Giao thoa văn hóa 3 dân tộc
Trong quá trình gần 300 năm, đồng bào 3 dân tộc Kinh - Hoa - Khmer đã cùng nhau cộng cư trên mảnh đất Cà Mau với tinh thần đoàn kết, tương trợ cùng nhau phát triển. Mặc dù mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa riêng, nhưng trải qua cuộc sống xen cư với nhau từ bao đời nay đã tạo nên sự giao thoa, gắn kết hài hòa, tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo, đa sắc của xứ sở Cà Mau.

Liên hoan Văn hóa - Thể thao 3 dân tộc Kinh - Hoa - Khmer tỉnh Cà Mau là dịp thắt chặt tình đoàn kết. Ảnh: HUỲNH LÂM
Theo ông Nguyễn Văn Quynh, hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, nếu nói đến giao thoa văn hóa giữa 3 dân tộc Kinh - Hoa - Khmer trên mảnh đất Cà Mau thì phải xét đến thời kỳ cộng cư của 3 dân tộc, đã có từ khi khai hoang mở cõi.
Chia sẻ về cứ liệu lịch sử, ông Quynh cho biết, nguồn gốc người Kinh ở Cà Mau chủ yếu từ vùng Ngũ Quảng vào (Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ðức (Huế), Quảng Nam và Quảng Ngãi). Người Hoa thì theo các luồng di dân từ Trung Quốc thời nhà Minh theo 3 nhóm, do ông Dương Ngạn Ðịch thành lập Mỹ Tho đại phố, ông Trần Thượng Xuyên khai khẩn vùng đất Ðồng Nai và nhóm ông Mạc Cửu qua định cư vùng đất Hà Tiên, bao gồm cả Cà Mau ngày nay. Người Khmer thì một số đã đến Cà Mau khai hoang trước và một số từ Campuchia sang định cư.
Trong thời kỳ khai hoang mở cõi, dựng ấp xây làng, bắt nguồn từ nhu cầu an toàn trong quá trình khai phá vùng đất mới, đối diện với nguy hiểm từ thiên nhiên rừng sâu nước độc, thú dữ, giặc ngoại xâm nên mọi người phải đoàn kết với nhau chống lại nguy hiểm, chiến thắng hoàn cảnh. Trong quá trình cộng cư, mọi người không chỉ đoàn kết, mà trong cộng đồng các dân tộc còn chia sẻ với nhau văn hóa từ quê hương xứ sở của mình mang đến, về các nghi lễ, các phong tục tập quán lâu đời, tín ngưỡng dân gian, để rồi cùng nhau lưu giữ và truyền lại cho hậu bối mai sau những giá trị tốt đẹp... Và từ đó, giao thoa văn hóa đã đi dần vào đời sống tinh thần của mỗi người.
Nhắc đến người Kinh thì mọi người nghĩ đến tết Nguyên đán; người Khmer thì có Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, lễ Sene Dolta, Ook Om Bok, đua ghe Ngo; người Hoa thì có lễ hội vía Bà Thiên Hậu, tết Nguyên tiêu... Các lễ hội này hầu hết được người dân tổ chức tại các đình, đền, chùa, miếu, am và có sự hiện diện của cộng đồng các dân tộc tham gia. Ðặc biệt hơn là, văn hóa lễ hội của các dân tộc được thực hiện theo tín ngưỡng dân gian, tín ngưỡng tôn giáo. Các nghi lễ truyền thống hằng năm của dân tộc là cả một hệ thống lễ hội để phục vụ nhu cầu sinh hoạt đời sống văn hóa, tâm linh của bà con dân tộc, mang nhiều yếu tố giá trị văn hóa, xã hội và ý nghĩa giáo dục đầy tính nhân văn sâu sắc. Không chỉ vậy, các loại hình văn hóa, nghệ thuật và lễ hội này luôn thể hiện tính đặc trưng, nổi bật là tính truyền thống dân gian, gắn bó với cuộc sống hiện thực đoàn kết gần 300 năm qua của 3 dân tộc anh em: Kinh - Hoa - Khmer trên quê hương Cà Mau, chứ không còn của riêng một dân tộc nào.

Giao thoa văn hóa đã góp phần tạo nên đời sống văn hóa tinh thần phong phú cho cộng đồng dân cư. Người dân tham gia sinh hoạt các lễ hội truyền thống mà không có sự phân biệt dân tộc hay tôn giáo.
Ông Quynh chia sẻ: “Giao thoa văn hóa không chỉ là giao lưu qua lại, mà còn tiếp biến lẫn nhau trong quá trình cộng cư của 3 dân tộc Kinh - Hoa - Khmer trên vùng đất mới Cà Mau. Ngày nay, giao thoa văn hóa không chỉ góp phần duy trì, làm phong phú hơn các giá trị văn hóa, mà còn sàng lọc những giá trị. Theo đó, những nghi thức, lễ hội, tín ngưỡng lạc hậu, mê tín dị đoan, phản khoa học không còn phù hợp, không thích nghi với điều kiện thực tế, không đáp ứng nhu cầu hiện tại của số đông thì sẽ bị loại trừ, mất đi”.

Vào dịp lễ vía Bà Thiên Hậu (TP Cà Mau), rất đông đúc bà con phật tử khắp nơi đến viếng.
Giao thoa văn hóa không chỉ làm phong phú thêm đời sống tinh thần của con người nói chung, mà theo thời gian còn chọn lọc một cách tự nhiên, giúp các hiện tượng văn hóa này ngày càng hoàn thiện hơn, giảm được những hoạt động không phù hợp, góp phần xây dựng văn hóa con người Cà Mau phù hợp với xu thế văn minh, phát triển. Ðiều đó không chỉ là động lực thúc đẩy sự phát triển mọi mặt kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh mà còn góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ các di sản văn hóa truyền thống, bao gồm các loại hình văn hóa nghệ thuật, phù hợp với xu thế phát triển kinh tế hiện nay và để xây dựng nếp sống văn minh phù hợp với thời kỳ mới của đất nước.