Hành trình 72 giờ chinh phục Nam Kang Ho Tao

Chọn đỉnh Nam Kang Ho Tao cho hành trình trải nghiệm leo núi vào cuối tháng 3 vừa qua, chúng tôi được ưu ái bởi tiết trời trong, khô và dịu mát.

Chinh phục đỉnh Nam Kang Ho Tao cao 2.881m là đích đến của đam mê.

Chinh phục đỉnh Nam Kang Ho Tao cao 2.881m là đích đến của đam mê.

Hơn 2 ngày liên tục di chuyển đường rừng, gần 40 km cả đi và về với cung đường hiểm trở, “lên thác, xuống ghềnh” đủ vắt cạn sức của cả người khỏe nhất đoàn. Nhưng cảm giác phấn khích được chạm vào khối tháp kim loại ở độ cao 2.881m luôn là động lực hối thúc những bước chân ngược núi.

Đỉnh Nam Kang Ho Tao thuộc Vườn quốc gia Hoàng Liên được khai thác chính thức khoảng 7 năm gần đây, trở thành một trong những đỉnh núi khó chinh phục nhất Tây Bắc, nhưng cũng không thể bỏ qua đối với nhiều người ưa mạo hiểm. Quãng đường leo dài, dốc gắt bù lại nhiều thác suối nên thơ giữa bạt ngàn rừng già, với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ.

Dự báo đường leo dài và khó nên chúng tôi thống nhất xuất phát lúc 4 giờ sáng tại Nhà hát Lớn thành phố Hà Nội, thẳng hướng Lai Châu, với mục tiêu khởi hành sớm để kịp leo tới lán nghỉ trước 10 giờ tối.

Cẩn thận từng bước chân.

Cẩn thận từng bước chân.

Khung hình "nguy hiểm" nhưng sự thật là khá an toàn.

Khung hình "nguy hiểm" nhưng sự thật là khá an toàn.

12 giờ trưa, chúng tôi có mặt tại Mường Than, một trong 4 cánh đồng lớn nhất vùng Tây Bắc. Dân gian vẫn truyền khẩu về 4 cánh đồng, đó là: nhất Thanh – nhì Lò – tam Than – tứ Tấc ( Mường Thanh – Điện Biên, Mường Lò – Yên Bái, Mường Than – Lai Châu, Mường Tấc – Sơn La). Ăn vội bữa cơm dọc đường lấy năng lượng vượt núi, chúng tôi di chuyển bằng xe ôm tới điểm leo – bản Thào A, xã Hố Mít, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu. Hơn chục anh em porter đã sẵn sàng hỗ trợ đoàn xuất phát.

Đúng 2 giờ chiều, các thành viên trang phục gọn gàng, xong “thủ tục” check in và xuất phát xuyên qua sân vườn của đồng bào người Mông. Đoạn khởi đầu đi dọc theo nương ngô rồi ra bờ suối, nhưng cũng bắt đầu phải đu dây, “đặc sản” trong mọi cuộc treking. Do mục tiêu lên lán trước 10 giờ tối, nên cả đoàn thống nhất hạn chế dừng lại chụp ảnh và cặm cụi leo liên tục để tới thử thách lớn nhất trong ngày đầu tiên – vượt “dốc 3 giờ”. Để qua con dốc này, đoàn phải bám theo con suối cạn ngược tới khe núi. Đường đi hiểm trở thêm phần khó khi leo ngược, nên phải mất 3 giờ để đạt độ cao 2.200m, cảm giác đã tiêu sạch năng lượng đã nạp ở Mường Than. Ác nỗi, lên rồi lại phải tụt xuống men dọc khe suối, từ độ cao 2.200m hạ xuống 1.900m. Đồng hồ chỉ 19 giờ, lúc này, trời tối om, ánh đèn pin le lói trong rừng già và suối mát lạnh, nếu không tuyệt đối giữ thăng bằng từ mỗi bước chân là có thể sa xuống dòng nước lạnh buốt.

