Hành trình yêu thương không giới hạn dành cho trẻ khuyết tật

Chúng ta vẫn nhắc nhiều đến vai trò của cha mẹ, nhà trường khi nói về trẻ khuyết tật. Nhưng ít ai biết rằng, anh chị em ruột- những người bạn đồng hành suốt đời, cũng đóng một vai trò đặc biệt trong việc hỗ trợ tâm lý, giúp trẻ khuyết tật tự tin và hạnh phúc hơn.

 Nguyễn Thị Hoa Xuân chăm sóc, yêu thương em gái khiếm thị vô điều kiện

Nguyễn Thị Hoa Xuân chăm sóc, yêu thương em gái khiếm thị vô điều kiện

Chị là mắt - em là tim

Nguyễn Thị Hoa Xuân (sinh năm 1999, Hà Nội) sinh ra và lớn lên trong một gia đình bình thường như bao đứa trẻ khác. Thế nhưng, cuộc sống của cô rẽ sang một hướng khác kể từ khi gia đình phát hiện em gái út Nguyễn Thị Khánh Chi bị khiếm thị và chậm phát triển trí tuệ. Từ lúc ấy, tình thương và trách nhiệm tự nhiên trong cô chị nhỏ mới hơn 10 tuổi dần lớn lên, trở thành sợi dây bền chặt gắn kết hai chị em trong hành trình đặc biệt.

Khi còn bé, Hoa Xuân đã tìm đủ cách để chơi với em, giúp em cảm nhận thế giới xung quanh bằng thính giác và xúc giác. Em đi vòng quanh nhà, vỗ tay để Chi lần theo âm thanh mà tìm đến. Em cho Chi sờ từng món đồ, giới thiệu tên gọi, công dụng. Không phải vì bố mẹ giao phó, mà đơn giản là thương em, muốn em gái mình cũng được vui chơi như những đứa trẻ khác.

Dù hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ lúc đó vẫn giữ Chi ở nhà vì sợ nguy hiểm, còn Xuân lại nghĩ khác. "Em của mình chỉ không nhìn thấy thôi, chứ không phải là không làm được gì cả"- cô tâm sự. Từ suy nghĩ ấy, Hoa Xuân quyết tâm thi vào Khoa Giáo dục Đặc biệt, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội để học cách chăm sóc, dạy dỗ em gái khuyết tật một cách bài bản, với mong muốn giúp em có thể tự lập phần nào trong cuộc sống.

Không chỉ chăm em, Xuân còn đưa Chi đến trung tâm giáo dục hòa nhập Khánh An để được học tập, giao lưu cùng các bạn khiếm thị khác. Ngoài giờ học tín chỉ trên trường, Xuân lại tất tả đến trung tâm, học thêm cách hướng dẫn trẻ khiếm thị từ cô Nguyễn Thị Thắm - người sáng lập trung tâm. Chính nhờ tình yêu thương vô điều kiện và sự kiên trì không mệt mỏi ấy, Chi giờ đây đã biết chăm sóc bản thân cơ bản, học hát, và biết nói lời yêu thương với chị.

Anh chị em - người đồng hành thân thiết của trẻ khuyết tật

Dưới góc nhìn chuyên môn, TS Nguyễn Thị Thắm, giảng viên Khoa Giáo dục Đặc biệt, Đại học Sư phạm Hà Nội, Phó viện trưởng Viện Tâm lý giáo dục BrainCare, khẳng định vai trò quan trọng của anh chị em trong cuộc đời trẻ khuyết tật. Nếu như cha mẹ là người chịu trách nhiệm chính về chăm sóc, tài chính và định hướng thì anh chị em lại là những người đồng hành thân thiết nhất, góp phần hỗ trợ về mặt tâm lý và tạo dựng một môi trường yêu thương bình đẳng cho trẻ.

Tiến sĩ Thắm nhấn mạnh: "Anh chị em không có trách nhiệm pháp lý như cha mẹ, nhưng bằng tình yêu thương và sự đồng cảm tự nhiên, họ có thể trở thành những người bạn, người thầy đặc biệt của trẻ khuyết tật". Vai trò ấy thể hiện từ việc hỗ trợ sinh hoạt hằng ngày, hướng dẫn các kỹ năng cơ bản như ăn uống, vệ sinh cá nhân, đến đồng hành trong các hoạt động xã hội, giúp trẻ tự tin hơn.

TS Nguyễn Thị Thắm

TS Nguyễn Thị Thắm

Đặc biệt, sự hỗ trợ tâm lý từ anh chị em rất quan trọng đối với trẻ khuyết tật- những người vốn dễ tự ti và sợ hãi trước thế giới xung quanh. Khi nhận được tình yêu thương không điều kiện và sự quan tâm thường trực của anh chị, trẻ sẽ cảm nhận được giá trị của bản thân, biết rằng mình cũng có vị trí quan trọng trong gia đình và cộng đồng.

Đưa ra lời khuyên cho các gia đình có trẻ khuyết tật, TS Thắm cho biết, điều đầu tiên là gia đình phải chấp nhận sự thật và xem sự xuất hiện của trẻ khuyết tật không phải là bất hạnh, mà là một thử thách và cơ hội để gia đình gắn kết hơn. Sau đó, cần tạo môi trường yêu thương, hòa nhập, và đặc biệt là khuyến khích sự tham gia của anh chị em vào quá trình chăm sóc, đồng hành cùng trẻ.

TS Thắm nhấn mạnh: "Nếu chăm sóc bằng sự gắng gượng, bằng cảm giác trách nhiệm nặng nề, người chăm sóc rất dễ rơi vào trạng thái kiệt sức, bào mòn cảm xúc tích cực. Khi ấy, những áp lực vô hình đó vô tình sẽ truyền sang chính những đứa trẻ khuyết tật mà họ yêu thương."

Tuy nhiên, TS Thắm cũng đặc biệt lưu ý rằng, dù tình yêu thương dành cho trẻ khuyết tật có lớn đến đâu, thì người chăm sóc - dù là cha mẹ hay anh chị em - cũng cần biết đặt một ranh giới cảm xúc và dành khoảng nghỉ cho bản thân. Các gia đình nên có sự phân chia trách nhiệm hợp lý, tạo điều kiện cho mỗi người chăm sóc có những khoảng nghỉ riêng để tái tạo năng lượng, giữ được sự cân bằng tinh thần và duy trì nguồn năng lượng tích cực. Chỉ khi người chăm sóc cảm thấy hạnh phúc và đủ đầy, họ mới có thể truyền đi tình yêu thương đúng nghĩa và là chỗ dựa vững chắc cho trẻ khuyết tật.

Bà cũng nhấn mạnh rằng, nếu gia đình nào có điều kiện, hãy kết nối thêm với cộng đồng, các chuyên gia, tổ chức hỗ trợ trẻ khuyết tật để "chia lửa" với cha mẹ và anh chị em ruột. Khi có một mạng lưới hỗ trợ rộng mở, tình yêu thương dành cho trẻ không còn là áp lực cá nhân mà trở thành giá trị chung của cộng đồng.

N.Minh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/hanh-trinh-yeu-thuong-khong-gioi-han-danh-cho-tre-khuyet-tat-20250417111944125.htm
Zalo