HDBank tăng trưởng tín dụng yếu, nợ xấu tăng nhưng cổ phiếu vẫn được khuyến nghị mua
Chứng khoán SSI cho biết, nợ xấu (NPL) của HDbank tăng 23,6% so với đầu năm lên 10,6 nghìn tỷ đồng, đẩy tỷ lệ nợ xấu lên 2,4% (+44 điểm cơ bản so với quý trước) trong Q1/2025.
Trong Q1/2025, Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (mã HDB) ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 5,4 nghìn tỷ đồng (+33% svck, +31% so với quý trước), chủ yếu nhờ mức tăng trưởng mạnh của thu nhập ròng từ phí dịch vụ (+105,5% svck, +73% so với quý trước), lợi nhuận từ giao dịch ngoại hối và trái phiếu (+247% svck, +47% so với quý trước) cũng như thu nhập khác (+552% svck, +22% so với quý trước).
Tỷ lệ CIR cải thiện, đạt 27,4% (so với 31,7% trong Q1/2024). Tuy nhiên, mặc dù tỷ lệ hình thành nợ xấu tăng (+33 điểm cơ bản so với quý trước lên 0,81%), ngân hàng đã không tăng dự phòng tương ứng với chi phí tín dụng giảm (-55 điểm cơ bản xuống 1,2%) – điều này đã hỗ trợ cho tăng trưởng lợi nhuận trong kỳ của ngân hàng.
Nhìn chung, kết quả của HDB vượt dự báo Q1/2025 của SSI, nhưng NIM giảm đáng kể (-72 điểm cơ bản svck) và mức tăng trưởng lợi nhuận chủ yếu được hỗ trợ bởi các khoản thu nhập bất thường.
Đối với năm 2025, SSI duy trì ước tính lợi nhuận trước thuế đạt 20 nghìn tỷ đồng (+20% svck), được thúc đẩy bởi thu nhập lãi thuần (NII) ổn định (+16% svck), thu nhập ròng từ phí dịch vụ phục hồi (+14% svck) và chi phí tín dụng giảm.

Giá cổ phiếu HDB trong 12 tháng qua.
Phân tích chi tiết hơn, SSI cho rằng HDB tăng trưởng tín dụng yếu hơn kỳ vọng. Trong Q1/2025, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 1,2% so với đầu năm, lên mức 454 nghìn tỷ đồng.
Trong khi cho vay bán buôn bán lẻ và cho vay ngành dịch vụ tài chính lần lượt giảm -7,5% so với quý trước (-5,6 nghìn tỷ đồng) và -7,3% so với quý trước (-2,2 nghìn tỷ đồng), cho vay lĩnh vực bất động sản tiếp tục là động lực chính với mức tăng 12,3% so với quý trước (+8,7 nghìn tỷ đồng) cùng với lĩnh vực vận tải & kho bãi (+1,9 nghìn tỷ đồng, +24,3% so với quý trước).
UPAS LC giảm mạnh 61% so với quý trước xuống còn 4,3 nghìn tỷ đồng vào Q1/2025 (so với mức đỉnh 42,5 nghìn tỷ đồng trong Q3/2023).
Chất lượng tài sản suy giảm: Nợ xấu (NPL) tăng 23,6% so với đầu năm lên 10,6 nghìn tỷ đồng, đẩy tỷ lệ nợ xấu lên 2,4% (+44 điểm cơ bản so với quý trước) trong Q1/2025. Nợ nhóm 2 cũng tăng 15% so với quý trước lên 24 nghìn tỷ đồng, tương đương 5,4% dư nợ – mức cao nhất trong nhóm ngân hàng được SSI nghiên cứu.
Do đó, tỷ lệ bao phủ nợ giảm xuống còn 53% trong Q1/2025 (so với 69% trong Q4/2024). SSI cho rằng trong Q1/2025 ngân hàng tiếp tục bị ảnh hưởng tương đối lớn từ nợ xấu kéo theo CIC.
NIM suy giảm: Trong Q1/2025, NIM giảm 72 điểm cơ bản svck (-82 điểm cơ bản so với quý trước) xuống còn 4,81%, chủ yếu do tăng trưởng tín dụng chậm và tỷ suất sinh lời trên tài sản giảm (-137 điểm cơ bản svck, -66 điểm cơ bản so với quý trước). Chi phí huy động vốn cũng tăng 14 điểm cơ bản so với quý trước trong kỳ.
Thu nhập thuần từ phí dịch vụ (NFI) cải thiện (+105,5% svck, +73% so với quý trước) lên 733 tỷ đồng: Do các hoạt động bancassurance và tư vấn phát hành trái phiếu vẫn còn trầm lắng từ năm 2023, SSI tin rằng thu nhập từ phí phục hồi chủ yếu nhờ vào phí dàn xếp tín dụng. Nguồn phí này có thể tiếp tục đóng góp vào NFI trong thời gian tới.
Các khoản thu nhập khác bất ngờ đạt 479 tỷ đồng (+552% svck, +22% so với quý trước) dù các khoản thu từ nợ đã xử lý rủi ro chỉ chiếm 78,5 tỷ đồng. SSI cho rằng HDB có thể ghi nhận lợi nhuận từ các hoạt động phái sinh và/hoặc phí liên quan đến tài trợ thương mại, và điều này khó có thể duy trì trong thời gian tới.
Mặc dù tăng trưởng tín dụng yếu, nợ xấu tăng nhưng cổ phiếu HDB vẫn được Chứng khoán SSI khuyến nghị mua với giá mục tiêu 1 năm là 25.000 đồng/cp, tỷ lệ lợi nhuận là 18% (mức giá ngày 9/6 là 21.200 đồng/cp).