Hành tinh địa ngục đang tan chảy giữa vũ trụ, để lại vệt lửa dài 9 triệu km

Một hành tinh nằm cách Trái Đất 140 năm ánh sáng đang dần tan biến trong vũ trụ, để lại phía sau một chiếc đuôi rực lửa kéo dài tới 9 triệu km cảnh tượng chưa từng thấy trong giới thiên văn.

Các nhà khoa học Mỹ mới đây đã công bố phát hiện gây chấn động về hành tinh BD+05 4868 b, một thế giới nhỏ bé đang trải qua quá trình “bốc hơi” dữ dội khi quay quanh ngôi sao chủ ở khoảng cách cực kỳ gần.

“Chiếc đuôi của hành tinh này dài gần bằng một nửa quỹ đạo của nó khoảng 9 triệu km, trông chẳng khác gì một sao chổi khổng lồ,” Tiến sĩ Marc Hon từ Viện Kavli (MIT) mô tả.

Ảnh đồ họa mô tả hành tinh tan chảy BD+05 4868 Ab như đang bị vùi lấp trong chính chiếc đuôi đá rực lửa của nó - Ảnh: MIT

Ảnh đồ họa mô tả hành tinh tan chảy BD+05 4868 Ab như đang bị vùi lấp trong chính chiếc đuôi đá rực lửa của nó - Ảnh: MIT

BD+05 4868 b chỉ mất 30,5 giờ để hoàn thành một vòng quay quanh sao mẹ một con số chóng mặt nếu so với Trái Đất. Khoảng cách cực gần khiến nó liên tục bị “thiêu đốt” bởi nhiệt lượng khủng khiếp, khiến bề mặt hành tinh này trở thành địa ngục thực thụ: bị bao phủ bởi đại dương magma sôi sục, vật chất nóng chảy không ngừng bốc hơi vào không gian.

Chính dòng vật chất đang thoát ra này đã tạo nên vệt đuôi đá nóng chảy khổng lồ phía sau hành tinh một hiện tượng hiếm gặp trong vũ trụ.

Theo các nhà khoa học, BD+05 4868 b có thể đã từng có khối lượng gấp đôi hiện tại, nhưng đang dần tan biến. Hiện khối lượng của nó chỉ còn chưa bằng một nửa Sao Thủy và đang tiếp tục giảm sút nhanh chóng.

“Mỗi vòng quay quanh sao mẹ, nó mất đi lượng vật chất tương đương cả núi Everest,” Tiến sĩ Avi Shporer từ sứ mệnh TESS của NASA chia sẻ.

Do kích thước nhỏ và lực hấp dẫn yếu, hành tinh này không thể giữ được lớp vật chất bên ngoài. Các nhà nghiên cứu dự đoán nó sẽ biến mất hoàn toàn trong vòng 1 đến 2 triệu năm tới.

Dù đang đi đến hồi kết, BD+05 4868 b lại mở ra cơ hội khoa học quý giá. Với khả năng phân tích quang phổ cực kỳ chi tiết, Kính viễn vọng không gian James Webb có thể “nhìn thấu” thành phần bên trong hành tinh này thông qua dòng vật chất đang tan chảy.

“Đây là cơ hội hiếm hoi để khảo sát trực tiếp cấu trúc bên trong một hành tinh đá điều có thể làm sáng tỏ thêm về sự đa dạng và tiềm năng sinh sống của các hành tinh ngoài hệ Mặt Trời,” Tiến sĩ Hon nhấn mạnh.

Như Ý (t/h)

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/hanh-tinh-dia-nguc-dang-tan-chay-giua-vu-tru-de-lai-vet-lua-dai-9-trieu-km/20250516115136527
Zalo