Phật giáo đem lại gì cho nhân loại?
Hy vọng những tiêu chuẩn đưa ra trong Vesak 2025 không chỉ là điểm sáng trong cuộc sống lý tưởng, Phật giáo toàn thế giới cần biến thành hiện thực để mỗi kỳ Vesak có thêm một bước tiến như những tố chất hữu ích cho nhân loại.
Tác giả: Minh Mẫn
Ngày 06/05/2025 chính thức khai mạc Đại lễ Vesak Liên hiệp quốc lần thứ 20, lần đầu tiên được diễn ra tại miền Nam Việt Nam. Trước đó đã ba lần ở phía Bắc vào những năm: Hà Nội (năm 2008), Ninh Bình (năm 2014) và Hà Nam (năm 2019).
Theo Ban Tổ chức, Đại lễ năm nay có 85 quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia, diễn ra từ ngày 6 đến 8/05/2025 ở Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp.HCM.

Trước ngày khai mạc, Đại lễ Vesak đã tổ chức lễ thượng kỳ, lá cờ Phật giáo có kích thước 500m² dài 25,69m, chiều ngang 19,47m, kích thước lớn nhất hiện nay trong khuôn viên Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp.HCM - cơ sở II. Người dân có mặt đã thả 500 quả bóng bay chúc mừng sự kiện.
7 giờ sáng thứ Ba, trước giờ khai mạc, anh chị em phóng viên, báo chí, đài truyền hình, dồn dập tiến vào các dãy bàn sắp sẵn máy móc.
Tại hội trường, để chuẩn bị chào đón hàng giáo phẩm Trung ương, quan khách lãnh đạo trong và ngoài nước, một số hàng giáo phẩm Phật giáo các quốc gia, MC giới thiệu một số khách mời đặc biệt. Màn hình rộng cho thấy trên một ngàn khách mời lấp đầy các hàng ghế đã quy định từng vị trí mỗi người.
Khai mạc bằng màn biểu diễn nghệ thuật, sau đó giới thiệu ngài Lương Cường, Chủ tịch nước và các nguyên thủ quốc gia, các chức sắc Tôn giáo lãnh đạo tham dự Vesak. Ngài Pháp chủ tuyên đọc Thông điệp và khai mạc đại lễ được Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng trị sự - GHPGVN gửi đến tất cả liên hữu trong và ngoài nước được thành công viên mãn. Ngài nêu chủ đề Vesak năm nay: “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì Hòa bình thế giới và Phát triển bền vững”.
Chủ đề đã nói lên thực trạng ngày nay trong xã hội nhân loại. Vì đang có quá nhiều chia rẽ, vì thiếu sự cảm thông và tình thương, đánh mất nhân tính nên thiếu nhân cách. Trong vũng tối vô minh đó, tuệ giác của Phật giáo cần phải xiển dương thật vững chắc lâu dài. Kinh nghiệm trong cuộc sống cho thấy thường đã số các đề xuất thường bị “đánh trống bỏ dùi”.
Trên 2.500 năm có mặt tên tinh cầu, xuất hiện câu hỏi: Phật giáo đã làm gì cho nhân loại? Có lẽ khó trả lời dứt khoát khi mà nhân loại ngày càng phát triển nhiều mặt khác xa với xã hội sơ khai. Chắc chắn khi con người còn nặng về tham dục, lặn sâu trong si mê thì hậu quả là đem đến đau thương chung, đóng góp của Phật giáo bấy giờ còn nhiều hạn chế. Do đó, Chủ tịch nước Lương Cường đề nghị trong chính sách hãy đem vào tinh thần từ bi, trí tuệ và vô ngã của nhà Phật.
Không riêng Phật giáo, các tôn giáo chính thống đều đề cập đến từ bi, bác ái và nhân đạo. Các tôn giáo đã có mặt phần lớn trên tinh cầu, nhưng vẫn hiện diện của chiến tranh và đau thương, nhân loại vẫn khủng hoảng, lo âu, thiên tai và bệnh tật; phải chăng những hiện tượng bất cập đó đều xuất phát từ nhân quả của chúng sinh. Các diễn giả đều đề cao phẩm chất cao đẹp của đức Phật, cách ứng xử từ gia đình đến xã hội, từ nhân cách đến nội hàm.
Lý thuyết là vậy, làm sao những lý tưởng đó được tiêu hóa thành máu thịt để trở thành năng lượng thanh khiết trong cuộc sống, từ tu sĩ, tín đồ, lan rộng đến mọi biên giới trong cõi đời, nếu được vậy sẽ không còn nghe đến hai chữ “mạt pháp”.
Hy vọng những tiêu chuẩn đưa ra trong Vesak 2025 không chỉ là điểm sáng trong cuộc sống lý tưởng, Phật giáo toàn thế giới cần biến thành hiện thực để mỗi kỳ Vesak có thêm một bước tiến như những tố chất hữu ích cho nhân loại.
Phật giáo đem lại gì cho nhân loại? Chờ đợi những tiêu chí đề ra được đáp ứng!
Tác giả: Minh Mẫn