Hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến miền Nam - Bài 3: Nghĩa tình trong thời chiến, bứt phá trong thời bình (Tiếp theo và hết)
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, miền Bắc xã hội chủ nghĩa đã thể hiện vai trò là hậu phương vững chắc của cả nước, không quản ngại gian khổ, hy sinh để chi viện sức người, sức của cho miền Nam ruột thịt.
Sau ngày đất nước thống nhất, miền Bắc tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng và tinh thần vượt khó, nhiều địa phương đã vươn lên mạnh mẽ, minh chứng cho tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, tiên phong trên mọi chặng đường phát triển của nhân dân miền Bắc.
Nhắc đến Thái Bình, đồng bào cả nước đều biết đến “quê hương 5 tấn”, địa phương đã góp nhiều sức người, sức của cho tiền tuyến miền Nam những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Bước vào thời kỳ đổi mới, Thái Bình đã và đang chứng kiến sự đổi thay mạnh mẽ về diện mạo, từ đô thị đến nông thôn. Hệ thống đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa; hệ thống điện, nước sạch, trường học, trạm y tế được đầu tư đồng bộ, đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân.
Những đổi thay ấy không chỉ phản ánh sự phát triển về mặt hạ tầng mà còn thể hiện sự nỗ lực vươn lên, tinh thần đoàn kết và ý chí đổi mới, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thái Bình. Đặc biệt, nhắc đến quê lúa Thái Bình, người dân cả nước đều biết đến Anh hùng Lao động Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn ThaiBinh Seed, người đã có hơn 40 năm dày công nghiên cứu, tạo ra hơn 20 giống lúa, trong đó 13 giống được công nhận giống quốc gia. Điển hình như: TBR225, BC15, TBR39, nếp A Sào, giúp nâng cao năng suất và chất lượng lúa gạo Việt Nam.

Một góc Khu công nghiệp Phố Nối (Hưng Yên) ngày nay. Ảnh do địa phương cung cấp
Anh hùng Lao động Trần Mạnh Báo cũng là người đầu tiên thực hiện cấp I hóa giống lúa trên toàn tỉnh Thái Bình và là doanh nghiệp đầu tiên ở Việt Nam thực hiện chương trình liên kết “4 nhà” trong sản xuất giống. Là một trong những tấm gương tiêu biểu trong ngành nông nghiệp Việt Nam, nhất là lĩnh vực nghiên cứu, phát triển giống lúa, Anh hùng Lao động Trần Mạnh Báo đã dành trọn đời mình để cống hiến cho nền nông nghiệp nước nhà, mang lại giá trị thiết thực cho hàng triệu nông dân.
Về thăm tỉnh Hưng Yên vào những ngày tháng Tư lịch sử này, chúng tôi được biết, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hưng Yên đã để lại nhiều dấu ấn tiêu biểu, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của dân tộc. Là một tỉnh thuần nông thuộc đồng bằng Bắc Bộ, tuy không nằm ở tuyến đầu của chiến trường nhưng Hưng Yên đã phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết, ý chí quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Toàn tỉnh đã huy động hàng vạn thanh niên lên đường nhập ngũ, bổ sung lực lượng cho tiền tuyến miền Nam. Các phong trào thi đua “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” được hưởng ứng sôi nổi ở khắp các địa phương, góp phần xây dựng hậu phương vững chắc.
Bước vào thời kỳ đổi mới, Hưng Yên tiếp tục phát huy truyền thống hào hùng, đồng thời giữ vững tinh thần đoàn kết, tạo động lực quan trọng đưa tỉnh nhà trở thành một trong những địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện. Theo báo cáo của tỉnh Hưng Yên, những năm gần đây, tỉnh đã đạt được những bước đột phá quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội.
Với sự chủ động, linh hoạt, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Hưng Yên đã thực hiện nhiều giải pháp hiệu quả, đồng bộ, tạo những chuyển biến tích cực trên tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội trong tỉnh; góp phần phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững, giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh. Năm 2024, thu ngân sách tỉnh Hưng Yên ước đạt 40.114 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 7,2 tỷ USD, thu hút đầu tư FDI đạt 1,4 tỷ USD-mức lớn nhất từ trước tới nay và thu hút vốn đầu tư trong nước đạt 25.751 tỷ đồng, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người đạt 121,6 triệu đồng, năng suất lao động đạt hơn 212 triệu đồng/lao động, tăng 8,46% so với cùng kỳ năm trước. Xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu ở Hưng Yên cũng đạt kết quả tích cực.