Chúng tôi quyết định dừng chân, tiếp thêm năng lượng để hoàn thành chặng còn lại trước khi tới lán. Sau bữa tối lúc 22 giờ đêm giữa rừng già do anh em porter chuẩn bị, với đầy đủ đạm và rau xanh, thêm chút cay nồng của rượu men lá, khiến anh chị em trong đoàn nhanh chóng chìm vào giấc ngủ kịp hồi sức cho chặng tiếp theo.

Sáng hôm sau, mọi thủ tục cá nhân hoàn tất mau lẹ, để 7 giờ lên đường chinh phục đỉnh Nam Kang Ho Tao, mà dân phượt hay gọi vui là “nắn càng hộ tui”, “nằm cáng hộ tao”. Khung cảnh sáng sớm thật nên thơ với nắng vàng xuyên qua tán lá rừng, chim hót líu lo và quan trọng hơn là mọi người được hít căng lồng ngực nguồn dưỡng khí của thiên nhiên. Cung leo này không nhiều hoa rực rỡ như đỗ quyên ở Putaleng, nhưng ở đó, suối sâu, đèo cao, cổ thụ bao quanh là địa y xanh mượt, những vạt thảo quả xanh rì. Mỗi bước chân là những điều thú vị khác nhau. Trải nghiệm thêm hứng khởi khi có công nghệ hỗ trợ. Bằng thiết bị bay không người lái UAV, chúng tôi đã mang về từ rừng già những khung hình, cảnh quay vô cùng đẹp mắt về thiên nhiên bao la, núi non hùng vĩ của miền Tây Bắc.

Video clip: Cảnh sắc rừng già Hoàng Liên qua thiết bị quay UAV.

12 giờ 30, rồi cũng tới đích. Khối tháp hình chóp ghi rõ độ cao 2.881m Nam Kang Ho Tao đã hiện ra trước mắt. Tuy không phải là đỉnh núi cao nhất so một số đỉnh khác ở Tây Bắc, nhưng đây thực sự là một trong những cung trek “khoai” top 1 Việt Nam về độ dài và hiểm trở. Phấn khích quên cả đói, mệt, ai cũng hớn hở tranh thủ check in với cái chóp thần thánh. Khi đã “no” ảnh, chúng tôi lại lục tục vượt suối, băng rừng, đu dây, bám đá xuống núi và về lại lán lúc 18 giờ. Lán nghỉ trên Nam Kang Ho Tao có “tiện nghi” khá hơn rất nhiều so các cung leo khác, có dịch vụ tắm nước nóng với giá 50 nghìn đồng/ lần, “bonus” thêm cảm giác gió núi mát lịm luồn qua khe cửa và nhất là bữa tiệc lẩu cá tầm tỏa lan trong hương núi. Ngày thứ 2 kết thúc với hành trình 6 giờ leo lên, hơn 4 giờ đi xuống, và chặng đường vẫn còn phía trước.

Ngày cuối cũng là một hành trình dài, dậy thật sớm, ăn sáng và xuất phát lúc 6 giờ. Việc xuống núi đơn giản hơn nhiều so với lúc lên, nên chúng tôi thảnh thơi thưởng thức cánh rừng già đang đua mình với lá non đầy mầu sắc. Đúng 12 giờ, cả đoàn xuống tới chân núi, dừng chân ăn trưa và quay ra cầu Pak Ta, thả mình trong làn nước khoáng nóng 40 độ C, gân cốt được đàn hồi, cơ thể thư giãn để đường về Hà Nội gần hơn.

Chúng tôi về tới nhà khi trời đã sang ngày mới, kết thúc hành trình gần 72 giờ thỏa mãn đam mê và sẵn sàng cho tuần làm việc mới nhiều hứng khởi, bởi dư âm Nam Kang Ho Tao sẽ vẫn còn trong những chia sẻ với các đồng đội mê leo.

Hãy cùng chúng tôi đi qua những vạt rừng, khe suối ...

Lán giữa rừng. Và bữa tối.

Lán giữa rừng. Và bữa tối.

HÀ TÔ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/hanh-trinh-72-gio-chinh-phuc-nam-kang-ho-tao-post870325.html
Zalo