Hệ thống HIMARS sắp có đối thủ mới đến từ Pháp?
Một công ty quốc phòng Pháp đang phát triển hệ thống tên lửa tầm xa Foudre, được kỳ vọng sẽ cạnh tranh với HIMARS, vũ khí chủ lực của Mỹ tại xung đột Ukraine.
Sáng kiến này diễn ra trong bối cảnh châu Âu đẩy mạnh nỗ lực giảm phụ thuộc vào Mỹ và củng cố ngành công nghiệp quốc phòng nội khối.

Những người sáng lập của Turgis Gaillard mô tả Foudre là "có thiết kế tối cao, có tham vọng mang tính châu Âu". (Nguồn: Turgis Gaillard)
Foudre được phát triển bởi công ty Turgis Gaillard, là một hệ thống pháo phản lực gắn trên xe tải, có tính cơ động cao và có thể được vận chuyển bằng đường hàng không. Theo công ty, hệ thống này có khả năng phóng nhiều loại đạn chính xác với tầm bắn linh hoạt từ 75 km đến hơn 1.000 km.
Turgis Gaillard cho biết Foudre có thể sử dụng các loại đạn của Mỹ như tên lửa M31, ATACMS, tên lửa tấn công chính xác mới (PrSM) và cả tên lửa hành trình. Cấu trúc mở của hệ thống cho phép tích hợp vũ khí từ các đồng minh châu Âu hoặc Pháp, giúp tăng khả năng tự chủ hậu cần trong các tình huống khủng hoảng quốc tế.
Một sản phẩm 'thuần châu Âu'
Theo các nhà sáng lập Fanny Turgis và Patrick Gaillard, cuộc xung đột tại Ukraine là minh chứng rõ ràng về nhu cầu cấp thiết đối với những hệ thống tấn công hiện đại như Foudre.
Họ nhấn mạnh rằng Foudre được thiết kế, phát triển hoàn toàn tại Pháp, với sự hợp tác từ các đối tác công nghiệp trong nước, thể hiện tham vọng tạo ra một hệ thống "có chủ quyền trong thiết kế, mang tinh thần châu Âu và tập trung mạnh vào hiệu quả chiến đấu".
Việc ra mắt Foudre cũng phản ánh mối quan tâm ngày càng tăng của châu Âu trong việc tự chủ quốc phòng, nhất là sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần đặt câu hỏi về cam kết của Mỹ với các đồng minh NATO.
Trong bối cảnh ngân sách quốc phòng của nhiều nước châu Âu đang tăng mạnh, nhu cầu phát triển và sở hữu các hệ thống vũ khí "nội địa" ngày càng trở nên cấp thiết.
Tạp chí kinh doanh Challenges của Pháp tiết lộ rằng Turgis Gaillard đã âm thầm phát triển hệ thống Foudre trong suốt 2 năm qua, dựa trên các bài học rút ra từ chiến sự ở Ukraine.

Hệ thống M142 HIMARS do Mỹ cung cấp phóng tên lửa vào các vị trí của Nga ở Ukraine. (Nguồn: Getty Images)
Bài học từ xung đột Ukraine
Hệ thống HIMARS do Mỹ cung cấp lần đầu cho Ukraine vào năm 2022 đã tạo ra bước ngoặt trong xung đột nhờ tầm bắn xa và độ chính xác cao.
Với khả năng phá hủy các kho đạn, trung tâm chỉ huy và thiết bị hậu cần của Nga ở phía sau chiến tuyến, HIMARS được Ukraine ca ngợi là "vũ khí thay đổi cục diện", dù sau đó Nga đã điều chỉnh chiến thuật và triển khai biện pháp gây nhiễu để giảm thiểu tác động.
Tuy vậy, các chuyên gia quốc phòng, như Mark Cancian từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho rằng xung đột này đã chứng minh giá trị chiến lược của các hệ thống tên lửa cơ động cao như HIMARS, có khả năng bắn nhanh, cơ động và sử dụng tên lửa dẫn đường để tấn công chính xác các mục tiêu trọng yếu.
Turgis Gaillard khẳng định Foudre được thiết kế để đáp ứng yêu cầu của chiến sự hiện đại. "Khi các lực lượng hiện nay có thể phát hiện mục tiêu cách xa hàng trăm kilomet nhờ vào máy bay không người lái, vệ tinh và hệ thống tình báo, Foudre đóng vai trò là mắt xích cuối cùng để tấn công chính xác ở khoảng cách lên tới 1.000 km, phá vỡ tuyến phòng thủ đối phương và bảo vệ lực lượng đồng minh", công ty cho biết.
Tương lai cạnh tranh với HIMARS?
Hiện vẫn chưa rõ liệu Foudre có thể thực sự cạnh tranh được với HIMARS trên thị trường quốc tế hay không. Công ty cũng chưa công bố kế hoạch sản xuất cụ thể, trong khi các hệ thống cạnh tranh khác cũng đang được nhiều nước phát triển.
Dẫu vậy, Foudre được kỳ vọng sẽ là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn của châu Âu nhằm xây dựng năng lực tấn công tầm xa độc lập. Trong năm qua, các quốc gia như Pháp, Đức, Ba Lan, Italia, Thụy Điển và Anh đã cùng hợp tác trong khuôn khổ Chiến lược tấn công tầm xa châu Âu, nhằm phát triển các hệ thống tấn công từ mặt đất hiệu quả hơn.
Foudre sẽ chính thức được ra mắt tại Triển lãm hàng không Paris diễn ra từ ngày 16 - 22/6. Công ty cho biết sẽ có các buổi trình diễn về khả năng tích hợp và triển khai nhanh của hệ thống trong khuôn khổ sự kiện này.