Triển lãm 'Sắc Lụa' tôn vinh giá trị nghề dệt lụa do công đức truyền dạy của Hoàng thái hậu - Nguyên phi Ỷ Lan

Triển lãm nghệ thuật 'Sắc Lụa' là một trong những hoạt động đặc sắc nằm trong khuôn khổ Lễ hội kỷ niệm 981 năm ngày sinh của Hoàng Thái hậu - Nguyên phi Ỷ Lan và kỷ niệm 30 năm đình Yên Thái được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Sự kiện do Đảng ủy, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội tổ chức sáng 4/4.

Kỷ niệm 981 năm ngày sinh của Hoàng thái hậu - Nguyên phi Ỷ Lan

Các đại biểu và các họa sĩ bên cạnh tác phẩm "Duyên" của tác giả Hội Trần. Ảnh: An Nhiên

Các đại biểu và các họa sĩ bên cạnh tác phẩm "Duyên" của tác giả Hội Trần. Ảnh: An Nhiên

Triển lãm nghệ thuật "Sắc Lụa" mang đến cho du khách khoảng 20 tác phẩm độc đáo được bày trí một cách sáng tạo trong không gian của đình Yên Thái. Triển lãm ra đời như một nỗ lực viết tiếp câu chuyện sáng tạo nghệ thuật nhằm tôn vinh giá trị của nghề dệt lụa do công đức truyền dạy của Nguyên phi Ỷ Lan cho dân làng Yên Thái xưa kia.

Họa sĩ, Giám tuyển Nguyễn Thế Sơn - giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: “Các sáng tác trên chất liệu lụa của các học sĩ tên tuổi, hay các họa sĩ trẻ, sinh viên mỹ thuật như một nguồn năng lượng mới mẻ đầy màu sắc, tô điểm cho vẻ đẹp trầm mặc sâu lắng của ngôi đình ẩn mình trong khu phố cổ.

Các tác phẩm lần này tuy đều có một điểm chung khi sử dụng chất liệu lụa, nhưng nội dung và hình thức biểu đạt rất đa dạng, từ tranh lụa hội họa truyền thống cho tới sắp đặt lụa, sắp đặt ánh sáng với lụa, kết hợp với những cách thực hành vẽ nhuộm với màu nước, mực nhuộm… tạo nên những tác phẩm đầy ngẫu hứng và độc đáo.

Ngoài những tác phẩm được sáng tác biến hóa trên chất liệu lụa, trong triển lãm lần này còn xuất hiện một tác phẩm sắp đặt ngoài trời bằng thép của họa sĩ Vũ Xuân Đông tương tác với khu giếng nước cổ được khơi mạch nguồn từ thời Vua Lý Thánh Tông cho xây cung Động Tiên nơi Nguyên phi Ỷ Lan hạ sinh hoàng tử Càn Đức.

Hy vọng triển lãm “Sắc Lụa” lần này sẽ như một mạch nguồn sáng tác với chất liệu lụa cho nhiều thế hệ họa sĩ tiếp theo, khơi gợi cảm hứng viết tiếp những đối thoại nghệ thuật với một di sản quý báu trong lòng phố cổ. Từ đó, góp phần nối dài bản đồ nghệ thuật hình thành trong khu phố cổ khi gắn kết với hệ thống các ngôi đình và các không gian văn hóa nghệ thuật đậm chất di sản trước đó”.

Du khách hào hứng khám phá các tác phẩm tranh tại triển lãm. Ảnh: An Nhiên

Du khách hào hứng khám phá các tác phẩm tranh tại triển lãm. Ảnh: An Nhiên

Họa sĩ Hội Trần mang đến triển lãm "Sắc Lụa" tác phẩm “Duyên” với nhiều nét sáng tạo độc đáo. Nữ họa sĩ cho biết: “Tác phẩm “Duyên” khắc họa hình tượng Mẫu, chính là Hoàng Thái hậu - Nguyên phi Ỷ Lan. Bà từ một cô gái hái dâu chân quê giản dị nhưng toát lên vẻ đẹp thanh tao, khí chất, cũng vì “duyên” mà được Vua Lý Thánh Tông để ý, đem lòng yêu thương và sa giá về cung trở thành Nguyên phi Ỷ Lan. Là người tài năng, đức độ, bà được quần thần trọng nể, dân chúng kính yêu.

Ở tại nơi đây, ngôi đình Yên Thái, bà đã chỉ dạy các cung nhân nghề dệt lụa tơ tằm. Do đó, tác giả đã sáng tạo tác phẩm “Duyên” nhằm khắc họa hình ảnh người con gái tài sắc vẹn toàn. Tôi hy vọng rằng, tác phẩm sẽ lan tỏa những giá trị di sản nghề dệt lụa tơ tằm , nghệ thuật sáng tạo tranh lụa và niềm tin, sự tự hào về những giá trị mang đậm truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam”.

