Harvard phản đối lệnh đóng băng 2,2 tỷ USD tài trợ
Vụ kiện của Harvard nhằm yêu cầu chính phủ Mỹ hủy bỏ lệnh đóng băng 2,2 tỷ USD, bảo vệ quyền học thuật và nghiên cứu khoa học.
Ngày 21/4 (giờ Mỹ), Đại học Harvard đã chính thức đệ đơn kiện Chính phủ Hoa Kỳ lên Tòa án Liên bang tại Massachusetts, phản đối lệnh đóng băng hơn 2,2 tỷ USD tài trợ liên bang. Vụ kiện đánh dấu bước leo thang căng thẳng giữa một trong những trường đại học hàng đầu nước Mỹ và chính quyền đương nhiệm, xoay quanh vấn đề tự do học thuật và quyền hiến định theo Tu chính án thứ nhất.

Đại học Harvard đã chính thức đệ đơn kiện Chính phủ Hoa Kỳ lên Tòa án Liên bang tại Massachusetts. Nguồn: AP
Trong đơn kiện dài 51 trang gửi Tòa án Liên bang tại thành phố Boston, bang Massachusetts, Đại học Harvard cho rằng quyết định của Chính phủ Mỹ là “tùy tiện và vô lý”, vi phạm nghiêm trọng các quyền được Hiến pháp Hoa Kỳ bảo vệ, đặc biệt là quyền tự do ngôn luận và hoạt động học thuật.
Theo nội dung đơn kiện, nhà trường phản đối việc bị ép buộc phải hạn chế các hoạt động mang tính chính trị trong khuôn viên, coi đây là sự can thiệp không chính đáng từ phía chính quyền vào đời sống học thuật. Chủ tịch Đại học Harvard, ông Alan Garber, tuyên bố: “Chúng tôi không thể và sẽ không chấp nhận sự xâm phạm các quyền hiến định chỉ vì bất đồng quan điểm”.
Harvard lập luận rằng chính quyền đã vi phạm Tu chính án thứ nhất – điều khoản bảo vệ quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do học thuật – khi áp đặt các điều kiện tài trợ liên bang dựa trên lập trường chính trị của nhà trường.
Đặc biệt, phía Harvard khẳng định không có mối liên hệ hợp lý nào giữa các cáo buộc liên quan đến "bài Do Thái" và việc dừng cấp vốn cho các chương trình nghiên cứu y học, khoa học và công nghệ – những lĩnh vực hoàn toàn không liên quan đến tranh luận chính trị hiện tại.
Theo Harvard, việc đóng băng vô thời hạn khoản tài trợ trị giá hơn 2,2 tỷ USD không chỉ gây tổn hại nghiêm trọng đến hệ thống nghiên cứu khoa học của trường, mà còn đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia, vị thế đổi mới toàn cầu của Mỹ, cũng như mạng lưới hợp tác nghiên cứu quốc tế.
Trong đơn kiện, Harvard yêu cầu Tòa án liên bang tuyên bố quyết định của chính quyền là vi hiến và buộc Chính phủ phải hủy bỏ toàn bộ các lệnh liên quan đến việc chấm dứt tài trợ liên bang cho nhà trường.
Nguồn cơn vụ việc bắt nguồn từ các cuộc biểu tình ủng hộ Palestine và phản đối chiến sự tại Gaza diễn ra tại khuôn viên Harvard trong năm 2024. Sau đó, chính quyền Tổng thống Trump yêu cầu nhà trường phải cải tổ toàn diện bộ máy học thuật để "đảm bảo không xảy ra làn sóng bài Do Thái".
Tuy nhiên, phía Harvard cho rằng những yêu cầu cải tổ này vượt quá giới hạn can thiệp hợp pháp của một cơ quan hành pháp, đồng thời đi ngược lại với nguyên tắc độc lập của giáo dục đại học.
Vụ kiện được xem là bước leo thang căng thẳng chưa từng có giữa một cơ sở giáo dục danh tiếng và chính quyền liên bang Hoa Kỳ, đặc biệt trong bối cảnh các trường đại học Mỹ ngày càng trở thành tâm điểm của các cuộc tranh luận chính trị – xã hội.
Tính đến thời điểm hiện tại, Nhà Trắng chưa có phản hồi chính thức về vụ kiện nói trên.