Hấp dẫn các trò chơi dân gian tại Lễ hội Hoa Lư năm 2025
Tại Lễ hội Hoa Lư năm 2025, cùng với các nghi lễ, các trò chơi dân gian là nguồn sử liệu vô cùng quý giá trong dòng chảy lịch sử Việt Nam. Trong đó nhiều trò chơi dân gian đặc sắc đã diễn ra, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân và du khách thập phương về dự lễ hội.

Hội thi chèo thuyền tại Lễ hội Hoa Lư.
Hội thi kéo chữ "Thái Bình"
Sáng 7/4, tại Sân lễ hội Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh, Phòng GD&ĐT thành phố Hoa Lư phối hợp tổ chức Hội thi kéo chữ "Thái Bình".

Theo sử cũ, vào năm Canh Ngọ, tức năm 970, sau 2 năm lập quốc, định đô, Đinh Tiên Hoàng Đế đặt niên hiệu là "Thái Bình" biểu hiện ý chí độc lập, tự chủ, thể hiện khát vọng của dân tộc được sống trong một đất nước thái bình, thịnh trị, không có chiến tranh.
Tham gia Hội thi kéo chữ “Thái Bình” năm nay có 10 đội tuyển đến từ các trường THCS của các phường, xã: Ninh Khang, Ninh Giang, Ninh Hải, Ninh Vân, Ninh An, Ninh Phúc, Ninh Sơn, Ninh Khánh, Vân Giang, Bích Đào.
Hội thi kéo chữ "Thái Bình" mang đậm tính chất sinh hoạt văn hóa - tín ngưỡng; là một trò diễn xướng dân gian. Trò diễn này không có tính ganh đua mà mang tính chất phô diễn những nét đẹp truyền thống của lịch sử, vừa thiêng liêng vừa có tính giải trí. Đây là một hoạt động ngoại khóa của các em học sinh. Thông qua việc luyện tập và thi diễn giúp các em học sinh hiểu thêm về truyền thống lịch sử, văn hóa, con người vùng đất Cố đô Hoa Lư. Đồng thời tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho du khách và nhân dân trong dịp kỷ niệm 1057 năm Nhà nước Đại Cồ Việt và Lễ hội Hoa Lư năm 2025.
Hội thi Diễn tích “Cờ lau tập trận”
Chiều 7/4, tại Lễ hội Hoa Lư năm 2025, Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Hoa Lư phối hợp tổ chức Hội thi Diễn tích “Cờ lau tập trận”.

Phần thi diễn tích "Cờ lau tập trận" của học sinh Trường THCS Lê Hồng Phong (thành phố Hoa Lư).
“Cờ lau tập trận” là màn diễn xướng dân gian có từ khi Lễ hội Trường Yên khai mở để khắc họa lại tích tập trận giả của “đám” trẻ chăn trâu mà anh hùng của Thung Lau - một địa danh nay thuộc xã Gia Hưng, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình là Đinh Bộ Lĩnh. Thuở nhỏ, Đinh Bộ Lĩnh thường cùng nhóm trẻ chăn trâu bẻ hoa lau làm cờ, lập trận giả đánh nhau, tỏ rõ có tài chỉ huy. Bọn trẻ thường khoanh tay làm kiệu để rước ông như nghi vệ thiên tử, để sau này lớn lên tụ quân nghĩa sĩ bốn phương, phất cờ thống nhất giang sơn.
Tham gia Hội thi Diễn tích “Cờ lau tập trận” tại Lễ hội Hoa Lư năm 2025 có 9 đội tuyển đến từ các trường THCS của các phường, xã: Trường Yên, Ninh Mỹ, Ninh Hòa, Ninh Nhất, Ninh Hải, Ninh Tiến, Ninh Phong, Tân Thành, Đông Thành, Nam Bình.
Hội thi Diễn tích “Cờ lau tập trận” là một hoạt động ngoại khóa của các em học sinh. Thông qua hội thi giúp các em học sinh hiểu thêm về truyền thống lịch sử, văn hóa, con người vùng đất Cố đô Hoa Lư. Đồng thời tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho du khách và nhân dân trong dịp kỷ niệm 1057 năm Nhà nước Đại Cồ Việt (968-2025) và Lễ hội Hoa Lư năm 2025.
Hội thi chèo thuyền
Sáng 7/4, tại sông Sào Khê trước cửa Đền thờ Vua Lê Đại Hành (Đoạn từ cầu Hội đến núi Thùng Trấu), Hội Nông dân thành phố Hoa Lư đã tổ chức Hội thi chèo thuyền.

