Hệ lụy khó lường ngộ độc rượu chứa methanol
Thời gian qua, dù các bác sĩ đã cảnh báo nhiều về ngộ độc rượu chứa methanol nhưng số ca ngộ độc lại gia tăng trở lại. Phần lớn những trường hợp ngộ độc rượu đều tổn thương não, mù mắt, tụt huyết áp, trong tình trạng nguy kịch... Nhiều trường hợp đã tử vong ngay sau đó.
Tử vong, nhập viện cấp cứu nghi ngộ độc methanol
Ngày 14/5, thông tin từ UBND xã Rạch Chèo, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau cho biết, trên địa bàn xã đã xảy ra vụ việc 2 người đàn ông tử vong và 1 người nhập viện cấp cứu sau tiệc rượu.
Trước đó, vào trưa 11/5, ông N.V.L. (43 tuổi, ngụ ấp Rạch Chèo, xã Rạch Chèo) tổ chức tiệc nhậu tại nhà, có mời ông L.V.L .(45 tuổi) và ông V.V.C. (54 tuổi).
Sáng 12/5, ông L.V.L. có biểu hiện khó thở, ói ra máu nên được người nhà chuyển đến Trạm y tế xã Rạch Chèo để khám. Tại đây, ông L.V.L. được chẩn đoán xuất huyết đường tiêu hóa nên yêu cầu gia đình chuyển ông L.V.L. đến cơ sở y tế tuyến trên để điều trị. Nhưng do hoàn cảnh khó khăn nên gia đình đưa ông L.V.L. về nhà.
Đến 2 giờ ngày 13/5, ông L.V.L. tiếp tục có biểu hiện mệt, ói ra máu nên được gia đình đưa đến trạm y tế Rạch Chèo để khám, nhưng khoảng 10 phút sau thì ông L.V.L. tử vong.
Khoảng 20 giờ 30 phút ngày 12/5, ông V.V.C. có biểu hiện mệt, khó thở nên người nhà đã đưa ông đến Bệnh viện đa khoa Cái Nước, huyện Cái Nước để điều trị. Tuy nhiên, đến 17 giờ 40 phút ngày 13/5, ông V.V.C. tử vong tại Bệnh viện Đa khoa Cái Nước.
Riêng ông N.V.L., đến sáng 13/5, có biểu hiện mệt, khó thở nên người nhà đã chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau cấp cứu.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau cho biết, bệnh nhân N.V.L. nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, mắt mờ. Bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc methanol, được tiến hành lọc máu và hiện đã qua cơn nguy kịch.
Trước đó, ngày 23/4, một gia đình ở xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau tổ chức đám tang cho người thân. Một số người nhậu tại đám tang có triệu chứng ngộ độc và được cơ sở y tế chuẩn đoán bị ngộ độc methanol.
Cơ quan chức năng vào cuộc lấy mẫu rượu test nhanh cũng dương tính với methanol. Vụ ngộ độc rượu đã làm 1 người chết và ít nhất 7 người phải nhập viện điều trị.
Tương tự, Bệnh viện Quân y 175, TP Hồ Chí Minh cũng đã kịp thời cứu sống 2 người đàn ông nghi bị ngộ độc methanol nặng sau cuộc nhậu trong dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5 vừa qua. Bệnh nhân là anh N.V.A. (46 tuổi) và N.V.Q. (36 tuổi) đều trú tại quận 12, TP Hồ Chí Minh.
Theo lời kể của người nhà, tối 1/5, anh A., Q. và T. tổ chức ăn uống tại gia đình. Sau một ngày, cả 3 người đàn ông này phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng rối loạn chức năng đa cơ quan, đặc biệt là tình trạng toan chuyển hóa nặng. Dù đã được điều trị tích cực nhưng anh T. không qua khỏi.
Theo bác sĩ Dương Xuân Minh - Khoa lọc máu, Bệnh viện Quân y 175, các bệnh nhân vào cấp cứu trong tình trạng mệt mỏi, đau đầu, nôn ói nhiều, rối loạn thị giác.
Kết quả xét nghiệm máu cho thấy, người bệnh bị rối loạn chức năng đa cơ quan, toan chuyển hóa nặng, tăng khoảng trống anion, tăng khoảng trống áp suất thẩm thấu máu, nồng độ ethanol trong máu không cao. Kết hợp với yếu tố 3 người cùng uống rượu và có biểu hiện giống nhau, bác sĩ nghĩ đến nguyên nhân ngộ độc methanol.
Ngay lập tức, bệnh viện đã hội chẩn cấp cứu với các chuyên gia, xác định chẩn đoán và tiến hành can thiệp hồi sức tích cực. Hai bệnh nhân được lọc máu, kiểm soát đường máu, điện giải, vitamin B1 liều cao, axit folic, bổ sung ethanol qua đường tiêu hóa….
Theo bác sĩ Minh, methanol hay còn gọi là cồn công nghiệp có nhiều công dụng như: làm sơn, dung môi... Tuy nhiên, chất này rất độc với cơ thể và hoàn toàn không được dùng làm rượu thực phẩm như ethanol.
Ngộ độc rượu từ ethanol thường nhẹ hơn, triệu chứng giống như say rượu. Trong khi đó, ngộ độc rượu do methanol thường nặng hơn do bị pha cồn công nghiệp vào đồ uống. Người ngộ độc methanol nhập viện trễ có thể bị toan chuyển hóa, tổn thương đa cơ quan thậm chí tử vong.
