Bình Thuận với bài toán phát triển bền vững cây thanh long
Thanh long là cây trồng chủ lực của Bình Thuận, Long An, là loại trái cây từng giữ ngôi vương trong các mặt hàng trái cây xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, hiện nay việc sản xuất thanh long đối mặt với thách thức vô cùng lớn khiến loại cây trồng này liên tục giảm diện tích, giá cả bấp bênh.
Đã từng là cây trồng giúp nhiều gia đình tại Bình Thuận làm giàu, nhưng nay việc sản xuất thanh long lại là trăn trở đối với nông dân khi giá cả lên xuống bấp bênh. Như gia đình ông Đỗ Hữu Trí, ông có hơn 2.000 trụ thanh long nhưng mấy năm nay giá cả, đầu ra khó khăn ông phải chuyển sang sản xuất cầm chừng và phá bỏ 1 phần diện tích để trồng dưa lưới.
Không chỉ gia đình ông Trí, giá thanh long bấp bênh khiến nhiều nông dân không còn mặn mà với cây trồng này. Diện tích liên tục giảm. Từ 30.000 ha thanh long đến nay toàn tỉnh Bình Thuận chỉ còn hơn 26.000 ha.
Việc sản xuất, tiêu thụ bền vững trái thanh long là thách thức lớn với người nông dân và ngành nông nghiệp tỉnh Bình Thuận.
Năm 2018, xuất khẩu thanh long đạt 1,3 tỉ USD, làm nên kỷ lục trong ngành xuất khẩu trái cây nhưng sau đó vị thế của thanh long giảm dần và mất mốc xuất khẩu tỉ USD vào năm 2022. Đề án phát triển bền vững cây thanh long Bình Thuận là một trong những giải pháp cụ thể của tỉnh này để sản xuất, tiêu thụ bền vững trái thanh long, đưa loại trái cây thế mạnh này lấy lại vị thế trên đường đua xuất khẩu.
Mục tiêu của Đề án phát triển bền vững cây thanh long đến năm 2030, là ổn định diện tích cây thanh long toàn tỉnh Bình Thuận khoảng 25.000 ha, sản lượng đạt 550.000 tấn/năm. Để đạt mục tiêu này, Sở Nông nghiệp đang tham mưu Ủy ban nhân dân trình Hội đồng nhân dân tỉnh có nghị quyết riêng để hỗ trợ kinh phí cho người dân sản xuất thanh long.
Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!