Hàng Việt phải kiên trì nếu muốn tham gia cuộc chơi thương mại điện tử

Rất nhiều chương trình tiếp sức cho hàng Việt lên sàn thương mại điện tử, nhưng doanh nghiệp Việt có cam kết và kiên trì với lựa chọn con đường này hay không, đó mới chính là vấn đề cần đặt ra.

Chiều 20/11, tại TPHCM đã diễn ra hội thảo “Tiếp sức hàng Việt trên sàn thương mại điện tử”, do báo Tuổi trẻ phối hợp với Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức.

Một vấn đề được nhiều người quan tâm là hiện nay hàng Việt đã thực sự được tiếp sức trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) hay chưa và hàng Việt đang ở đâu trên các sàn này.

Ông Nguyễn Minh Đức, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam. Ảnh: Lê Mỹ

Ông Nguyễn Minh Đức, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam. Ảnh: Lê Mỹ

Ông Nguyễn Minh Đức, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, cho biết theo thống kê của Google trong năm vừa qua, doanh thu TMĐT Việt Nam tăng 18%, nếu so với cùng kỳ năm ngoái tăng trưởng từ 30-40%; trong đó, người tiêu dùng chủ yếu tập trung mua ở các sàn lớn như Shopee, Tiktok Shop lên đến 90%.

Theo ông Nguyễn Minh Đức, để hỗ trợ và tiếp sức cho hàng Việt trên sàn TMĐT, trong nhiều năm qua, Hiệp hội đã tổ chức rất nhiều hoạt động như đào tạo tập huấn về TMĐT cho các doanh nghiệp, phối hợp với Sở Công thương các tỉnh, thành trong cả nước để phát triển lĩnh vực này; tổ chức các hội thảo kết nối đưa hàng Việt lên sàn quốc tế như Amazon; triển khai các mô hình biến doanh nghiệp thành gương điển hình tại các tỉnh để truyền cảm hứng và nhân rộng…

Tuy nhiên, theo một thống kê gần đây, trong 10 thương hiệu có doanh số cao nhất trên sàn TMĐT của Việt Nam thì chỉ có duy nhất Vinamilk là doanh nghiệp nội nhưng nằm ở cuối cùng trong danh sách, còn lại là các thương hiệu đến từ Mỹ hay Trung Quốc.

Đáng chú ý, với những sản phẩm như thời trang, gia dụng, mỹ phẩm… tỉ lệ người mua quan tâm đến hàng Việt Nam chỉ chiếm 17%, điểm sáng duy nhất là ở lĩnh vực nông sản và thực phẩm, khi người tiêu dùng quan tâm đến 80% các thương hiệu trong nước.

Chính vì vậy, đại diện đến từ VECOM cho rằng, các doanh nghiệp trong nước cần phải dựa vào thế mạnh bản địa, am hiểu khách hàng một cách sâu sắc và chăm sóc hậu mãi mới có thể tạo ra được lợi thế khi cạnh tranh.

Đặc biệt, các doanh nghiệp Việt có thể tận dụng các công nghệ để hỗ trợ như livestream bán hàng, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để chốt đơn ở các phiên bán hàng trực tuyến.

Với việc sử dụng công nghệ này, các phiên livestream có thể bán được hàng nghìn đơn hàng và việc này có thể thực hiện dễ dàng.

Đơn cử, ông Nguyễn Minh Đức chia sẻ, nhiều doanh nghiệp hiện nay chỉ cần tham gia tập huấn hai đến ba ngày là đã có thể tổ chức livestream, chạy quảng cáo.

Nhiều kênh livestream chỉ mới tạo vài ngày đã thu hút 30.000 – 40.000 người xem và bán được cả ngàn đơn hàng.

Các chuyên gia thảo luận tại hội thảo. Ảnh: Lê Mỹ

Các chuyên gia thảo luận tại hội thảo. Ảnh: Lê Mỹ

Ông Trần Quốc Bảo, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Kido, cũng cho rằng bối cảnh hiện nay có thể thấy chưa bao giờ hàng Việt được tiếp sức trên sàn TMĐT nhiều như thế, rất nhiều chiến dịch truyền thông, rất nhiều chương trình hỗ trợ cho hàng Việt được đưa ra.

Nhưng đại diện Kido cũng đặt ra vấn đề, liệu các doanh nghiệp Việt đã có chiến lược phù hợp chưa và có cam kết kiên trì để làm hay không, đó mới là yếu tố chính để phát triển.

Ông Trần Quốc Bảo cũng đề xuất, có nên chăng đặt lại khái niệm hợp tác xã online, trong đó có người đứng ra làm việc với các sàn, chi phí ban đầu chia sẻ đều cho các xã viên, bởi thực tế hiện nay chi phí để đầu tư vào TMĐT là không hề dễ cho doanh nghiệp trong giai đoạn đầu.

Bên cạnh đó cũng cần có chỉ dấu thương hiệu Việt trên online, để mọi người có thể nhận biết đó là hàng Việt khi tiến hành mua hàng trên TMĐT.

Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Hùng, đại diện Sở Công thương TPHCM, cũng chia sẻ hiện nay các chương trình hỗ trợ cho TMĐT được đưa ra rất nhiều, nhưng các doanh nghiệp vẫn chỉ loanh quanh ở các sàn trong nước.

Với sự phát triển của công nghệ hiện nay, doanh nghiệp cần có chiến lược đi ra thị trường nước ngoài để khai thác thị trường rộng lớn hơn, đem lại tăng trưởng cho mình.

Về câu chuyện hỗ trợ cho hàng Việt trong TMĐT, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch VECOM cho rằng, quan trọng là cần hỗ trợ cho các đơn vị làm sản xuất, làm sao để tiếp sức cho họ vượt qua khó khăn, đưa sản phẩm Việt lên sàn.

Bởi thực tế hiện nay, doanh nghiệp sản xuất thiếu rất nhiều sự hỗ trợ, từ cơ quan chức năng, từ các đơn vị, công nghệ… khiến họ rất khó để phát triển, trong khi đó trên sàn TMĐT hàng ngoại nhập gần như lấn át.

Một điều nữa được ông Nguyễn Ngọc Dũng đưa ra, đó là để đưa được hàng Việt lên sàn TMĐT thành công, một thách thức không nhỏ chính là vấn đề kinh phí.

Đơn cử các sàn TMĐT quốc tế như Temu vào Việt Nam họ bỏ ra rất nhiều tiền chạy quảng cáo từ khắp các nền tảng, điều này khiến cho người ta tò mò và đặt mua hàng thử.

Chính vì vậy, họ nhanh chóng có người dùng mặc dù chưa chắc giá các mặt hàng trên này rẻ và chất lượng hơn hàng trong nước.

Theo chủ tịch VECOM, vừa qua chỉ có Tiktok là đơn vị bỏ ra rất nhiều tỉ đồng để hỗ trợ cho hàng Việt lên sàn, mà điển hình là sản phẩm OCOP, chính vì thế nó mới tạo được thương hiệu như ngày nay.

Trong khi đó, thực tế OCOP là chương trình của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra, nhưng thực hiện lại là Bộ Công thương và VECOM cũng đồng hành cùng với các Sở Công thương khắp cả nước để triển khai tại các tỉnh, thành…

Nhưng vấn đề đặt ra là không có ngân sách để hỗ trợ nên rất khó.

Lê Mỹ

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/hang-viet-phai-kien-tri-neu-muon-tham-gia-cuoc-choi-thuong-mai-dien-tu-2343987.html
Zalo