng, nhất là với thế hệ trẻ.

Bà Mã Thị Hoa, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Lộc Thịnh cho biết: “Chị Tâm là người rất hiểu đời sống và tâm lý phụ nữ. Chị thông thạo cả tiếng Khmer và tiếng Việt nên việc tuyên truyền rất hiệu quả. Nhờ đó, người dân tiếp cận và thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”.

Gần 2 thập kỷ gắn bó với công tác hội, với chị Tâm, niềm vui và hạnh phúc lớn nhất là khi thấy bà con khỏe mạnh, cuộc sống ngày càng ổn định và thế hệ trẻ biết gìn giữ, tự hào với bản sắc văn hóa dân tộc mình. “Mình sống sao để các em nhìn vào mà học theo” - lời nói mộc mạc ấy chính là ngọn lửa âm thầm thôi thúc chị kiên trì suốt chặng đường đã qua.

Hình ảnh người phụ nữ Khmer giản dị, tận tụy và đầy trách nhiệm như chị Thị Tâm đã, đang và sẽ tiếp tục lan tỏa những giá trị sống tốt đẹp giữa vùng quê biên giới yên bình.

Sa Rây

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/172693/het-long-vi-cong-dong
Zalo