Hành tung bí ẩn của vàng ở London
Nguồn vàng trên khắp thế giới từ các mỏ vàng ở Nam Phi, Canada, Mỹ, Nga, Brazil, Australia và những nơi khác đều sẽ chảy đến London. Ngân hàng Trung ương Anh đã dựa trên cơ sở dự trữ vàng để tạo ra đồng bảng Anh lưu thông trên toàn thế giới.
Vàng ở London: Xuất thân cao quý, hành tung bí ẩn
Vào đầu thế kỷ XIX, Anh là nước đầu tiên thiết lập hệ thống Bản vị Vàng trên thế giới: 1 ounce vàng được pháp luật định giá tương đương với 3 bảng Anh, 17 shilling và 10,5 pence. Nói một cách đơn giản, Ngân hàng Trung ương Anh hứa sẽ mua tất cả vàng bất cứ lúc nào với giá 3 bảng Anh, 17 shilling 9 pence, đồng thời bán vàng không giới hạn ra thị trường với giá pháp định là 3 bảng Anh, 17 shilling 10,5 pence.
Ngân hàng Trung ương Anh là cơ quan tạo lập thị trường lớn nhất trên thị trường vàng thế giới vào thời điểm đó, và trách nhiệm chính của nó là bảo vệ giá vàng và đảm bảo sự an toàn cho hệ thống Bản vị Vàng.
Tất nhiên, Ngân hàng Trung ương Anh không cần phải đích thân tham chiến để mua bán trên thị trường, thay vào đó, họ dựa vào 5 đại lý vàng lớn ở London để kinh doanh bán buôn, và các đại lý này sau đó lại dựa vào các kênh giao dịch của riêng họ để tiến hành bán lẻ. Thực ra, bản chất của lĩnh vực tài chính cũng gói gọn trong ba chữ: “Kênh là vua”, chỉ là thứ lưu thông trong kênh là các sản phẩm tài chính.
Hầu như tất cả 5 đại lý vàng lớn ở London đã tồn tại khoảng 200-300 năm; trong đó nổi tiếng nhất là gia tộc Rothschild, không chỉ kiểm soát thị trường trái phiếu công của các nước châu Âu, mà còn là bá chủ trên thị trường vàng. Trong thế kỷ XIX, họ thậm chí còn được mệnh danh là “Siêu cường thứ sáu ở châu Âu”.

London có một vị thế lịch sử về vàng. Ảnh: The Royal Mint.
Ngoài “lão đại” là gia tộc Rothschild, gia tộc Mocatta có thể được coi là “lão nhị”. Họ đã kinh doanh vàng ở London được 9 đời, thậm chí còn có tư cách gạo cội hơn cả gia tộc Rothschild. Ba gia tộc còn lại bao gồm các công ty Johnson Matthey, Sharps Pixley và Samuel Montague, ngay từ năm 1750 họ đã bắt đầu nghiệp vụ kiểm nghiệm vàng bạc.
Kể từ thế kỷ XIX, với lợi thế dẫn đầu là nơi ra đời của Cách mạng Công nghiệp, Anh đã xây dựng được một đế chế thuộc địa trải khắp châu Âu, châu Mỹ, châu Á, châu Phi và châu Đại Dương. Với hậu thuẫn là quyền bá chủ hàng hải cùng đòn bẩy là sức mạnh tài chính, họ đã độc chiếm việc cung ứng nguồn nguyên liệu thô và năng lượng trên toàn cầu, lũng đoạn sự phân chia thị trường thế giới, kiểm soát việc lưu thông thương mại trên đại dương và khống chế sự lưu thông của các dòng vốn quốc tế.
Nguồn vàng trên khắp thế giới từ các mỏ vàng ở Nam Phi, Canada, Mỹ, Nga, Brazil, Úc và những nơi khác đều sẽ chảy đến London. Ngân hàng Trung ương Anh đã dựa trên cơ sở dự trữ vàng để tạo ra đồng bảng Anh lưu thông trên toàn thế giới, sau đó dòng vốn và các sản phẩm công nghiệp lại chảy từ Anh đi khắp toàn cầu. Cuối cùng, nguồn lợi nhuận khổng lồ sẽ mang theo nhiều vàng hơn để quay trở lại London, hoàn thành vòng tuần hoàn vĩ đại của dòng vốn quốc tế.
Hệ thống tiền tệ Bản vị Vàng kinh điển đã tạo nền tảng vững chắc cho sự thịnh vượng và bá chủ của người Anh, cho đến khi “ngôi sao đang lên” Đức bắt đầu thách thức cơ chế tạo ra của cải này.