Do đó, bác sĩ Minh khuyến cáo, khi nhận thấy bản thân hoặc người xung quanh có dấu hiệu bị ngộ độc rượu, hãy đưa đến cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt để được xử trí kịp thời.
Phòng tránh ngộ độc cồn công nghiệp methanol
Hay vào đầu tháng 4/2023, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Đông Anh, Hà Nội cũng đã tiếp nhận bệnh nhân nam vào cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu, da tím tái, chân tay lạnh, tiểu tiện không tự chủ do ngộ độc rượu chứa methanol.
Bệnh nhân nam sinh năm 1967, có tiền sử nghiện rượu. Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đông Anh đã nhanh chóng chỉ định đặt ống nội khí quản, chụp CT sọ não đánh giá tổn thương thần kinh, làm các xét nghiệm tổng quát và xét nghiệm khí máu.
Kết quả xét nghiệm khí máu cho thấy, có tình trạng toan chuyển hóa nặng, bệnh nhân được chẩn đoán bị ngộ độc cấp methanol tiên lượng rất nặng. Bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai. Tại đây, các bác sĩ xét nghiệm thấy nồng độ methanol trong máu bệnh nhân rất cao, phải lọc máu cấp cứu.
Đề cập đến vấn đề này, TS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, dù đã được cảnh báo rất nhiều nhưng chắc chắn tình trạng ngộ độc cồn methanol vẫn sẽ tiếp diễn rất nhiều.
Những ca bệnh nhập viện do ngộ độc rượu pha cồn công nghiệp đa phần đều rất nặng và tiên lượng tử vong cao. Ngoài ra, không chỉ nguy cơ từ rượu giả, lạm dụng quá nhiều rượu, bia cũng khiến sức khỏe của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là hệ tim mạch, dạ dày, gan, tụy, khớp, xương, cơ, sức khỏe sinh sản, hệ thống miễn dịch, tâm thần…
Theo TS Nguyễn Trung Nguyên, khi thấy người có biểu hiện nặng, nguy hiểm sau uống rượu cần được đưa đến bệnh viện cấp cứu khi có các dấu hiệu: Bất tỉnh, gọi hỏi không biết; co giật; tê, yếu chân tay một bên chân tay hoặc một bên mặt, nói ngọng trong khi đã tỉnh táo.
Thở khò khè, ứ đọng đờm rãi ở miệng họng, ho yếu. Thở yếu, nhịp thở không đều, thở chậm hoặc ngừng thở. Có thể hít sâu và nhịp thở nhanh. Da, môi, móng tay tím tái hoặc nhợt, lạnh. Đi vệ sinh ra quần, đái ít (lượng nước tiểu ít hơn bình thường). Nhìn mờ, nhìn một vật thành hai. Nôn nhiều, đau bụng, bụng chướng; mệt nhiều.
Do đó, TS Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo, để phòng tránh ngộ độc cồn công nghiệp methanol, người dân nên hạn chế uống rượu tối đa.
Người mắc bệnh lý về tim, động kinh, hô hấp, thể trạng gầy yếu không nên uống rượu vì khi đã bị ngộ độc thường rất nặng. Nếu đã trót uống loại rượu không bảo đảm, cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất hoặc bệnh viện có điều kiện xét nghiệm để kiểm tra.
Ngoài ra, khi mua rượu uống hoặc mua cồn sát trùng, người dân cần chọn các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có đảm bảo, thông tin trên nhãn mác cụ thể và đầy đủ về thành phần, công dụng và thông tin nhà sản xuất.
Từ đầu năm 2023 đến nay, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã đưa ra cảnh báo, tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, Khoa Hồi sức cấp cứu của bệnh viện đa khoa một số tỉnh, TP đã ghi nhận nhiều trường hợp phải cấp cứu có liên quan đến việc sử dụng rượu không bảo đảm an toàn, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, rượu có hàm lượng methanol cao, trong đó, đã có ca tử vong.
Methanol là một loại cồn công nghiệp, được sử dụng trong môi trường sản xuất công nghiệp như làm dung môi pha sơn, dung dịch tẩy rửa, nước hoa, chất chống đông lạnh...
Tuy nhiên, trong một số loại rượu giả, rượu tự pha chế vẫn có pha cồn methanol lẫn với ethanol vì methanol rất giống với rượu ethanol thông thường, ngọt, dễ uống hơn. Nếu uống phải loại rượu này sẽ gây ra ngộ độc methanol dẫn đến hậu quả đáng tiếc.
Các bác sĩ khuyến cáo, để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình, người tiêu dùng nên hạn chế uống rượu, chỉ uống những loại rượu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Triệu chứng ngộ độc rượu methanol thường xuất hiện sau khi uống 1-2 ngày. Các triệu chứng gồm không đi tiểu được, đau đầu kéo dài, mệt mỏi tăng dần, ý thức lơ mơ hoặc kích thích vật vã, mất tỉnh táo. Đặc biệt, người bệnh có dấu hiệu rối loạn thị lực rất sớm, thường nhìn thấy đám mây trắng như sương mờ trước mặt…
Bác sĩ Dương Xuân Minh - Khoa lọc máu, Bệnh viện Quân y 175