Hạnh phúc không ở đâu xa, ngay trong chén trà...
Vào đời Nguyễn, các thi hào Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Cao Bá Quát... đều có thơ tán tụng trà. Trà cùng với 'Truyện Kiều' và tổ tôm trở thành ba thứ quốc đam mê mà nam nhi nước Việt không thể không biết: 'Làm trai biết đánh tổ tôm/ Uống trà Mạn Hảo ngâm nôm Thúy Kiều'.
Trà tuy không đẹp như mỹ nhân nhưng hương thơm đáng yêu quý trăm lần. Trà là khúc nhạc du dương không có tiếng vang mà tự lòng người uống có dư âm hòa lại. Nên tự xa xưa, trà rất thịnh hành; vương công, triều sĩ, lê dân, ai mà không thưởng thức.
Trà nuôi thể xác, trà nuôi tinh thần
Giới trà sư cho rằng người Trung Quốc khám phá ra trà (chè) từ rất sớm. Trước hết được dùng cho y học, sau mới đến giải khát. Thư tịch cổ Trung Quốc gọi trà bằng nhiều tên, tên cổ nhất là đồ, có nghĩa đắng.
Cuốn sách khảo cứu về trà đầu tiên là cuốn "Trà Kinh" của Lục Vũ (733 - 804), một độc phẩm nghiên cứu về trà được xem khá đầy đủ nhất từ xưa đến nay. "Trà Kinh" ghi chép nguồn gốc của trà như sau: “Trà chỉ vi ẩm, phát hổ Thần Nông thị, vãn ư Lỗ Chầu Công”, có nghĩa uống trà bắt đầu từ đời Thần Nông (3320 - 3080 TCN) truyền đến đời Chu Công (Chu Công Đán, sinh 1143, chưa tìm thấy năm mất) nước Lỗ.
Thuyết này căn cứ trên sách "Thần Nông thực kinh" và "Chu Công nhĩ nhã". Cả hai quyển sách tuy nói dông dài về trà và luận bàn việc uống trà nhưng, chung quy lại: “Khổ trà cửu phục, linh nhân hữu lực duyệt chi”, nghĩa là trà đắng uống lâu người có sức khỏe và lòng cảm được an vui.
Những dược tính của trà khám phá từ đời Thần Nông được khoa học ngày nay công nhận. Trà có chức năng tăng cường các hoạt động của hệ tuần hoàn, làm người uống dễ chịu, uống thường xuyên sinh ra nghiện!
Vào đời Tam Quốc (213 - 280), sách "Hoa Đà thực luận" ghi: “Khổ trà cửu thực ích ý tứ”, ngụ ý trà đắng uống nhiều có ích cho sự nghĩ ngợi.
Đến đời Nam Bắc Triều (420 - 581), tục uống trà lan rộng khắp miền Giang Nam, nhờ các tăng lữ và đạo sĩ ẩn cư trong rừng núi trồng được những thứ trà quý đem đãi khách. Khách đến thăm, chủ nhân đãi trà mới là trân trọng. Sĩ phu Giang Nam nhận thấy cái hương vị đặc biệt của trà bèn bắt chước và bày ra cách uống trà rất tinh tế. Tuy nhiên, Lục Vũ vẫn luôn được coi là người mở đường trà đạo và khai sáng trà nghiệp. Thế nên sau khi Lục Vũ chết, ông được tôn là Thần Trà. Đời sau các hiệu buôn trà đều thờ ông, hàng ngày pha trà dâng cúng.
Còn cội nguồn trà Việt là ai mà cho ta thức uống kỳ diệu này? Trong bộ sách "Nam dược thần hiệu" của thiền sư Tuệ Tĩnh (1330 - 1400), ghi lại dược tính 499 vị thuốc nam, trong đó vị thứ 188 là Minh trà. Minh trà: trà ngon, vị ngọt, đắng, tính hơi hàn, trị chướng lị, tiêu thức ăn… Thiền sư khuyến khích dân chúng vùng cao trồng trà để chữa bệnh và giải khát. “Từ lời khuyên của ông, cây trà phát triển khắp nơi, thú uống trà của người Việt cũng hình thành từ đó”, trà sư Nguyễn Ngọc Tuấn - ông chủ hiệu trà Song Hỷ, nói.
Giới thưởng trà coi thiền sư Tuệ Tĩnh là Thánh tổ trà Việt. Các hiệu buôn trà, sản xuất trà ngày nay đều dành không gian riêng thờ phụng ông. Bởi hơn ai hết, họ không chỉ uống mà ngày đêm sống cùng với cây trà, chăm chút từng búp trà xanh để cho ra những chén trà thơm ngon. Trong lòng mỗi người Việt đều tự hào về những rừng trà Xùa cổ thụ ở Hà Giang, chè Shan tuyết ở Lào Cai, tồn tại hàng ngàn năm và phong tục uống trà được lưu truyền qua nhiều đời.
Người mệt mỏi uống trà cho tỉnh táo, lúc vui uống trà cho thêm vui, khi buồn uống trà để giải buồn, lúc suy tưởng uống trà cho thêm thâm trầm, sâu sắc.
Trong những dịp cưới hỏi, trà dùng làm đồ sính lễ, lấy ý trà có hương vị khả kính khả ái, mong cho vợ chồng lúc nào cũng yêu thương, tương kính.