Thế Chiến I bùng nổ đã phá vỡ hệ thống lưu thông vàng có trung tâm là London trên thế giới mà, các nước tham chiến phải tạm ngừng trao đổi tiền giấy và vàng. Trong thời kỳ chiến tranh, sản lượng vàng của các thuộc địa Anh như Nam Phi đã được chuyển trực tiếp vào kho bạc của Ngân hàng Trung ương Anh và trở thành kho dự trữ vàng thời chiến của Vương quốc Anh.
Sau khi Thế Chiến I kết thúc, Anh tuy đánh bại Đức về mặt quân sự nhưng lại bị thiệt hại nặng nề về kinh tế. Trái lại, người Mỹ thì ung dung “tọa sơn quan hổ đấu”. Do dòng vàng từ châu Âu cuồn cuộn đổ vào Mỹ để tìm nơi trú ẩn an toàn, sức mạnh công nghiệp và tài chính của Mỹ đã tăng lên gấp bội. Tại thời điểm này, sức mạnh của đồng đô-la đã vượt trội đáng kể so với đồng bảng Anh.
Mặc dù chiến tranh đã kết thúc nhưng do bất đắc dĩ phải in quá nhiều tiền trong chiến tranh. Vương quốc Anh đã mắc một khoản nợ khổng lồ bằng đô-la Mỹ, dù không hề xuất hiện Siêu lạm phát. Vị thế trung tâm tài chính quốc tế của London đã bị New York cướp đoạt, và bá quyền của đồng bảng Anh trên thế giới cũng đã bị đồng đô-la Mỹ lấn át. “Nguyên khí” tài chính của Vương quốc Anh bị tổn hại nghiêm trọng, dẫn đến việc đồng bảng Anh mãi vẫn chưa thể khôi phục lại chế độ Bản vị Vàng, và trật tự thương mại quốc tế và phân công lao động trên thế giới mà Vương quốc Anh đã dày công vun đắp suốt hàng trăm năm đã rơi vào tình trạng hỗn loạn nghiêm trọng.
Giờ đây cả thế giới đã nhìn thấy rõ sự yếu thế của đồng bảng Anh, đồng thời cũng nhận thức rõ sự hùng mạnh của đồng đô-la Mỹ. Năm 1913, bốn cường quốc kinh tế trước chiến tranh là Mỹ, Anh, Đức và Pháp có tổng số vàng dự trữ trị giá 5 tỷ đô-la, trong đó Mỹ nhiều nhất là 2 tỷ đô-la, Vương quốc Anh 800 triệu đô-la, Đức 1 tỷ đô-la và Pháp 1,2 tỷ đô-la.
Sau chiến tranh, trong tổng số vàng dự trữ của bốn cường quốc trị giá 6 tỷ đô-la, Mỹ sở hữu tới 4,5 tỷ đô-la, gấp hơn năm lần so với Anh và chiếm ưu thế tuyệt đối. Tuy nhiên, rõ ràng Vương quốc Anh vẫn chưa thể điều chỉnh kịp thời tâm thế bá quyền của mình, Ngân hàng Trung ương Anh khẳng định chỉ nên định giá vàng bằng đồng bảng Anh, trong khi đồng bảng Anh thì đang giảm giá rõ rệt so với đồng đô-la Mỹ.
Kết quả là Nam Phi và các nước sản xuất vàng khác đã không nghe theo. Ngân hàng Trung ương Anh vẫn thu mua vàng của họ với mức giá cố định theo trạng thái thời chiến, trong khi đó giá vàng thì đang ngày càng tăng cao. Nếu cứ tiếp tục dựa theo mức giá cố định này thì rõ ràng họ sẽ lỗ nặng. Tất nhiên, do vẫn phải nằm dưới trướng Vương quốc Anh nên Nam Phi không thể phản bội họ để “quy hàng” New York; nhưng họ cần phải tìm một lối thoát khẩn cấp để có thể phản ánh chân thực giá thị trường vàng ở London.
Rất hiển nhiên, ở London thì liệu ai có thể sánh ngang với gia tộc Rothschilds về sức mạnh tài chính và vị thế trong thị trường vàng? Thế là với sự kêu gọi của các nước sản xuất vàng và các nhà môi giới vàng, gia tộc Rothschilds đã triệu tập 5 đại lý vàng lớn ở London và bắt đầu “định giá vàng London” lần đầu tiên vào ngày 12 tháng 9 năm 1919.
Vào ngày hôm đó, vàng đã lập một kỷ lục cho lần báo giá đầu tiên trên thị trường, và giá vàng được thiết lập ở mức 4,18 bảng Anh!