Phần thi chèo thuyền nhanh bấm giờ.
Dự khai mạc Hội thi có các đồng chí lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh, Hội Nông dân thành phố Hoa Lư; gần 30 vận động viên là hội viên Hội Nông dân ở xã Trường Yên, Ninh Hải, Ninh Nhất.
Hội thi chia thành 6 đội nam, 6 đội nữ (mỗi xã có 2 đội nữ và 2 đội nam). Các đội trải qua các nội dung thi: phần chào hỏi; thi chèo thuyền nhanh bấm giờ; thi chèo thuyền khéo lấy bóng quy định giờ... Hội thi tạo nên sân chơi sôi động, giúp các thí sinh có cơ hội phô diễn kỹ năng chèo thuyền khéo.
Kết quả, Ban tổ chức đã trao giải nhất toàn đoàn cho Hội Nông dân xã Trường Yên, giải nhì Hội Nông dân xã Ninh Nhất, giải ba Hội nông dân xã Ninh Hải.
Thông qua hội thi, góp phần nêu cao đạo lý uống nước nhớ nguồn, tinh thần đoàn kết; tuyên truyền, giáo dục truyền thống dựng nước và giữ nước của các bậc tiền nhân. Tạo không khí vui tươi phấn khởi, phục vụ khách du lịch và nhân dân tham gia và thưởng thức các trò chơi sáng tạo mang đậm bản sắc văn hóa của quê hương. Qua đó giới thiệu với bạn bè trong và ngoài nước về tiềm năng du lịch, hình ảnh danh lam thắng cảnh, Di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư - Ninh Bình.
Thi cờ người
Trong 3 ngày diễn ra Lễ hội Hoa Lư, tại Sân lễ hội, Hội Cựu chiến binh tỉnh tổ chức thi đấu cờ người.

Cờ người là một trong những trò chơi dân gian cuốn hút du khách khi về với Lễ hội Hoa Lư. Năm nay, có 8 đội cờ (7 đội của các huyện, thành phố và 1 đội cờ Hội cựu công an tỉnh). Đây không đơn thuần là trò chơi giải trí mà còn là môn thể thao trí tuệ, tái hiện phần nào lịch sử hào hùng của dân tộc ta thời kỳ dựng nước và giữ nước. Các kỳ thủ đã thi đấu với tinh thần thể thao đoàn kết, cao thượng, đem đến sự hào hứng cho nhân dân và du khách về dự hội.
Hội thi nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi, giữ gìn, phát huy nét đẹp truyền thống của vùng đất Cố đô Hoa Lư lịch sử; tạo điều kiện nhân rộng, phát triển môn cờ người trong các tầng lớp nhân dân.
Hội vui Tổ tôm điếm

Tổ tôm điếm cũng là một thú chơi tao nhã của người Ninh Bình nói chung và của Lễ hội Hoa Lư nói riêng. Trong các ngày hội, người dân dựng các lều để ngồi chơi. Với ngôn ngữ chủ yếu là bằng màu sắc các loại cờ hiệu và sử dụng giọng ngâm thơ của người giao bài, trống thay lời của người chơi, tổ tôm điểm đã trở thành một trò chơi dân gian được khôi phục và không thể thiếu tại Lễ hội Hoa Lư hàng năm.
Năm nay, Hội vui Tổ tôm điếm có 17 đội chơi đến từ các huyện, thành phố trong tỉnh.
Hội thi chọi gà

Các trận chọi gà tại Lễ hội Hoa Lư cũng thu hút đông đảo sự chú ý của người dân và du khách. Hội thi chọi gà năm 2025 được Hội Nông dân tỉnh tổ chức, thu hút sự tham gia của Hội Nông dân 7 huyện, thành phố trong tỉnh. Mỗi huyện, thành phố lựa chọn 2 cặp gà chọi khỏe mạnh, được huấn luyện vần đòn, vần hơi tốt, trọng lượng từ 2,9-3kg, thi đấu các trận theo hạng cân. Có những trận đấu gay cấn mà không phân biệt được thắng thua đã lôi cuốn người xem theo dõi trận đấu đến cùng.
Kết thúc hội thi, Ban tổ chức trao giải cho các cặp gà thi đấu và trao giải toàn đoàn cho Hội Nông dân các huyện, thành phố.
Các trò chơi dân gian được khôi phục, tổ chức tại Lễ hội Hoa Lư nhằm giữ gìn nét văn hóa truyền thống, phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống lịch sử, khơi dậy niềm tự hào dân tộc. Mỗi trò chơi dân gian mang ý nghĩa riêng, mang lại nhiều niềm vui, tiếng cười và những trải nghiệm thú vị cho người dân và du khách thập phương. Qua đó góp phần quảng bá nét đẹp văn hóa của vùng đất Cố đô đến du khách, góp phần bảo tồn và phát huy nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.