Để tiếng mã la mãi ngân vang
Về thôn Bến Khế (xã Khánh Bình, huyện Khánh Vĩnh) hỏi thăm “nghệ nhân” chơi nhạc cụ mã la, người dân ai cũng biết ông Cao Văn Nghiệp (64 tuổi) - già làng người Raglai yêu thích, đam mê nhạc cụ mã la, luôn đau đáu giữ gìn nhạc cụ của dân tộc mình.
Biết chúng tôi muốn tìm hiểu về mã la, ông Nghiệp say sưa kể về nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình. Sinh ra và lớn lên ở làng, từ nhỏ ông Nghiệp đã quen với tiếng mã la và cuộc sống nơi núi rừng. Chính vì thế, ông Nghiệp rất mê đánh mã la. Hồi nhỏ, mỗi khi làng có lễ hội, ông thường đến xem các bậc cao niên, già làng đánh mã la. Hình ảnh những nghệ nhân trong trang phục truyền thống luôn cuốn hút ông bởi những bước đi vững chắc, đôi tay uyển chuyển, mang đến những âm thanh của núi rừng, của thác nước, của muông thú.

Ông Cao Văn Nghiệp biểu diễn nhạc cụ mã la.
Càng xem càng thích thú, say mê, mong muốn của ông lúc ấy là làm sao học được cách chơi mã la. Những lúc các già làng nghỉ ngơi, ông thường lân la đến tìm hiểu. Thấy ông yêu thích, người lớn, người già trong làng đã tận tình chỉ dẫn ông cách đánh mã la. Nhờ vậy, mới 15 - 16 tuổi, ông Nghiệp đã thành thạo chơi mã la, được tham gia vào đội mã la của làng.
Với kỹ năng chơi mã la điêu luyện, những năm qua, ông Nghiệp tham gia biểu diễn ở nhiều nơi, giới thiệu cho du khách và người dân về văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Vốn là cán bộ Công an huyện, từ khi nghỉ hưu, niềm vui của ông gắn liền với nhạc cụ mã la. Ông dành nhiều thời gian nghiên cứu về nhạc cụ và các làn điệu mã la truyền thống của người Raglai. Theo ông, âm thanh của mã la mô phỏng theo tiếng của thiên nhiên, mang âm hưởng của núi rừng, còn các làn điệu bắt nguồn từ cuộc sống hằng ngày của đồng bào như: Điệu mừng lúa mới, đi hái rau rừng, mừng đám cưới...
Nhạc cụ mã la của người Raglai mang nhiều nét đặc trưng riêng biệt. Bộ mã la phải từ 3 chiếc trở lên mới được coi là nhạc cụ, bởi theo quan niệm của đồng bào, một bộ 3 cái mới đủ các thành viên trong gia đình là mẹ - cha - con. Và trong bộ mã la, mỗi chiếc có một vị trí, vai trò khác nhau. Một điều đặc biệt khác trong cách thức sử dụng mã la của người Raglai là khi diễn tấu không dùng dùi mà phải đánh bằng tay. Phải chăng chính vì điều này mà âm thanh của mã la nghe trầm bổng như hơi thở, nhịp tim của con người, có lúc sâu lắng, dạt dào đầy cảm xúc, có khi lại rộn ràng vang xa qua các nương rẫy trong những ngày lễ hội. Nhưng nhìn chung âm thanh vang lên từ màn tấu mã la dịu dàng, mềm mại. Mã la còn được phối hợp với các loại nhạc cụ khác như: Kèn bầu sarakhen, trống sagơr tạo nên sự cộng hưởng âm thanh, thể hiện nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.
Ông Nghiệp chia sẻ, trước đây, mã la là nhạc cụ thiêng và vô cùng quý giá đối với đồng bào Raglai. Tiếng mã la không thể thiếu vắng trong các lễ hội truyền thống của dân tộc, những sự kiện trọng đại của đời người. Tuy nhiên, hiện nay, tiếng mã la thưa dần trong đời sống cộng đồng người Raglai. Chính vì vậy, giữ gìn và phát huy nhạc cụ mã la là nỗi niềm canh cánh trong lòng ông Nghiệp bấy lâu nay. Thời gian qua, huyện Khánh Vĩnh đã thực hiện các dự án, hoạt động cụ thể giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó huyện đã trang cấp các bộ mã la cho cộng đồng, thành lập các câu lạc bộ văn hóa dân gian, mở lớp truyền dạy sử dụng nhạc cụ mã la. Ông Nghiệp cũng được mời tham gia dạy cho các học viên chơi mã la. Ông rất vui mừng, cố gắng truyền dạy cho các học viên, nhất là lớp trẻ nhằm góp phần truyền tải, lưu giữ và phát huy những giá trị văn hóa của cộng đồng dân tộc mình, để tiếng mã la mãi ngân vang giữa núi rừng.