Trà còn dùng để cúng Phật, cúng gia tiên. Với hàm ý trà hương thanh vị mỹ, một phẩm vật trân quý, dâng cúng để tỏ lòng thành kính và mong mỏi con cháu được hưởng chút hương thừa.
Tết đến dùng trà để biếu thầy học, các bậc tôn trưởng, bạn thâm giao, với ý trà có hương vị ngạt ngào, thanh khiết, lại trồng ở vùng đất cao ráo nên càng tỏ lòng ngưỡng vọng. Thế nên, gói trà đầu xuân là một trong những tặng phẩm quý giá và thông dụng bậc nhất của người Việt có từ xa xưa. Đặc biệt, vào những ngày tết, tân khách đến gia chủ dùng trà thủ tiếp.
Uống trà là một phương pháp tu thân…
Cho dù thuộc trường phái nào, uống trà cũng được coi là một nghệ thuật (trà ngon có vô số, tùy sở thích mỗi người nên người viết xin phép miễn luận bàn). Vì là nghệ thuật nên các dụng cụ phụ thuộc, phương pháp thực hiện đều được chuẩn bị kỹ lưỡng. Các cụ ngày xưa, nước dùng pha trà ngon nhất là lấy ở ngã ba sông cái, thứ đến nước giếng chùa, thứ đến nữa nước giếng nhà lâu năm, sau cùng mới tới nước mưa.
Đun nước pha trà phải dùng củi luồng hoặc tre chẻ nhỏ, tối kỵ dùng củi từ cột chuồng nuôi gia súc. Các cụ không bao giờ dùng than hay rơm, vì đun bằng hai thứ này trà mất hương thơm. Chọn được nước và củi, còn phải canh chừng trong khi đun. Nước sôi non pha trà không ngấm. Nước sôi già quá trà sẽ nồng, làm mất hương. Nước sôi đúng độ là lúc bọt nổi lên như mắt cua. Khi pha trà, trước hết phải tráng ấm chén bằng nước sôi, bỏ trà vào ấm cho vừa phải rồi rót nước sôi vào. Sau đó đặt ấm lên một cái đĩa, đổ nước sôi đến lưng chừng đĩa để hơi nóng ở ngoài thúc vào trong ấm giữ cho nước trà lâu nguội mới bền hương. Khi chuyển trà ra chén tống, trong ấm có 3 phần nên rót ra 2 phần, giữ lại một phần để làm nước cốt, như thế thì đến nước cuối trà vẫn ngon và đượm.
Các cụ còn so sánh phép uống trà với rượu và thuốc phiện: tửu tứ, trà tam, nha phiến nhị. Nghĩa là uống rượu chỉ nên uống 4 ly, uống nhiều hơn sợ say thành ra sàm sỡ; uống trà chỉ nên uống đến nước thứ ba, nước thứ tư trở đi không còn hương vị; thuốc phiện thì hút sái nhì mới thật là ngon.
Cũng như các bộ môn nghệ thuật khác, nghệ thuật uống trà không chỉ xây dựng trên một số hình thức, mà còn có nội dung và ý nghĩa. Cả hai xuất phát từ lòng yêu chuộng cái đẹp giữa cuộc đời đầy rẫy những cạm bẫy xấu xa. Chẳng thế, một thi sĩ đời Tống (960 - 1279) nói ở đời có ba điều đáng tiếc: một là tuổi thanh xuân rực rỡ mà bị giáo dục xấu làm hư hỏng đi; hai là bức tranh đẹp mà bị kẻ phàm phu tục tử nhìn ngắm; ba là trà ngon mà bị người không biết pha làm hao phí.
Cho nên uống trà còn được coi là một khoa học kinh tế. Nó chứng minh rằng hạnh phúc không ở trong sự phức tạp, hoang phí mà ở trong sự giản dị. Vì rằng, uống trà phải tự tay mình pha lấy mới là người biết thưởng trà, không cần người hầu kẻ hạ như khi uống rượu. Cái câu trà nô, tửu tướng cũng từ đó mà ra.
Bởi uống trà cốt ở sự tĩnh. Tĩnh là danh từ của Nho, Lão; Phật giáo gọi trạng thái ấy là thiền định. Tĩnh để “minh minh đức”, để “vô vi”. Thiền định để cầu “giác ngộ”. Vậy thì uống trà là một phương pháp tu thân, một phương pháp tự thể hiện, một con đường đưa tới chân lý. Trong hương trà thơm ngát có thể cảm ra sự thận trọng, tế nhị của Nho giáo, cái táo bạo của Lão giáo, mùi vị giải thoát của Phật giáo. Nên khi bước vào cuộc trà mà không có lòng tôn quý người đối diện, mọi thứ phiền não sẽ lộ qua cử chỉ, hành vi và lời nói. Ắt cuộc trà trở nên vô vị.
Khi chúng tôi viết những dòng cuối cùng này thì bên ngoài hoa cúc, hoa mai nở vàng phiên chợ, báo hiệu xuân sang. Mùa xuân là mùa của sự sống mà tục uống trà cổ truyền của người Á Đông được xem là một nghệ thuật sống rất tinh tế. Khi pha trà chậm hay nhanh một chút, ấm trà sẽ không tròn vị. Trong cuộc sống đôi lúc chậm hay nhanh một chút những cơ hội, dự định, ước mơ cũng sẽ không trọn vẹn. Từ cuộc trà đơn giản mà ngẫm nghĩ cuộc sống phức tạp ngoài kia...