Cao nguyên nỗi hẹn không lời
Mỗi lần đi qua đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng) lời ca ấy lại vang lên trong tôi: 'Trời buông gió và mây về ngang bên lưng đèo/ Mùa xanh lá loài sâu ngủ quên trong tóc chiều' ('Dấu chân địa đàng' - Trịnh Công Sơn). Con đèo ngoằn ngoèo luôn ám ảnh với những suối lũ sạt lở và bóng người áo trắng chập chờn bên bờ vực. Một chuyến xe đêm kỳ thú. Bao giờ cũng vậy, xe vừa tới bến là tôi vội nhảy xuống thở phào rồi đi dọc đường Trần Phú (Quốc lộ l 20).
Ngã ba bên hồ xanh phố nhớ
Thành phố Bảo Lộc mới được thành lập từ năm 2010. Những thực ra đây đã từng là tỉnh lỵ của Lâm Đồng từ năm 1958. Nhìn thành phố Bảo Lộc từ trên cao mới thấy được vẻ đẹp kiêu sa của nó với những triền núi dài, sông lớn và thung lũng bao la xanh tươi. Hơn nữa, thành phố trẻ Bảo Lộc còn gắn với dòng sông La Ngà và hệ thống suối đổ xuống từ núi Đại Bình tạo nét kỳ vĩ nên thơ.
Vì cấu trúc thổ nhưỡng ở độ cao 900 mét, có nhiều thắng cảnh độc đáo ở thành phố Bảo Lộc. Đó là con đèo “ma” ghê rợn Bảo Lộc. Hay thác Đam Bri (cao 60m) dữ dội; hoặc núi Đại Bình (cao 1.200m) duyên dáng; và còn hồ Nam Phương (rộng 100 ha), suối Đá Bàn, Tân Thanh… Đặc biệt, trục Quốc lộ 20 đi qua trung tâm thành phố tạo nên những khu thương mại sầm uất kéo dài hàng cây số. Đây là con đường bám sát chân dãy cao nguyên Di Linh đi lên Đà Lạt (dài 120km).
Với tôi, thành phố Bảo Lộc tựa như một điểm hẹn mỗi lần lên cao nguyên Lâm Viên (Lang Biang). Một mối duyên hồn nhiên gắn bó tôi với thành phố cao nguyên này xuất phát từ bài ca “Tuổi đá buồn” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ông viết bài hát từ con đường đầy bụi đỏ BLao ngày xưa đó.
Tôi cố đi tìm con đường phố thấm đẫm nỗi cô đơn của nhạc sĩ. Một nỗi yêu con đường có tên “Cầu Đen”, nơi ông ở trong ba năm (1964-1967). Nỗi nhớ những con đường bụi đỏ đầy xa lạ ấy đã phủ lên tâm hồn tôi: “Chiều chủ nhật buồn nằm trong căn gác đìu hiu/ Ôi tiếng hát xanh xao của một buổi chiều/ Trời mưa trời mưa không dứt/ Ô hay mình vẫn cô liêu” (Lời buồn thánh).
Nơi nhạc sĩ ở nhìn thẳng ra một nhà thờ trên đầu phố. Và còn đó, một bóng hồng luôn ngang qua đã làm rạo rực trái tim nghệ sĩ trong ông. Nỗi yêu thầm kín kia làm thổn thức lòng người: “Trời còn làm mưa, mưa rơi mênh mang, từng ngón tay buồn/ Em mang, em mang đi về giáo đường/ Ngày chủ nhật buồn, còn ai còn ai/ Đóa hoa hồng cài lên tóc mây…” (Tuổi đá buồn).
