Trung Quốc biến hàng loạt nhà trẻ thành viện dưỡng lão

Tại Trung Quốc, tình trạng già hóa dân số nghiêm trọng đã khiến nhiều trường mầm non phải tìm cách chuyển đổi hoạt động thành trung tâm chăm sóc người cao tuổi…

Đối mặt với tình trạng tỷ lệ sinh giảm sút và dân số già hóa nhanh chóng, hàng chục nghìn trường mầm non ở Trung Quốc đã buộc phải chọn cách thu hẹp quy mô hoạt động, đóng cửa hoàn toàn hoặc chuyển đổi hướng kinh doanh để tồn tại. Phần lớn trong số đó cố gắng duy trì hoạt động như một trung tâm chăm sóc, nhưng thay vì trẻ nhỏ, giờ đây họ chủ yếu phục vụ người cao tuổi.

Vào năm ngoái, bà Zhuang Yanfang (56 tuổi) tại tỉnh Chiết Giang đã “hô biến” ngôi trường mầm non của mình thành một trung tâm chăm sóc người cao tuổi. Bà chia sẻ với truyền thông địa phương rằng ý tưởng này được nảy ra khi nhà trường không thể tuyển đủ học sinh cho các lớp học.

Sau khi cải tạo, khuôn viên hầu như không còn bất kỳ dấu tích của một trường mầm non. Những bức tường rực rỡ màu sắc được sơn lại thành màu trắng ngà; bảng đen tập vẽ, tập đọc được thay thế thành bảng thông tin về chăm sóc sức khỏe và bữa ăn dinh dưỡng cho người cao niên.

Trên thực tế, tỷ lệ sinh tại Trung Quốc đã giảm mạnh kể từ khi chính phủ nước này thực thi chính sách một con vào năm 1980.

Mặc dù chính sách này đã được nới lỏng vào năm 2016, tỷ lệ sinh vẫn tiếp tục trượt dốc. Từ năm 2021 đến năm 2023, số trẻ em trong độ tuổi mầm non đã giảm gần 15% chỉ còn chưa đến 41 triệu trẻ. Do vậy, không có gì ngạc nhiên khi trong hai năm đó, số trường mầm non (cả công lẫn tư) cũng đều giảm mạnh. Theo dữ liệu từ Bộ Giáo dục Trung Quốc, 20.000 trường đã phải đóng cửa. Tuy nhiên, đây cũng trùng với thời điểm chính phủ nỗ lực kêu gọi đóng cửa trường mầm non tư nhân và mở rộng trường công nhằm tiết kiệm chi phí cho các hộ gia đình.

Ngược lại, trong khi các trường mầm non gặp khó khăn, thì ngành công nghiệp chăm sóc người cao tuổi lại phát triển mạnh mẽ. Số lượng cơ sở chăm sóc người già đã tăng gấp đôi kể từ năm 2019, đạt hơn 410.000 cơ sở tính đến 10/2024.

“Dân số già của Trung Quốc sẽ chỉ ngày càng gia tăng”, ông Harry Murphy Cruise, nhà kinh tế học tại Moody’s Analytics cho biết. Ông dự đoán rằng đến năm 2040, khoảng 30% tổng dân số sẽ trên 65 tuổi, so với mức 15% hiện tại. Dân số dưới 15 tuổi sẽ chỉ còn hơn 10%, giảm từ mức 17% hiện nay.

Theo nhà kinh tế Tianchen Xu, người cao tuổi sẽ là nhóm khách hàng quan trọng hàng đầu của thị trường tiêu dùng trong tương lai. “Họ có tiềm lực tài chính, có khả năng chi tiêu và đang tìm kiếm một cuộc sống chất lượng cao sau khi về hưu”, nhà kinh tế trưởng tại ING, bà Lynn Song nhấn mạnh.

Cũng theo dòng xu hướng, một số công ty sữa chuyên sản xuất các sản phẩm cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ ở Trung Quốc đã bắt đầu ra mắt các sản phẩm mới dành cho người trung niên và cao tuổi, với những lợi ích như cải thiện giấc ngủ, tăng cường mật độ xương và hệ miễn dịch.

Tại Thượng Hải, ngày càng có nhiều phòng tập thể dục thu hút người cao tuổi yêu thích vận động với các dụng cụ phù hợp cùng nhiều trang bị thiết bị giám sát sức khỏe theo thời gian thực và cung cấp các buổi trị liệu vật lý dành cho các bệnh mãn tính.

Trước tình hình này, Bắc Kinh đã tăng cường các biện pháp hỗ “trợ nền kinh tế bạc”. Văn phòng Quốc vụ viện Trung Quốc đã ban hành hướng dẫn thúc đẩy phát triển các cơ sở chăm sóc người cao tuổi và khuyến khích tiêu dùng, cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho người cao tuổi.

Bên cạnh đó, Trung Quốc còn có thể tận dụng tiềm năng sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng phục vụ người cao tuổi, từ robot chăm sóc, sản phẩm điện tử thông minh cho đến các dụng cụ y tế tích hợp trí tuệ nhân tạo.

Hạnh Chi

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/trung-quoc-bien-hang-loat-nha-tre-thanh-vien-duong-lao-post555767.html
Zalo