Hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến miền Nam - Bài 2: Biểu tượng của tình đoàn kết dân tộc

Dù phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, gian khổ trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhân dân miền Bắc vẫn một lòng hướng về miền Nam ruột thịt với tình cảm sâu nặng và tinh thần đoàn kết keo sơn.

Trong hoàn cảnh đạn bom ác liệt, kinh tế còn nghèo nàn, miền Bắc vẫn nỗ lực hết mình để chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Tình cảm ấy không chỉ là nghĩa vụ mà còn là biểu hiện cao đẹp của tình đồng bào, đồng chí, là minh chứng cho sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Khi lòng dân cùng chung ý chí

Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, miền Bắc nước ta bước vào giai đoạn xây dựng xã hội chủ nghĩa trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Hậu quả của gần 100 năm bị thực dân đô hộ, gần một thập kỷ kháng chiến chống Pháp đã để lại một nền kinh tế kiệt quệ, cơ sở hạ tầng hầu như bị tàn phá. Phần lớn người dân sống trong đói nghèo, thiếu ăn, thiếu mặc, nhà cửa tạm bợ, y tế và giáo dục gần như không có ở nhiều vùng nông thôn, miền núi. Trong bối cảnh ấy, đồng bào, chiến sĩ miền Bắc vẫn một lòng hướng về miền Nam ruột thịt, ra sức thi đua lao động sản xuất, chắt chiu từng hạt thóc, gom từng bó rau, viên thuốc gửi ra tiền tuyến. Khắp miền Bắc xã hội chủ nghĩa đã xuất hiện hàng nghìn tấm gương, hàng trăm việc tốt trong lao động, sản xuất, chiến đấu, góp phần chi viện cho đồng bào miền Nam.

Gần 30 năm công tác tại xã Tống Phan, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên, với nhiều cương vị khác nhau và hơn 10 năm làm Chủ tịch Ủy ban hành chính (nay là UBND xã), bà Trần Thị Luyện, trú tại thôn Cát Dương, xã Tống Phan, chia sẻ, những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, dù khó khăn đến mấy, có lúc bom đạn ác liệt nhưng xã Tống Phan giao quân bao giờ cũng vượt chỉ tiêu; đóng góp lượng lớn lương thực, thực phẩm phục vụ kháng chiến. Có năm xã góp hơn 200 tấn thóc. “Đó đều là công sức, đóng góp của nhân dân, không chỉ sức người mà còn sức của. 3-4 đợt mỗi năm, thanh niên, trai tráng xã Tống Phan hăng hái lên đường nhập ngũ, đi dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong. Không chỉ góp sức cho chiến trường, thi đua lao động sản xuất, nhân dân Tống Phan còn tham gia xây dựng công trình thủy lợi, đê điều, phụ nữ hưởng ứng Phong trào "Ba đảm đang", thanh niên ba sẵn sàng... tạo nên không khí sôi nổi, hăng say đến từng gia đình, ngõ xóm”, bà Trần Thị Luyện nhớ lại.

Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Mận, xã Vũ Vân, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình kể chuyện vượt qua bom đạn của giặc Mỹ, đắp đê chống lũ năm xưa. Ảnh: HỒNG SÁNG

Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Mận, xã Vũ Vân, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình kể chuyện vượt qua bom đạn của giặc Mỹ, đắp đê chống lũ năm xưa. Ảnh: HỒNG SÁNG

Một trong những phong trào thiết thực, đóng góp để tăng sản lượng, năng suất trong sản xuất nông nghiệp, góp phần gửi ra tiền tuyến tại xã Tống Phan là việc thành lập các tổ đổi công. Theo bà Trần Thị Luyện, giai đoạn đó nhiều hộ neo người nên 7-8 hộ lập thành một tổ đổi công. Khi cày, bừa, cấy, gặt, các gia đình tập trung làm cho một nhà, xong chuyển sang nhà khác. Ngoài hai vụ lúa chính, bà con còn sản xuất thêm vụ đông, đóng góp thêm lương thực gửi ra tiền tuyến và nâng cao đời sống cho người dân. Cùng với phong trào xây dựng hợp tác xã nông nghiệp bậc cao, cấp ủy, chính quyền xã Tống Phan còn phát động phong trào "tứ hóa" (thủy lợi hóa, hợp tác hóa, văn hóa hóa, quân sự hóa) để lôi cuốn sức mạnh của toàn dân, tạo sự chuyển biến trong xây dựng nông thôn.

Về Thái Bình vào những ngày tháng Tư lịch sử này, chúng tôi được Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Mận, thôn Việt Thắng, xã Vũ Vân, huyện Vũ Thư kể cho nghe về “thời thanh niên sôi nổi” của bà và các bạn cùng trang lứa. Để góp phần “chia lửa” với miền Nam, bà Mận cùng thanh niên địa phương vừa tích cực đắp đê ngăn lũ, vừa có nhiều giải pháp sáng tạo nhằm tăng năng suất lúa từ 2-3 tấn/ha lên hơn 5 tấn/ha. Giai đoạn 1965-1975, Thái Bình đã đóng góp trên 1 triệu tấn thóc, được Chính phủ gửi thư khen và công nhận: “Thái Bình dốc lòng chi viện tiền tuyến”.