Đó là những ngày tháng dài, nhạc sĩ tự giam mình trong những mùa hè đầy gió bụi và đỏ lửa. Con đường Cầu Đen (nay là Lý Tự Trọng) đã chứng kiến sự ra đời hàng loạt bài ca phản chiến của nhạc sĩ trong những ngày trốn lính. Tôi đã đi qua con đường ven hồ Bảo Lộc (còn có tên gốc hồ Đồng Nai) không biết bao lần. Những con gió thổi tung bụi đỏ ngày nào vẫn trở về trên mỗi bước chân trễ nải.
Lần mò theo dấu bước của nhạc sĩ trong quá khứ mờ mịt chân mây, tôi bồi hồi cùng cát bụi quay về. Tôi sực nhớ những câu thơ của một thi sĩ đã viết: “Sương mù giăng muôn lối/ Trong nỗi đau tình cờ/ Đời-Biết đâu nguồn cội/ Tuổi đá buồn - thẫn thờ/ Thương - Cỏ xót xa đưa/ Cát bụi - bay xao xác/ Cung đàn như cánh vạc/ Em đến như tình cờ/ Chiều một mình qua phố/ Ta phải thấy mặt trời/ Ngắt-Hoa vàng mấy độ/ Và -Xin trả nợ đời” (Quang Minh). Đây là cảm xúc của thi nhân qua sự sắp xếp những tác phẩm của Trịnh Công Sơn thành thi phẩm đáng yêu.
Một thi nhân dị thường
Thành phố Bảo Lộc là đất của người dân tộc Mạ xưa nhưng từ khi người Pháp xâm lược đã phá vỡ cấu trúc sinh thái tại xứ Blao này. Nhiều bộ tộc phiêu dạt về những khu vực chung quanh thành phố. Nền văn hóa của quốc vương Mạ một thời vẫn đóng dấu sắc màu Blao trong mọi góc phố đường làng. Hàng ngàn người Mạ ở tập trung vùng Đam Bri với con thác thiên thần của họ. Dường như cả mấy xã đều trồng dâu nuôi tằm và dệt tơ lụa. Người dân Mạ vẫn luôn chiêm bao: “Mơ khóc thì sống lâu/ Chiêm bao cười, mau trở về/ Mơ thấy người yêu, thần gặp ta” (ca dao Mạ - Ninh Thế Hùng sưu tầm).
Nhưng giờ đây, trong những đêm hát giao lưu dưới ánh trăng, họ còn say sưa trong lời ca mới:“Một đêm sao ở trên rừng/ Đua nhau rụng xuống chào mừng nhân gian/ Hồn tôi cây cối liên hoan/ Rưng rưng tôi thấy trăm ngàn ước mơ” (Nguyễn Đức Sơn). Lúc này, tôi mới nhớ tới thi sĩ Nguyễn Đức Sơn (1937-2020) qua lời ca dân gian ấy. Ông là một hiện tượng thi ca của xứ Bảo Lộc này. Hiện gia đình ông ở tại tổ 9 thôn 2, xã Lộc Châu, TP Bảo Lộc, Lâm Đồng.
Nhà thơ dắt díu gia đình từ Sài Gòn lên Bảo Lộc, từ năm 1979 với tâm trạng xa lánh nơi phố thị. Trong những năm sau miền Nam giải phóng, có một số văn nghệ sĩ Sài Gòn cũ vẫn tìm cách vượt biên. Trong khi đó thi sĩ Nguyễn Đức Sơn quyết tâm ở lại và tìm đường lên rừng khai hoang. Gia đình ông tiếp quản một diện tích đất rừng đồi Phương Bối khá lớn (chừng 25ha) do thiền sư Thích Nhất Hạnh giao lại. Đó là một đồi hoang dại nơi thiền sư mua để mở thiền viện nhưng do thời thế nên phải ra đi.
Gia đình Nguyễn Đức Sơn bắt đầu từ việc khai khẩn đất trồng cây. Vợ chồng và con cái của thi sĩ sống cùng những người dân tộc Mạ ở đó. Họ đã phải chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt cùng với thú dữ cọp beo bên chân đèo Bảo Lộc. Thi sĩ Nguyễn Đức Sơn kiếm củi đi bán để nuôi vợ con. Cả nhà chỉ ăn khoai và hoa quả rừng quanh năm.