Toàn tỉnh có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, tỷ lệ các xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu đạt trên 30%. Những kết quả đó cho thấy Hưng Yên đang trên đà phát triển mạnh mẽ, hướng tới mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, giàu đẹp và văn minh trong tương lai không xa.
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đầy gian khổ, Thủ đô Hà Nội không chỉ là trung tâm đầu não về chính trị, văn hóa của cả nước mà còn là tấm gương sáng ngời về tinh thần tiên phong, trách nhiệm trong chi viện cho chiến trường miền Nam ruột thịt. Kế thừa và phát huy truyền thống hào hùng đó, Hà Nội đang trải qua một quá trình chuyển mình mạnh mẽ, đặc biệt trong thu hút đầu tư, chuyển đổi số và cải cách hành chính, góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân.
Theo đó, Hà Nội đã cải thiện môi trường đầu tư thông qua việc duy trì 100% hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng, khai thuế và nộp thuế điện tử đạt tỷ lệ cao, giúp giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Chỉ số năng lực cạnh tranh của Hà Nội hiện thuộc nhóm 10 địa phương có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, được Ngân hàng Thế giới đánh giá có một số thủ tục hành chính đạt mức trung bình của các nước OECD. Những nỗ lực trên giúp Hà Nội trở thành một trong những địa phương tiên phong trong cải cách hành chính, chuyển đổi số, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Từng là những địa phương chi viện tích cực cho chiến trường miền Nam trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, các tỉnh: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Bình, Quảng Trị, Thái Nguyên... cũng đang từng ngày vươn mình mạnh mẽ, trở thành những điểm sáng phát triển kinh tế-xã hội của cả nước. Vĩnh Phúc từ một tỉnh nông nghiệp thuần túy nay đã trở thành một trong những trung tâm công nghiệp của miền Bắc.
Tỉnh Phú Thọ cũng không ngừng phát triển, GRDP năm 2023 đạt gần 85.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng ước đạt 7,5%. Năm 2024, tổng số thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đạt hơn 8.700 tỷ đồng; tăng 7,5% so với cùng kỳ, vượt dự toán được giao. Với định hướng phát triển bền vững, Phú Thọ đang đẩy mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao và du lịch tâm linh với các điểm nhấn như Khu di tích Quốc gia đặc biệt Đền Hùng.
Quảng Trị, vùng đất tuyến lửa năm xưa đang từng bước hồi sinh mạnh mẽ. GRDP trên địa bàn tỉnh năm 2024 ước thực hiện được 3.405 tỷ đồng, đạt 115,6% so với dự toán pháp lệnh, đạt 115,4% so với dự toán HĐND tỉnh và bằng 122,1% so với cùng kỳ năm 2023. Với lợi thế về năng lượng tái tạo, tỉnh đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong lĩnh vực điện gió, điện mặt trời. Dự án cảng nước sâu Mỹ Thủy và khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị đang mở ra hướng phát triển mới cho địa phương.
Thái Nguyên, căn cứ địa cách mạng ATK (an toàn khu) năm xưa nay đã trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao. GRDP năm 2023 đạt hơn 162.500 tỷ đồng (gấp 1,4 lần năm 2020), thu hút hơn 10 tỷ USD vốn FDI. Các doanh nghiệp lớn như Samsung đã góp phần biến Thái Nguyên thành trung tâm sản xuất điện tử hàng đầu Việt Nam...
Có thể khẳng định, những vùng đất từng là hậu phương lớn chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến miền Nam sau những năm tháng đổi mới đã vươn lên mạnh mẽ, không ngừng đổi mới sáng tạo để đóng góp vào bức tranh tăng trưởng kinh tế đất nước, nhất là góp phần đưa đất nước phát triển giàu mạnh trong tương lai.