Sống trong không khí toàn dân đánh giặc

Cũng trong giai đoạn cả nước cùng đánh giặc, khắp nơi trên miền Bắc, các phong trào thi đua yêu nước được phát động rộng rãi, sôi nổi và liên tục như: Phong trào thanh niên "ba sẵn sàng”, phụ nữ "ba đảm đang” của Thủ đô Hà Nội đã thôi thúc hàng triệu thanh niên nam, nữ tình nguyện gia nhập LLVT; hàng triệu người đăng ký đi đầu trên các mặt trận lao động sản xuất và chiến đấu. Cả miền Bắc hành động theo tinh thần “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, ngày đêm dồn sức chi viện cho miền Nam đánh Mỹ. Trong cuốn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam (1954-1975), Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, ấn hành năm 1995, ghi rõ: “Thời kỳ này, quá nửa lực lượng và gần 80% vũ khí, đạn dược, phương tiện kỹ thuật sử dụng trên chiến trường miền Nam do Đảng, Nhà nước ta động viên từ hậu phương miền Bắc đưa vào. Từ năm 1965-1968, có 888.641 thanh niên miền Bắc gia nhập LLVT, trong đó có khoảng 336.914 người hành quân vào Nam chiến đấu”.

Thực tế cho thấy, trong giai đoạn cả nước cùng ra trận, tùy điều kiện hoàn cảnh, mỗi địa phương ở miền Bắc có những phong trào, cách làm khác nhau để chi viện cho tiền tuyến miền Nam. Nhắc đến Thanh Hóa, cả nước biết đến thành tích của nữ dân quân xã Thanh Thủy, huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn) đã chiến đấu anh dũng, bắn rơi 1 máy bay AD4 của Mỹ, được Bác Hồ gửi thư khen và tặng Huy hiệu của Người. Đặc biệt, những tấm gương chiến đấu dũng cảm, không sợ hy sinh của dân quân xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa, ngày 14-10-1967 đã bắn rơi chiếc F4-máy bay thứ 2.400 của giặc Mỹ trên miền Bắc.

Là địa bàn chịu thiệt hại nặng nề trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, quân dân Hải Phòng vẫn vững vàng trên trận tuyến, vừa chiến đấu dũng cảm, vừa tích cực lao động sản xuất, dồn sức chi viện cho tiền tuyến miền Nam. Đặc biệt, trong vận chuyển hàng hóa chi viện vào miền Nam theo đường biển, Hải Phòng là điểm xuất phát quan trọng của những “con tàu không số”, kịp thời đưa hàng chục nghìn tấn vũ khí đến các bến tiếp nhận ở miền Tây Nam Bộ và Khu 5, đồng thời Hải Phòng cũng là nơi đón các con tàu từ Nam ra Bắc nhận hàng hóa, vũ khí, đạn dược đưa vào miền Nam.

Cuốn Lịch sử Đoàn và phong trào thanh niên Việt Nam (1925-1995), Nhà xuất bản Thanh niên, Hà Nội, 1995, tr.274, 275 nêu: “Nhiều thanh niên, học sinh phổ thông, sinh viên đại học đã hăng hái ghi tên đầu quân, kể cả một số thiếu niên chưa đến tuổi nhập ngũ. Đặc biệt ở huyện biên giới vùng cao Sông Mã (Sơn La), chỉ trong một đợt tuyển quân đã có 900 gia đình làm đơn tình nguyện cho con em nhập ngũ. Bà Từ Thị La (Yên Châu, Sơn La) có 4 con đi bộ đội, vẫn tình nguyện đưa người con thứ 5 lên đường đánh Mỹ. Nhiều thanh niên tham gia bộ đội, thanh niên xung phong đã chiến đấu anh dũng, trở thành Anh hùng LLVT nhân dân, Anh hùng Lao động"...

Có thể khẳng định, trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, miền Bắc đã trở thành hậu phương lớn, kiên cường và nghĩa tình, chi viện hết lòng cho tiền tuyến miền Nam ruột thịt. Tình nghĩa Bắc-Nam trong những năm tháng ấy đã trở thành biểu tượng cao đẹp của tình đoàn kết dân tộc, hun đúc nên sức mạnh toàn dân tộc để giành thắng lợi cuối cùng.

MINH SÁNG - HƯNG KIỂM

(còn nữa)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/50-nam-dai-thang-mua-xuan-1975/hau-phuong-lon-mien-bac-voi-tien-tuyen-mien-nam-bai-2-bieu-tuong-cua-tinh-doan-ket-dan-toc-825372
Zalo