Nhưng với thơ, thi sĩ Nguyễn Đức Sơn luôn say sưa và ngang tàng như những chàng trai người Mạ săn thú trên rừng. Mặc cho những khó khăn gian khó, thơ ông luôn rạo rực: “Khi thấm mệt tôi luồn ra núi/ Cuối chiều tà chỉ gặp cỏ hoang sơ/ Bước lủi thủi tôi đi luồn vô núi/ Nghe nắng tàn run rẩy nắng cây khô/ Chân rã rời tôi đi luồn ra núi/ Hồn rụng rời trước mặt bãi hư vô” (Một mình đi luồn vô luồn trong núi chơi).
Cuộc sống hoang dã khởi động với mô hình gần như thời nguyên thủy vậy. Chính vì thế nguồn sinh lực trong thơ ông cũng mang nét trần trụi hồn nhiên. Đó là những câu thơ gây ấn tượng rừng rú: “Trưa đứng một mình đợi ai lên/ Đất trời đâu có dưới có trên/ Đồi cao ổi sót rụng một trái/ Dòi ăn một bên ta một bên” (Cuối thu ở Phương Bối).
Đời sống hoang dã ấy đã tạo nên một hồn thơ Nguyễn Đức Sơn mỗi lúc một kỳ lạ. Giọng thơ mỗi lúc một phong trần nhưng luôn ẩn giấu nỗi buồn. Đôi lúc, nhà thơ tự an ủi mình khi đổi giọng tạo những hình ảnh trần trụi trong đời sống. Nhưng cuối cùng ông vẫn trở về với sự cô đơn bất tận trong tâm hồn: “Một ngày đau khổ chín trong tôi/ Tôi đến bên cây lẳng lặng ngồi/ Cây thả trái sầu trên nước lắng/ Mặt hồ tan vỡ ánh sao trôi” (Tôi thấy mây rừng).
Rừng thông Phương Bối
Rừng thông Phương Bối được hình thành bởi sự đắm đuối và điên rồ của thi sĩ Nguyễn Đức Sơn trong suốt cuộc đời mình. Ông mải miết trồng thông đến kiệt sức mặc kệ sự đói kém gia đình. Vậy mà vợ chồng ông vẫn yêu thương và sinh hạ thêm tất cả tới 8 người con. Đói kém và con cái thất học nhưng ông vẫn chỉ trồng thông. Trong khi đó những ngọn đồi của người khác luôn xanh mướt đồi chè và cà phê. Sống trong nghèo đói đến nỗi ông phải gửi con vào chùa để được học. Nhưng thi sĩ vẫn chăm chút cả vạn cây thông trên đồi cao.
Giờ có gốc cây thông to tới vài người ôm mới xuể. Thật đúng với nghĩa rồ dại và điên khùng và thơ ông đã viết về mình: “Có một con dế què/ Cánh mòn đập rè rè/ Không ai nghe/ Kiến bu trần trụi cuối hè” (Cảnh đời). Nhưng không ngờ, đến nay đồi thông Phương Bối đã trở thành điểm du lịch độc đáo của Bảo Lộc. Một rừng thông đẹp đến ngỡ ngàng cho du khách. Dường như mỗi cây thông là một câu thơ hay của thi sĩ Nguyễn Đức Sơn. Ông ra đi trong một ngày xuân đẹp như thơ vậy: “Rồi mai huyệt lạnh anh về/ Ru nhau gió thổi bốn bề biển xưa/ Trăng tà đổ bóng cây thưa/ Mộng trần gian đã hái vừa chưa em” (Tịch mạc). Và mộng trần gian một rừng thông (gần 10ha) đã để lại cho vợ con ông cùng những người Mạ sinh sống trên xứ sở BLao thần tiên.