Hệ lụy từ ngại cưới, sợ sinh con

Khi giới trẻ ngại cưới, sợ sinh con sẽ làm giảm mức sinh thay thế. Thực tế này có thể gây ra nhiều hệ lụy trong bối cảnh già hóa dân số.

Gần đây dư luận nhắc nhiều đến các chính sách dân số với hàng loạt đề xuất như giảm giờ làm để đôi lứa có thể hẹn hò, tìm bạn đời và sinh con hay Hội Môi giới bất động sản đề xuất ưu tiên hỗ trợ một lần khi mua nhà ở xã hội với cặp vợ chồng có 2 con. Cuối tháng 8 vừa qua, Chính phủ cũng ban hành Chỉ thị về tăng cường thực hiện công tác dân số trong tình hình mới, trong đó yêu cầu Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về dân số để duy trì mức sinh thay thế bền vững.

Có lẽ câu chuyện dân số trở thành tâm điểm bàn luận gần đây xuất phát từ nguyên nhân mức sinh trên toàn quốc đang có xu hướng giảm dưới mức sinh thay thế và việc giới trẻ có xu hướng ngại cưới, sợ sinh con ngày càng nhiều.

Theo số liệu mới cập nhật của Tổng cục Dân số, mức sinh ở nước ta đang có xu hướng giảm xuống dưới mức sinh thay thế từ 2,11 con/phụ nữ (năm 2021) xuống 2,01 con/phụ nữ (năm 2022) và năm 2023 là 1,96 con/phụ nữ. Nhiều năm trước mức sinh ở khu vực nông thôn luôn ở mức cao thì nay cũng đang trên đà giảm nhanh từ 2,57 con/phụ nữ (năm 1999) xuống 2,2 con/phụ nữ (năm 2019) và giảm xuống còn 2,07 con/phụ nữ (năm 2023)…

Mặc dù Hải Dương thường xuyên nằm ở nhóm các tỉnh, thành phố có mức sinh thay thế cao trong cả nước nhưng tình trạng giảm mức sinh thay thế cũng đang diễn ra. Đây cũng là thách thức lớn khi tỉnh bước vào giai đoạn dân số già. Tỷ lệ người cao tuổi của Hải Dương tăng nhanh từ 11,5% năm 2009 lên gần 17% năm 2023 và dự báo đến năm 2050, Hải Dương sẽ bước vào giai đoạn "dân số siêu già". Theo số liệu của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Sở Y tế Hải Dương), số trẻ là con từ thứ 3 trở lên được sinh ra trong toàn tỉnh liên tiếp giảm trong 3 quý gần đây. Cụ thể, trong quý IV/2023, có 1.130 trẻ là con thứ 3 được sinh ra, quý I/2024 có 828 trẻ, đến quý II/2024 có 784 trẻ.

Vừa qua, khi Báo Hải Dương đăng tải thông tin dự thảo Luật Dân số bỏ quy định mỗi cặp vợ chồng, cá nhân "sinh 1 hoặc 2 con", nhiều bạn đọc bình luận rằng hiện nay người dân cũng không mặn mà sinh nhiều con dù quy định cho phép.

Nguyên nhân của tình trạng trên được xác định có lý do tốc độ đô thị hóa nhanh, kinh tế phát triển, áp lực tìm kiếm việc làm, nhà ở, chi phí sinh hoạt, chi phí nuôi dạy và chăm sóc con gia tăng. Việc thiếu trường học, học phí, viện phí cao cũng khiến nhiều cặp vợ chồng trẻ không có động lực sinh con.

Mức sinh thấp và giảm liên tục sẽ tác động không nhỏ tới quy mô, cơ cấu dân số và để lại nhiều hệ lụy như thiếu hụt lực lượng lao động, già hóa dân số nhanh và suy giảm quy mô dân số..., lớn hơn là ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Hải Dương được định hướng là 1 trong 8 tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương và dự kiến đến năm 2030 là đô thị loại I theo Quyết định 891/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì chỉ tiêu dân số, nhất là mức sinh thay thế cũng là vấn đề đáng quan tâm. Bài học từ một số quốc gia, vùng lãnh thổ cho thấy việc chậm chuyển hướng chính sách dân số, thường là hơn 10 năm sau khi đạt mức sinh thay thế, mức sinh sẽ giảm sâu và khó nâng mức sinh lên như thực trạng ở Hàn Quốc, Ðài Loan… Vì vậy duy trì mức sinh thay thế hơn 2 con là điều kiện cần thiết để tạo động lực cho tỉnh đạt những mục tiêu về kinh tế-xã hội.

BẢO ANH

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/he-luy-tu-ngai-cuoi-so-sinh-con-392204.html
Zalo