Hệ thống căn cước kỹ thuật số hướng đến nước nghèo
Ước tính 850 triệu người trên thế giới không có giấy tờ định danh hợp pháp, có nghĩa họ mất đi cơ hội tiếp cận các nguồn lực để cải thiện chất lượng cuộc sống. Trong bối cảnh đó, một giải pháp tuyệt vời đã xuất hiện, đó là hệ thống căn cước kỹ thuật số mã nguồn mở, gọi là Nền tảng định danh mã nguồn mở mô-đun (MOSIP) được cung cấp miễn phí cho tất cả các quốc gia.
Trụ cột của cơ sở hạ tầng công cộng kỹ thuật số
Hệ thống căn cước kỹ thuật số cùng với hệ thống thanh toán kỹ thuật số và hệ thống trao đổi dữ liệu tạo thành 3 trụ cột của cơ sở hạ tầng công cộng kỹ thuật số (DPI). Bằng cách thúc đẩy mọi người kết nối, chuyển tiền và chia sẻ thông tin dễ dàng hơn, DPI được ví như những con đường và cây cầu hiện đại đã giúp định hình lại các nền kinh tế trong thế kỷ 19.
Các nhà nghiên cứu nói rằng, DPI có thể giúp các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình vượt qua các giai đoạn phát triển truyền thống, đưa hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong đó, hệ thống căn cước kỹ thuật số rất quan trọng vì mọi người cần có danh tính được xác thực để khai thác các lợi ích khác của DPI, từ tài khoản ngân hàng kỹ thuật số và thanh toán tức thì đến tài khoản điện thoại di động và quản lý dữ liệu cá nhân.
Trong bối cảnh đó, một nhóm nhỏ ở Ấn Độ đã phát triển Nền tảng định danh mã nguồn mở mô-đun (MOSIP) để tạo hệ thống ID kỹ thuật số quốc gia, với sự tài trợ từ quỹ Bill&Melinda Gates. Nguồn cảm hứng ban đầu cho MOSIP là hệ thống căn cước kỹ thuật số quốc gia của Ấn Độ, Aadhaar, được ra mắt vào năm 2009. Ông S Rajagopalan, Giáo sư tại Viện Công nghệ thông tin quốc tế Bangalore (IIIT-Bangalore) cho biết, vào đầu những năm 1990, những người nghèo khổ ở các vùng nông thôn của Ấn Độ vì không có giấy tờ tùy thân nên cần người trung gian đứng ra bảo đảm khi đến bệnh viện hoặc nhận lúa mì, đậu, đường trợ cấp. Đúng như lời tiên đoán của Giáo sư Rajagopalan, hệ thống Aadhaar đã thay đổi cuộc sống của người dân trên khắp Ấn Độ. Mọi người không còn phải phụ thuộc vào các bên trung gian. Trong vòng một thập kỷ, tỷ lệ sở hữu tài khoản ngân hàng ở Ấn Độ đã tăng hơn gấp đôi, lên 78% vào năm 2021. Hệ thống cũng giúp mở rộng phạm vi tiếp cận của các chương trình mạng lưới an sinh xã hội, giảm lãng phí và giúp chính phủ phản ứng nhanh hơn trong thời kỳ khủng hoảng.
Khi MOSIP ra mắt vào năm 2018, nó đã cung cấp cho các chính phủ một giải pháp tiên tiến hơn, tất cả dữ liệu có sẵn đều công khai. Nếu hệ thống căn cước kỹ thuật số được ví như chiếc ô tô thì MOSIP là động cơ chính, hệ thống vẫn cần các bộ phận phụ trợ khác. Vì vậy, nhóm MOSIP đã phát triển một hệ sinh thái thịnh vượng gồm hơn 80 đối tác cung cấp các dịch vụ phụ trợ như thiết bị sinh trắc học, phần mềm chống sao chép, máy in thẻ… để tạo sự cạnh tranh lành mạnh nhằm giảm giá thành.
MOSIP chinh phục thế giới
Kể từ năm 2018, 11 quốc gia, trong đó có 9 quốc gia ở châu Phi và 2 quốc gia ở châu Á, đã ký biên bản ghi nhớ với MOSIP để thí điểm hệ thống. Đến nay, hơn 90 triệu người đã được đăng ký định danh dựa trên MOSIP ở Philippines, Ethiopia và Morocco. MOSIP là một ví dụ điển hình về cách các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình có thể khai thác công nghệ nguồn mở để cải thiện cuộc sống và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Đơn cử, Philippines là nơi triển khai quy mô lớn đầu tiên của MOSIP. Đất nước này có kết nối internet không ổn định ở những nơi xa xôi, vì vậy MOSIP đã làm việc với các nhà cung cấp để thiết kế bộ công cụ đặc biệt cho phép các nhân viên đi từng nhà để thu thập thông tin của mọi người, sau đó tải dữ liệu lên hệ thống theo đợt khi họ có kết nối. MOSIP cũng biến thông tin định danh xác thực thành mã QR để có thể xác minh ngoại tuyến.
Còn ở châu Phi, nơi gần 2/3 dân số vẫn chưa sử dụng điện thoại thông minh, các kỹ sư MOSIP đã phải tìm ra cách kích hoạt tính năng xác thực mặc dù chức năng của thiết bị bị hạn chế. Nhóm đã trang bị lại mô hình để rút ngắn thời gian thử nghiệm từ 18 tháng xuống còn 3 tháng. Để việc triển khai thí điểm trở nên hợp lý hơn, MOSIP đã cung cấp các thiết bị sinh trắc học và các yếu tố khác của quá trình thí điểm để các quốc gia chỉ phải chi vài nghìn USD. Trong vòng 4 tháng kể từ khi thử nghiệm thành công ở Togo, 4 quốc gia khác đã đăng ký chạy thử nghiệm hệ thống này. Nhằm tối đa hóa tính toàn diện, nhóm đã cung cấp cho mọi người một số tùy chọn để chia sẻ dữ liệu sinh trắc học của họ, bao gồm quét dấu vân tay, mống mắt hoặc khuôn mặt của họ. Điều này rất hữu ích ở những nơi như Ethiopia, nơi có rất ít người từng được quét dấu vân tay.
Nhóm MOSIP hy vọng rằng hệ thống sẽ có 1 tỷ người đăng ký trong thập kỷ tới, trong khi họ đang tìm cách tích hợp nó với các hệ thống khác để giúp cuộc sống của mọi người dễ dàng hơn. Ông Ramesh Narayanan, Giám đốc công nghệ của MOSIP cho biết: “Chúng tôi biết mình đang tạo ra một số thay đổi cho cuộc sống ở đâu đó. Và hy vọng rằng, đây là tất cả những tác động tích cực mà chúng tôi đang tạo ra ở khắp mọi nơi. Khi hàng triệu người đã được cấp căn cước dựa trên nền tảng MOSIP, một mặt nó thực sự mang lại cho chúng tôi cảm giác hài lòng, nhưng nó nhắc nhở còn hàng tỷ người khác đang cần. Căn cước kỹ thuật số không chỉ là một mảnh giấy, mã QR hay tấm thẻ của ai đó, mà nó có thể mang lại cho họ những gì?”.
Theo Bill&Melinda Gates Foundation