Họa sĩ Hội Trần giới thiệu về tác phẩm của mình. Ảnh: An Nhiên

Họa sĩ Hội Trần giới thiệu về tác phẩm của mình. Ảnh: An Nhiên

Họa sĩ Hội Trần chia sẻ thêm: “Phía trên cùng của tác phẩm là chiếc nón với các họa tiết văn hóa của thời Lý, tiêu biểu là họa tiết rồng mềm mại, cũng là nét văn hóa phật giáo nổi bật thời kỳ đó. Hoàng Thái hậu - Nguyên phi Ỷ Lan cũng là người rất tôn sùng phật giáo. Dưới lớp nón là những họa tiết trang trí biểu tượng của hoàng triều. Tiếp theo là kén tự nhiên được lắp đèn sáng bên trong. Phía dưới, bộ 5 tranh gồm tranh giữa là tranh vẽ Nguyên phi Ỷ Lan, 4 tranh bên cạnh là tượng trưng cho 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông để nói đến sự giao hòa của con người và tự nhiên. Phía dưới là 5 bức về con đường tơ lụa từ kén thành tơ, tơ sống, tơ chết rồi thành phẩm lụa”.

Những tác phẩm tranh được bày trí trên cao tạo điểm nhấn cho triển lãm. Ảnh: An Nhiên

Những tác phẩm tranh được bày trí trên cao tạo điểm nhấn cho triển lãm. Ảnh: An Nhiên

Du khách Phạm Xuân Khánh, đến từ TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “Lần này ra Hà Nội, rất may mắn là tôi có cơ hội được đến Lễ hội kỷ niệm 981 năm ngày sinh của Hoàng Thái hậu - Nguyên phi Ỷ Lan. Tôi cảm thấy rất vui khi được hòa mình với không khí lễ hội nơi đây và được tìm hiểu nhiều hơn về văn hóa, lịch sử của ngôi đình gắn liền với Hoàng Thái hậu - Nguyên phi Ỷ Lan. Lịch sử ghi nhận bà là người phụ nữ mạnh mẽ, tài đức, thương dân như con. Bà cũng có công lớn giúp vua đánh thắng giặc, giữ nghiêm phép nước, trừ khử kẻ lộng quyền. Bà cũng chính là nhân vật lịch sử mà tôi đặc biệt yêu thích, là người đưa tôi đến với tình yêu môn lịch sử, thôi thúc tôi chăm chỉ tìm tòi, nghiên cứu về lịch sử nước nhà. Bản thân tôi cũng từng làm một số sản phẩm về Hoàng Thái hậu - Nguyên phi Ỷ Lan và đăng tải lên mạng, với mong muốn lan tỏa đến mọi người về “Lý Đại Mẫu nghi” của nước ta".

Du khách Phạm Xuân Khánh có đam mê khám phá lịch sử, đặc biệt là những tài liệu về Hoàng Thái hậu - Nguyên phi Ỷ Lan. Ảnh: An Nhiên

Du khách Phạm Xuân Khánh có đam mê khám phá lịch sử, đặc biệt là những tài liệu về Hoàng Thái hậu - Nguyên phi Ỷ Lan. Ảnh: An Nhiên

Tại sự kiện, nữ sinh có cơ hội tìm hiểu nhiều tư liệu về Hoàng Thái hậu - Nguyên phi Ỷ Lan. Ảnh: An Nhiên

Tại sự kiện, nữ sinh có cơ hội tìm hiểu nhiều tư liệu về Hoàng Thái hậu - Nguyên phi Ỷ Lan. Ảnh: An Nhiên

Hoàng Thái hậu - Nguyên phi Ỷ Lan tên thật là Lê Thị Yến, sinh ngày mùng 7 tháng 3 năm Giáp Thân (1044), người hương Thổ Lỗi (nay là xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội). Bà là Nguyên phi của Vua Lý Thánh Tông và là mẹ của Vua Lý Nhân Tông. Trong hơn nửa thế kỷ (1063 - 1117) là Nguyên phi, rồi Hoàng hậu, Nhiếp chính Triều Lý, Nguyên phi Ỷ Lan đã tỏ ra là bậc nữ lưu kiệt xuất, có tài kinh bang tế thế phò vua giúp nước, người hai lần nhiếp chính, giúp vua đánh thắng giặc, giữ nghiêm phép nước, trừng trị bọn lộng quyền, tham nhũng, được xưng tụng là “Lý Đại Mẫu nghi”.

Để tưởng nhớ công ơn của bà, hằng năm, Đảng ủy, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường Hàng Gai tổ chức lễ hội nhằm thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, bày tỏ tấm lòng thành kính, tri ân với Đức thánh mẫu Ỷ Lan.

Một số tác phẩm tranh tại triển lãm. Ảnh: An Nhiên

Một số tác phẩm tranh tại triển lãm. Ảnh: An Nhiên

Triển lãm nghệ thuật "Sắc Lụa" diễn ra trong 3 tháng từ 4/4-4/7. Các họa sĩ có tác phẩm tham gia triển lãm gồm: Trần Thị Hội (Hội Trần), Nguyễn Phương Linh, Hồ Hữu Ân, Nguyễn Cẩm Nhung, Nguyễn Thị Thanh Hương, Phạm Thủy Tiên, Phạm Hùng Anh, Vũ Xuân Đông.

Hoạt động này cũng nhằm cụ thể hóa nội dung của Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam; Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

An Nhiên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/trien-lam-sac-lua-ton-vinh-gia-tri-nghe-det-lua-do-cong-duc-truyen-day-cua-hoang-thai-hau-nguyen-phi-y-lan-414697.html
Zalo